Các hợp tác xã kinh doanh vận tải: Cần hướng đi bền vững
Số lượng ngày càng giảm
Năm 2003, toàn tỉnh có 16 HTX vận tải được hình thành với gần 1.350 phương tiện, hơn 730 xã viên và hơn 2.550 lao động. Lúc này, hoạt động của các HTX vận tải chưa thực sự nổi bật, chủ yếu theo mô hình dịch vụ hỗ trợ. Đến năm 2007, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho phép các cá nhân có thể gia nhập HTX, góp vốn bằng phương tiện nhưng không phải chuyển sở hữu phương tiện sang HTX. Quy định này đã thu hút nhiều phương tiện tham gia, góp phần giúp các HTX có những tăng trưởng nhất định. Đến năm 2010, số lượng HTX vận tải giảm xuống còn 15 đơn vị, đến nay chỉ còn 5 HTX.
Xe taxi của Hợp tác xã Taxi Thành Hưng (ảnh chụp trước thời điểm dịch bệnh bùng phát). |
Được biết, giai đoạn 2003 - 2021, sản lượng vận tải của các HTX chiếm 41,5% trong hoạt động vận tải chung toàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng của mô hình kinh tế tập thể không cao và có phần đi xuống trong những năm gần đây do nhiều đơn vị chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Giá trị gia tăng đạt 5 - 7%/năm trong từng HTX...
Ông Cao Tấn Lợi - Phó Giám đốc Sở GTVT đánh giá, nhìn chung, khu vực kinh tế tập thể đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành GTVT Khánh Hòa, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải. Các HTX đều hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, thu nhập của các xã viên ổn định. Sở GTVT đã cũng tiến hành chấn chỉnh lại công tác quản lý vận tải theo các quy định của Chính phủ và Bộ GTVT. Tuy nhiên, những năm gần đây, một số xã viên rút xe ra khỏi HTX để thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể hoặc chuyển đi địa phương khác; số xã viên HTX giảm…
Cần hướng đi mới
Thời gian qua, HTX chỉ đứng pháp nhân, làm các thủ tục để xe của xã viên được hoạt động (phù hiệu vận tải, giấy phép, nộp thuế…), HTX thu phí quản lý. Đến thời điểm này, các HTX tổ chức hoạt động theo mô hình dịch vụ hỗ trợ, không có khả năng phát triển đạt hiệu quả cao về kinh tế, không đáp ứng được các yêu cầu quy định của pháp luật về vận tải khách đường bộ tuyến cố định. Do mô hình kinh doanh chưa được chặt chẽ nên khi có tác động của đại dịch Covid-19, các HTX càng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), nhất là các HTX vận tải hành khách. Từ tháng 3-2020 đến nay, nhiều xã viên HTX đã ngừng hoạt động kinh doanh.
Theo dự báo, tình hình khó khăn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do quy mô các HTX nhỏ, trình độ và năng lực quản lý điều hành của ban giám đốc HTX còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được những người có trình độ và năng lực tham gia quản lý điều hành giúp HTX hoạt động SXKD có hiệu quả. HTX chưa thể hiện được vai trò chủ thể kinh doanh vận tải. Mặc dù xã viên đã có cam kết kinh tế với HTX nhưng thực chất, HTX vẫn không có quyền sử dụng phương tiện, không quản lý được kỹ thuật an toàn phương tiện. Các chủ xe là người chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động SXKD nên vai trò quản lý của HTX rất mờ nhạt. Mặt khác, do vốn đầu tư của các xã viên ít, chất lượng phương tiện không cao nên năng lực cạnh tranh rất thấp so với phương tiện của các doanh nghiệp…
Thời gian tới, HTX vận tải cần nâng cao hiệu quả hoạt động trên các chỉ tiêu tài chính: Doanh thu, lợi nhuận; phát triển liên kết, liên doanh giữa các HTX, giữa HTX với các thành phần kinh tế khác, tiến tới thành lập các hiệp hội ngành nghề… Các cơ quan quản lý cần xác định nhu cầu về hợp tác, liên kết, liên doanh của các HTX để từ đó có chính sách hỗ trợ; khuyến khích HTX áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật, đẩy mạnh việc khai thác thông tin đối với hoạt động của khu vực kinh tế tập thể; tiếp tục nghiên cứu miễn, giảm các loại phí, lệ phí liên quan đến hoạt động vận tải để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh hiện nay và tạo động lực phục hồi, phát triển trong các năm tiếp theo. Lãnh đạo Sở GTVT nhận định, giai đoạn 2019 - 2024, các HTX vận tải mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nếu làm tốt công tác quản lý, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế… thì sẽ ổn định và phát triển.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 HTX vận tải với hơn 900 phương tiện, hơn 850 xã viên và hơn 2.000 lao động. Tổng số vốn hoạt động là 380 tỷ đồng. Tổng doanh thu bình quân hàng năm 350 tỷ đồng; nộp thuế bình quân mỗi năm 10 tỷ đồng.
Theo Báo Khánh Hòa Online.
- [26/11/2024] Khởi nghiệp trên đất quê hương
- [26/11/2024] 11 sản phẩm được đề nghị công nhận 4 sao OCOP
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [16/10/2021] Phát triển mô hình HTX thông minh, chuyển đổi số thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam
- [14/10/2021] Thủ tướng: 'Việt Nam đang tăng tốc chuyển đổi số quốc gia'
- [12/10/2021] Hợp tác xã “bắt tay” doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trái cây
- [12/10/2021] Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Chuyển đổi nông nghiệp số phải làm nhanh, không chần chừ được nữa'
- [08/10/2021] Giả danh Quỹ tín dụng nhân dân để lừa đảo