Cam Lâm: Chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số
Công tác giảm nghèo cho đồng bào DTTS được xã Suối Cát xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Xã đã tập trung hỗ trợ đồng bào làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững. 5 năm trước, gia đình bà Mang Thị Hoa (sinh năm 1974, thôn Suối Lau 1) là hộ cận nghèo. Được nhận 10 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất mới phát triển kinh tế hộ cho đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020, bà đã mua 2 con bò giống về chăn nuôi. Sau thời gian nuôi, bò giống lần lượt đẻ con, phát triển. Cần tiền để đầu tư cho rẫy xoài rộng 2ha, bà bán bớt bò để mua phân thuốc chăm sóc 500 gốc xoài. Mùa xoài đầu tiên bà thu hoạch và bán được 20 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, bà lãi được 10 triệu đồng. Gia đình bà đã thoát nghèo vào năm 2020 và kinh tế dần ổn định. “Nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ mà gia đình tôi có nguồn vốn để đầu tư, phát triển sản xuất và có thu nhập để lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Đến nay, đời sống gia đình tôi không còn vất vả như trước”, bà Hoa chia sẻ. Bên cạnh đó, đồng bào DTTS ở xã còn được tiếp cận các chương trình vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội; tham gia các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm. Địa phương cũng đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, hỗ trợ cho học sinh đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn về đồng phục, đồ dùng học tập, học bổng… Bà Nguyễn Thị Yến - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết, nhờ những nỗ lực của người dân, địa phương và sự hỗ trợ vốn từ các chương trình, đơn vị, cá nhân mà tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS ở xã đã giảm đáng kể. Đầu năm 2024, toàn xã có 44 hộ nghèo, 277 hộ cận nghèo đồng bào DTTS thì đến cuối năm chỉ còn 4 hộ nghèo, 88 hộ cận nghèo. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động để chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS.
Nhờ được hỗ trợ vốn, bà Mang Thị Hoa có điều kiện mua bò chăn nuôi, phát triển kinh tế. |
Trong khi đó, xã Sơn Tân cũng đang đẩy mạnh các hoạt động để hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Gia đình bà Mang Thị Lẽm (sinh năm 1980, thôn Suối Cốc) nuôi dê từ năm 2000, vì khó khăn nên không có điều kiện mua thêm con giống. Là hộ cận nghèo nên năm 2023 gia đình bà được địa phương trao phương tiện sinh kế là 3 con dê giống. Mỗi năm 1 con dê mẹ đẻ được 2 con dê con, nhờ đó, đàn dê ngày càng tăng và kinh tế gia đình bà dần ổn định. “Việc chăm sóc và nuôi dê không khó vì dê ít bệnh tật. Những lúc khó khăn, tôi có thể bán bớt dê để lấy tiền chi tiêu trong gia đình”, bà Lẽm cho biết. Được biết, trong năm 2024, từ nguồn lực của 2 chương trình gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021 - 2025, xã đã thực hiện hỗ trợ phương tiện sinh kế cho 55 hộ với 140 con heo rừng lai thương phẩm và bò cái lai sinh sản. Thời gian qua, xã cũng đã thực hiện chuyển đổi giống cây trồng và hỗ trợ cây giống mãng cầu, tre điền trúc, điều cao sản, xoài, sầu riêng… cho 45 hộ với 33,5ha. Theo ông Trần Quang Nguyên - Chủ tịch UBND xã, hiện nay, kinh tế xã hội ở địa phương đã có nhiều chuyển biến, thay đổi đáng kể so với trước đây; đời sống bà con nhân dân ngày càng ổn định, kinh tế phát triển. Đầu năm 2024 xã có 15 hộ nghèo và 43 hộ cận nghèo thì đến cuối năm chỉ còn 3 hộ nghèo và 21 hộ cận nghèo.
Bà Mang Thị Lẽm cho dê ăn lá cây. |
Ông Đỗ Minh Thạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, thời gian qua, thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, huyện đã triển khai hiệu quả các chương trình. Từ đó, góp phần ổn định tình hình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ bà con được đầu tư nâng cấp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đến nay, thu nhập bình quân của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện khoảng 30 triệu đồng/năm; 100% số hộ DTTS được sử dụng điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh và được xem truyền hình, nghe đài phát thanh; 100% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% người DTTS thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi tham gia bảo hiểm y tế… Hiện nay, toàn huyện chỉ còn 12 hộ nghèo, 247 hộ cận nghèo đồng bào DTTS.
Theo Báo Khánh Hòa
- [13/03/2025] Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng xã Khánh Hiệp: Hướng đến phát triển nông nghiệp xanh
- [13/03/2025] “Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Vạn Ninh ra đời góp phần thực hiện Quyết định số 231/QĐ-TTg, ngày 24/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa, là cơ sở quan trọng để thành viên thay đổi phương thức sản xuất từ nuôi biển truyền thống sang nuôi công nghệ cao, gắn với bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, kết hợp phát triển du lịch sinh thái”
- [08/03/2025] HỘI NGHỊ KÝ GIAO ƯỚC THI ĐUA KHỐI CÁC HỢP TÁC XÃ NĂM 2025
- [08/03/2025] Liên minh Hợp tác xã tỉnh Khánh Hòa Hướng dẫn Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2025
- [08/03/2025] Liên minh Hợp tác xã tỉnh Khánh Hòa triển khai Tuyên truyền Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; tuyên truyền, phổ biến những chủ đề lớn, trọng tâm, 03 đề án, dự án quan trọng; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền vận động phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2025
- [23/12/2024] Phiên chợ sản phẩm của các hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành
- [19/12/2024] Sản phẩm OCOP 4 sao năm 2024: Tinh túy của xứ trầm
- [17/12/2024] Lãnh đạo tỉnh đối thoại với doanh nghiệp
- [05/12/2024] Liên minh hợp tác xã Khánh Hòa: Phối hợp với Hội Thủy sản và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh về phát triển kinh tế tập thể
- [05/12/2024] Liên minh hợp tác xã các tỉnh duyên hải miền Trung: Tổng kết công tác thi đua năm 2024