'Áo mới Cà Mau' thêm tươi sắc với du lịch nông thôn

|

Phát triển du lịch nông thôn theo mô hình liên kết được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững ở Cà Mau. Những mô hình này không chỉ đánh thức tiềm năng ở vùng sông nước mà còn giúp nhiều lao động nông thôn có việc làm, thu nhập nhưng không phải xa quê hương.

Cà Mau đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 80% trở lên số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương 66/82 xã), trong đó 30% trở lên số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tương đương 20/66 xã). Trong khi hiện nay, tỉnh mới có 54/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới và chỉ có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Làn gió mới

Để thực hiện mục tiêu này, Cà Mau đang chú trọng phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, hay còn gọi là “nông - du lịch”, theo thuật ngữ tiếng Anh là “Agritourism”. Bởi, tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển ngư, nông, lâm nghiệp.

Theo đó, các địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ người dân và các HTX, tổ hợp tác phát triển nhiều sản phẩm OCOP vốn là những sản phẩm đặc trưng, đặc sản nổi tiếng của vùng đất Cà Mau nhưng đi theo hướng hàng hóa như: tôm, cua, cá khô bổi, ba khía muối, chả cá, bồn bồn, gạo, chuối sấy… Đây là điều kiện để người dân, HTX chủ động phát huy nội lực, thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Như ở đất rừng U Minh Hạ, người dân đã tận dụng lợi thế của thiên thiên, của giá trị văn hóa để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Vùng đệm đất rừng U Minh Hạ hiện đã hình thành nhiều điểm du lịch sinh thái như HTX Trang Trại Xanh (ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh), Vườn cò Tư Sự (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình)...

Còn đối với người dân huyện Ngọc Hiển - nơi có điểm mốc cuối cùng Tổ quốc đã phối hợp với chính quyền và cơ quan quản lý đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng giao thông nhằm tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.

Cà Mau có nhiều thế mạnh tự nhiên hấp dẫn khách du lịch.

Một trong những mô hình tiêu biểu ở Ngọc Hiển chính là HTX Du lịch sinh thái cộng đồng Đất Mũi với loại hình dịch vụ du lịch sinh thái, homestay, trải nghiệm sinh thái – văn hóa đặc trưng tài nguyên rừng, biển và các mặt hàng OCOP của địa phương.

Những mô hình du lịch nông nghiệp với điểm nhấn là các HTX đã thực sự trở thành làn gió mới cho các vùng thôn quê ở Cà Mau.

Những mô hình này đang là một trong những giải pháp căn cơ góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Ngược lại, xây dựng nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Cà Mau. Bởi, người dân, HTX sẽ được hỗ trợ nhiều mặt để làm du lịch như: hỗ trợ liên kết phát triển HTX, tổ hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng phát triển sản phẩm đặc trưng, xúc tiến thương mại, liên kết với doanh nghiệp…

Đẩy mạnh liên kết

Đặc biệt, theo thống kê, mỗi năm Cà Mau có hơn 200.000 lao động phải đi làm ăn xa ngoài tỉnh. Và, các mô hình du lịch nông nghiệp của người dân, HTX sẽ góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, từ đó giảm thiểu tình trạng ly hương để lập nghiệp.

Tiêu biểu như HTX tôm - rừng Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) đang phát triển hiệu quả các dịch vụ du lịch đi liền với phát triển sản phẩm ba khía muối kết hợp nuôi tôm-cua sinh thái dưới tán rừng.

Mô hình của HTX Rạch Gốc không chỉ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 56 thành viên mà còn giúp không ít nông dân ở thị trấn Rạch Gốc có đời sống khấm khá nhờ liên kết làm kinh tế kết hợp phát triển các dịch vụ du lịch.

Chỉ tính riêng huyện Ngọc Hiển đến nay đã thành lập được 6 HTX nuôi tôm sinh thái, 133 tổ hợp tác nuôi tôm sinh thái, 1 chi hội nghề nghiệp nuôi tôm sinh thái. Trong đó có không ít HTX, tổ hợp tác nuôi tôm sinh thái đang hoạt động hiệu quả nhờ mở rộng và đầu tư thêm các dịch vụ du lịch. Riêng các HTX, tổ hợp tác và chi đội nghề nghiệp này đã thu hút được hơn 1.000 lao động địa phương tham gia.

Theo đánh giá của ngành chức năng, Cà Mau đang có 228 HTX đang hoạt động. Tuy nhiên, số HTX phát triển hiệu quả khi kết hợp làm nông nghiệp và du lịch hiện nay vẫn còn khiêm tốn. Trong đó, người dân tuy đã phát triển sản phẩm OCOP, làm nông nghiệp nhưng chưa chú trọng liên kết theo chuỗi bền vững.

Chính vì vậy, vấn đề đặt ra với Cà Mau hiện nay là làm sao để người dân tin, cùng làm, cùng phát triển du lịch, cùng hưởng lợi từ du lịch. Bởi đó mới là chính là hướng phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và của quá trình xây dựng nông thôn mới.

Muốn vậy, địa phương phải có sự hỗ trợ để đầu tư hạ tầng cơ sở, chỉnh trang diện mạo, quy hoạch, bố trí dân cư và chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân. Đi liền với đó là cần làm nổi bật vai trò của HTX thông qua những mô hình điểm để tạo bước đệm thu hút và khuyến khích người dân tham gia.

Theo VN Business