Bao nhiêu lúa gạo cũng bán hết

|
Đó là hợp tác xã (HTX) sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt ở ấp Kinh, xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Hiện nay, HTX đã có 100 ha trồng lúa theo hướng hữu cơ và đang dần mở rộng thêm.

Xây dựng vùng trồng lúa hữu cơ 100ha và hơn thế nữa

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Đoàn Văn Tài - Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt cho biết, hiện HTX đang có vùng nguyên liệu 100ha trồng lúa theo hướng hữu cơ, trong đó 30ha đạt chứng nhận hữu cơ theo 4 tiêu chuẩn hàng đầu của quốc tế là USDA (Mỹ), EU (châu Âu), JAS (Nhật Bản) và COR (Canada).

Hợp tác xã nào tiên phong trồng lúa hữu cơ quy mô lớn ở Vĩnh Long, có bao nhiêu lúa gạo cũng bán hết? - Ảnh 1.

Ông Đoàn Văn Tài - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt bên cánh đồng lúa hữu cơ. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo kế hoạch, trong năm sau sẽ có thêm từ 30-40ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ xuất khẩu sang thị trường khó tính.

Theo tìm hiểu, HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt sản xuất chủ yếu lúa thơm ST24, Đài Thơm 8, OM4900 và lúa tím thảo dược Tấn Đạt. 

Đây là những loại lúa cho chất lượng gạo rất chất lượng, được khách hàng ưu chuộng nên các doanh nghiệp phải đặt mua của HTX từ trước với giá cao hơn giá thị trường. Đến lúc thu hoạch, lúa hữu cơ ngoài đồng ruộng sẽ được người của HTX đem về nhà máy xay xát ra gạo, rồi giao cho các doanh nghiệp.

"Rất nhiều doanh nghiệp tìm đến muốn mua. Nếu doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện tốt nhất về giá thì chúng tôi sẽ ký hợp đồng. Sau khi đóng gói, các doanh nghiệp sẽ đem đi tiêu thụ, chủ yếu là các quốc gia khó tính" - ông Tài nói.

Hợp tác xã nào tiên phong trồng lúa hữu cơ quy mô lớn ở Vĩnh Long, có bao nhiêu lúa gạo cũng bán hết? - Ảnh 2.

Giám đốc Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt giới thiệu về gạo thêm hữu cơ. Ảnh: Huỳnh Xây

Ngoài cung cấp gạo cho doanh nghiệp theo hợp đồng, HTX của ông Tài còn kinh doanh gạo với nhãn hiệu độc quyền là gạo hữu cơ Tấn Đạt. Các loại gạo này đang được tiêu thụ thông qua cửa hàng nông sản sạch, nông sản hữu cơ, các đại lý và các trang thương mại điện tử.

Sản phẩm gạo hữu cơ được bán với giá khá cao, cụ thể là từ 30.000 - 60.000 đồng/kg (tùy loại). Mỗi tháng, HTX bán ra khoảng 15 tấn gạo các loại. 

Chưa dừng lại ở đó, HTX của ông Tài còn nghiên cứu, chế biến các sản phẩm sau gạo đang được thị trường rất ưa chuộng như: trà gạo lứt thảo dược, bột dinh dưỡng gạo thảo dược, sữa chua gạo thảo dược. 

Do nhu cầu thị trường lớn, sản phẩm của HTX không đủ bán cho doanh nghiệp nên thời gian qua, ông Tài không ngừng vận động các HTX khác trong tỉnh (tập trung ở huyện Tam Bình, Trà Ôn, Long Hồ, Vũng Liêm) hợp tác, rồi thành lập Liên hiệp HTX lúa gạo Vĩnh Long.

Hiện nay, Liên hiệp HTX lúa gạo Vĩnh Long có tổng cộng hơn 400ha trồng lúa. Những diện tích này đang chuyển đổi dần sang sản xuất hữu cơ khi đủ điều kiện (đất trong sản xuất theo hướng truyền thống phải mất nhiều năm để loại bỏ phân thuốc, rồi mới trồng lúa hữu cơ được).

