Bất cập hạn chế địa bàn hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân
Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân luôn khẳng định là kênh dẫn vốn hiệu quả, vừa trực tiếp huy động nguồn lực nhàn rỗi trong dân cư để từng bước tự chủ về vốn, vừa giải quyết cho vay phục vụ người dân, thành viên HTX ở khu vực nông thôn sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc Thông tư 21/2019/TT-NHNN có những quy định về hạn chế địa bàn hoạt động của Quỹ được cho là đi ngược với chủ trương phát triển kinh tế tập thể, quỹ tín dụng nhân dân được quy định trong nhiều văn bản pháp luật.
Một trong những vấn đề mà nhiều Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên cả nước quan tâm nhưng chưa được tháo gỡ những năm qua đó là tại điều 47 của Thông tư 21/2019/TT-NHNN quy định chuyển tiếp địa bàn hoạt động: “kể từ ngày 01/01/2020 đến 01/01/2023 (tối đa 36 tháng) các QTDND phải chấm dứt hoạt động tại các xã, phường, thị trấn không liền kề nơi đặt trụ sở chính…”.
Trở ngại cho toàn hệ thống
Vậy nhưng, nhiều QTDND có lịch sử hình thành và phát triển hàng chục năm, nếu chấm dứt hoạt động ở các xã, phường thị trấn không phải là nơi đặt trụ sở thì sẽ cản trở hoạt động của Quỹ.
Hệ thống QTDND được thành lập theo Quyết định 390/TTg ngày 27/07/1993 của Thủ tướng Chính phủ. Từ quyết định này sẽ thấy có không ít QTDND hình thành và đi và hoạt động đến nay đã được 30 năm. Và đến khi Thông tư 21/2019/TT-NHNN được ban hành, chắc chắn các QTDND đã xây dựng được nhiều mối quan hệ đối tác, khách hàng ở những xã, phường, thị trấn không trực tiếp đặt trụ sở.
Đặc biệt, việc hoạt động cả ở những xã, phường, thị trấn không đặt trụ sở cũng giúp các QTDND thu hút vốn huy động của người dân, doanh thương, tiểu thương, cán bộ nhân viên các cơ quan, ban ngành, đoàn thể… để chuyển tải vốn tín dụng phục vụ cho bà con khu vực nông nghiệp, vùng sâu, vùng xa… có nhu cầu tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, chuyển dịch con giống, vật nuôi và cây trồng.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch HĐQT QTDND Châu Đốc (An Giang), cho biết quy định về chấm dứt hoạt động tại các xã, phường, thị trấn nơi QTDND không đặt trụ sở không chỉ dẫn đến bó hẹp chức năng, quyền hạn, giảm tính tự chủ và sự cạnh tranh lành mạnh của QTDND với các tổ chức tín dụng khác trên địa bàn, mà còn gây ra rất nhiều khó khăn cho các Quỹ trong quá trình hoạt động.
Cán bộ Quỹ tín dụng nhân dân Đại Bái (Bắc Ninh) kiểm tra hiệu qủa sử dụng vốn vay của khách hàng. |
Trong đó, nhiều QTDND đã có bề dày hoạt động hàng chục năm, địa bàn hoạt động trên nhiều xã, phường, thị trấn, nay phải thu hẹp lại đã dẫn đến nội bộ mất đoàn kết, khiếu kiện, mất niềm tin của thành viên do giảm các chỉ tiêu kinh doanh.
Ông Lê Hành Quân, Phó Giám đốc QTDND Phước Hòa (Bình Dương), chia sẻ trước đây, Quỹ hoạt động chính trên hai địa bàn là xã Phước Hòa (nơi đặt trụ sở) và thị trấn Phước Vĩnh. Nhưng do thực hiện theo điều 47 của Thông tư 21, Quỹ phải chấm dứt hoạt động tại địa bàn thị trấn Phước Vĩnh. Điều này khiến kết quả kinh doanh của Quỹ gặp khó khăn nhất định.
Theo báo cáo đến hết tháng 6/2023, nguồn vốn huy động của Quỹ chỉ đạt 400 tỷ đồng, giảm 1,8% so cuối năm 2022; dư nợ cho vay là 285 tỷ đồng, giảm 10,4% ; tổng số thành viên chỉ còn 4.045 người sau khi giảm 7,6%.
Cần liều thuốc cho QTDND
Có thể nói, việc thu hẹp địa bàn hoạt động của QTDND là đang đi ngược lại với chủ trương đường lối đổi mới về phát triển kinh tế tập thể, HTX hiện nay.
Cụ thể, Nghị quyết Trung ương 5 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã nêu “Thực hiện nhất quán một chế độ pháp lý kinh doanh của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu thành phần kinh tế”.
Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII “về tiếp tục đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” cũng chỉ rõ: “Tổ chức kinh tế tập thể hoạt động bình đẳng với các tổ chức kinh tế khác. Nhà nước không can thiệp trực tiếp mà chỉ quản lý hoạt động kinh tế tập thể thông qua pháp luật và chính sách…”. Mà theo quy định trong khái niệm của Tổ chức Hiệp hội các Liên hiệp tín dụng thế giới, theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và Khoản 1 Điều 3 Luật HTX năm 2012 đều quy định rõ QTDND chính là mô hình HTX.
Còn trong Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/10/2023 có nội dung: “Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến”. Trong đó còn nêu “khẩn trương rà soát, thể chế hoá kịp thời, đầy đủ, đồng bộ đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp”.
Đáng chú ý, trong Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và Luật HTX đều không có một điều khoản nào cấm QTDND, HTX hoạt động liên xã, liên phường liền kề và không liền kề trong cùng một huyện, thị xã, thành phố.
Điều 6 khoản 4 Luật Các tổ chức tín dụng còn nêu rõ: “QTDND là tổ chức do các pháp nhân, cá nhân hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức là HTX để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này và Luật HTX nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống…”.
Và tại điều 27 Luật HTX hiện hành, các HTX được hoạt động khắp cả tỉnh, thành phố, kể cả nước ngoài. Ngoài ra, Luật HTX mới, tại điều 55 về vấn đề đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện cũng ghi rõ “HTX có quyền thành lập một hoặc nhiều chi nhánh… ở trong nước và ở nước ngoài…”.
Như vậy, theo các chuyên gia và đại diện các QTDND, qua các nội dung trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Luật Các tổ chức tín dụng và Luật HTX, việc thu hẹp địa bàn hoạt động của các QTDND tại Thông tư 21 là đi ngược.
Một chuyên gia khẳng định, việc cho phép các tổ chức tín dụng khác, các ngân hàng thương mại được mở rộng các chi nhánh, phòng giao dịch trên tất cả các phường, thị trấn, huyện tại các tỉnh, thành trong cả nước nhưng lại cấm QTDND làm điều tương tự là bất cập. Điều này là không phù hợp với quy luật phát triển tất yếu khách quan của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặt khác đã đi ngược với nội dung tại Nghị quyết Trung ương 5 khi đã phân biệt hình thức sở hữu thành phần kinh tế. Và trong Nghị quyết 20 cũng nêu rõ “Tổ chức kinh tế tập thể hoạt động bình đẳng với các tổ chức kinh tế khác…”.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, quy định trong Thông tư 21 phải làm sao có thể “tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến” như trong Nghị quyết số 41-NQ/TW đã đưa ra.
TS. Ninh Đức Hùng, Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết QTDND ra đời nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên, hỗ trợ thành viên hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ hiệu quả.
Những ý kiến cho rằng việc mở rộng địa bàn của các QTDND khiến các Quỹ không bám sát được vào mục tiêu này và chuyển sang xu hướng thương mại hóa, không tương trợ, hỗ trợ thành viên là không đúng. Bởi, mỗi thời kỳ, các QTDND sẽ có chiến lược kinh doanh phù hợp nhằm thích ứng với mục tiêu và tôn chỉ của Quỹ cũng như điều kiện kinh tế thị trường.
Việc hạn chế địa bàn hoạt động của QTDND không tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa QTDND và các tổ chức tín dụng khác. Trong khi thủ tục vay vốn, gửi tiền ở QTDND vẫn được đánh giá cao hơn vì phù hợp với điều kiện của người dân vùng nông thôn. Một số ngân hàng thương mại đang xảy ra tình trạng quá tải, thủ tục rườm rà, không đáp ứng hết được nhu cầu về nguồn vốn của người dân để phát triển nông nghiệp với quy mô nhỏ và vừa.
Theo VN Business
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [06/11/2024] HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI GIỮA LÃNH ĐẠO UBND TỈNH VỚI CÁC HTX TRÊN ĐỊA BÀN NĂM 2024
- [04/11/2024] Phát triển du lịch nông nghiệp tại Cam Lâm
- [25/10/2023] Sầu riêng Khánh Sơn: Hướng đến xuất khẩu chính ngạch
- [25/10/2023] Chương trình xây dựng nông thôn mới: Tập trung vào đời sống sản xuất
- [11/10/2023] Xây dựng vùng trồng, nông dân miền núi Khánh Hòa bắt cây sầu riêng sinh “vàng”
- [09/10/2023] Vì sao Việt Nam mới có 0,6% diện tích đất canh tác hữu cơ?
- [09/10/2023] Làm giàu từ nông sản sạch