Thành công sau nhiều lần thất bại

Ông Tài cho hay, trồng lúa theo cách truyền thống (sạ dày, bón nhiều phân, thuốc) hiện nay không còn phù hợp, không có lời nhiều, thậm chí có lúc bị thua lỗ.

Hợp tác xã nào tiên phong trồng lúa hữu cơ quy mô lớn ở Vĩnh Long, có bao nhiêu lúa gạo cũng bán hết? - Ảnh 3.

Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt còn nghiên cứu, chế biến các sản phẩm sau gạo đang được thị trường rất ưa chuộng, trong ảnh là trà gạo lứt thảo dược. Ảnh: Huỳnh Xây

Nguyên nhân là do giá phân bón hóa học, giá thuốc bảo vệ thực vật luôn tăng cao, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, thời tiết thay đổi thất thường nên sâu bệnh tấn công lúa rất nhiều. Tất cả vấn đề này dẫn đến chi phí sản xuất không ngừng đội lên, còn giá lúa bán ra không ổn định.

Nhu cầu thị trường hiện cũng đã thay đổi theo hướng bảo vệ sức khỏe, trong khi đó môi trường đất trồng lúa ở địa phương thì bị tồn dư hóa chất độc hại, gây ô nhiễm.

Trước thực trạng trên, từ nhiều năm trước, với sự hướng dẫn của ông Tài, HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt đã bắt tay vào việc trồng lúa hữu cơ. Và loại lúa mà HTX đang hướng tới là các loại lúa thơm.

Để trồng lúa hữu cơ, ông Tài đi nhiều địa phương ĐBSCL, thậm chí ra đến miền Trung học hỏi. Sau đó về thử nghiệm trên 1.000m2 đất lúa của gia đình. Do tự tìm tòi và chưa có kinh nghiệm nên ông Tài nhiều lần thất bại do lúa bị dịch bệnh tấn công mạnh, ông lại không thể sử dụng thuốc BVTV để phun lên được, từ đó năng suất lúa không có.

Biết được ông Tài đam mê và có quyết tâm trồng lúa hữu cơ, các nhà khoa học ở Viện lúa ĐBSCL, các Trường Đại học ở TP.HCM, Hà Nội đã tìm đến và nhiệt tình hỗ trợ về quy trình kỹ thuật. Nhờ vậy, từ năm 2014, ông Tài đã thành công trong việc thử nghiệm trồng lúa hữu cơ và bắt đầu nhân rộng mô hình lên 3ha.

Do là mô hình mới, chưa ai ở địa phương làm nên ông Tài đã mời những người dân ở lân cận đến tham quan, nắm quy trình trồng lúa hữu cơ. Nhận thấy mô hình trồng lúa hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân đã học làm theo.

Nhằm thuận tiện trong việc mua bán sau khi thu hoạch lúa hữu cơ, ông Tài vận động người dân thành lập tổ hợp tác với 7 thành viên, tham gia sản xuất lúa hữu cơ trên diện tích 6,5ha.

Đến tháng 9/2017, tổ hợp tác được phát triển lên thành HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt với 15 thành viên, tham gia sản xuất trên 11,5ha lúa hữu cơ, với vốn điều là 400 triệu đồng. Đến nay, HTX đã có 65 thành viên, vốn điều lệ là 900 triệu đồng.

HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt luôn đặt lợi ích các thành viên lên trên, vì vậy, đang thu hút được nhiều thành viên tham gia, doanh thu hàng năm tăng trưởng trên 20%. HTX đang tạo việc làm cho 65 người là lao động thường xuyên ở địa phương, với mức lương thấp nhất 4,5 triệu/tháng. Riêng những lúc thu hoạch lúa, công việc nhiều sẽ có khoảng 80 người.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vừa công nhận 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Trong đó, có HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt.

HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt cũng được ngành chức năng chọn là 1 trong 5 HTX tham gia đề án hoàn thiện HTX kiểu mới hiệu quả ở tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025.

Theo Báo Dân Việt