Cần khuyến khích góp vốn cho hợp tác xã bằng quyền sử dụng đất

|

VTV.vn - Các ĐBQH chuyên trách đã thảo luận nhiều vấn đề về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), trong đó có vấn đề góp vốn, chuyển nhượng vốn giữa các thành viên HTX.

 

Góp vốn bằng quyền sử dụng đất để giải quyết khó khăn trong tiếp cận đất đai

Tại phiên thảo luận sáng 5/4 của Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) hiện nay gồm 12 chương với 115 điều, tăng 4 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Trong đó, dự thảo Luật đã bổ sung, điều chỉnh các nội dung về 8 chính sách từ 1 điều tại dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội thành 8 điều quy định riêng về nội dung từng chính sách, rà soát các quy định bảo đảm phù hợp và thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, nhất là hoàn thiện quy định các chính sách về: tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; tiếp cận vốn; bổ sung hỗ trợ phí bảo hiểm đối với tài sản chung không chia tham gia bảo hiểm của tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX…

Cần khuyến khích góp vốn cho hợp tác xã bằng quyền sử dụng đất - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo.

Về tài sản góp vốn (Điều 72), Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu, chỉnh lý quy định như sau: "Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác, quyền khác định giá được bằng Đồng Việt Nam".

Ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, việc thành viên góp tài sản bằng quyền sử dụng đất thì thành viên phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho HTX, liên hiệp HTX theo quy định của pháp luật; việc góp vốn cho HTX, liên hiệp HTX bằng thỏa thuận cho phép HTX, liên hiệp HTX được hưởng quyền khác đối với tài sản thì phải lập hợp đồng xác lập quyền khác đối với tài sản giữa thành viên với HTX, liên hiệp HTX và ghi rõ thời hạn hưởng quyền theo quy định của pháp luật và Điều lệ.

Thảo luận tại hội nghị, Đại biểu Trần Văn Tuấn (tỉnh Bắc Giang) đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định về chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân góp vốn và hỗ trợ các tổ chức kinh tế hợp tác nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Cần khuyến khích góp vốn cho hợp tác xã bằng quyền sử dụng đất - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (tỉnh Bắc Giang).

Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ giải quyết các vấn đề như việc các hợp tác xã gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận đất đai, khắc phục tình trạng manh mún trong quản lý đất đai, nâng cao tính cạnh tranh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức kinh tế hợp tác, tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung điều 21 dự thảo Luật nội dung Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân góp vốn và hỗ trợ các tổ chức kinh tế hợp tác nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Trong đó, ngoài chính sách hỗ trợ chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng, cần có chính sách hỗ trợ góp vốn, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất và các hình thức khác, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Về ý kiến kết nạp thành viên không liên kết góp vốn, Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc góp vốn xuất phát từ nhu cầu của HTX hoặc việc huy động vốn để kết nạp các thành viên góp vốn nhằm huy động vốn không thể hiện bản chất của loại hình HTX, Liên hiệp HTX vì mục đích đơn thuần thành viên liên kết HTX là tìm kiếm lợi nhuận. Còn bản chất của HTX là sự liên kết, tương tác, tương trợ của các cá nhân, tổ chức trong từng sản phẩm, dịch vụ để mang lại hiệu quả kinh tế chung.

Tuy nhiên, nếu quy định vào luật, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị quy định rõ theo hướng: đối với thành viên liên kết phải được sự đồng ý của Hội đồng quản trị hoặc của đại hội thành viên, khi đó mới chấp nhận liên kết.

Cân nhắc việc cho phép chuyển nhượng vốn giữa các thành viên HTX

Liên quan quy định Chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong HTX, liên hiệp HTX (Điều 78), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết đã tiếp thu chỉnh lý theo hướng cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ HTX, liên hiệp HTX và với các thành viên hiện hữu nhằm bảo đảm sự ổn định về cơ cấu thành viên và bảo đảm quyền lợi cho các thành viên khi có nhu cầu chuyển nhượng phần vốn góp, cũng như tạo điều kiện cho các thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn có thể chuyển đổi thành thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn với mức vốn góp tối đa của mỗi thành viên chính thức không quá 30% vốn điều lệ đối với HTX và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp HTX; tổng phần vốn góp tối đa của tất cả thành viên liên kết góp vốn không quá 30% vốn điều lệ đối với HTX và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp HTX.

"Dự thảo Luật không đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên của HTX, liên hiệp HTX. Quy định như vậy phản ánh đúng bản chất của HTX, liên hiệp HTX là tương trợ lẫn nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội và tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như hoạt động của công ty cổ phần, công ty TNHH, "doanh nghiệp hóa HTX", hạn chế việc thâu tóm, chi phối hoạt động HTX, liên hiệp HTX của một số tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối với một số HTX, liên hiệp HTX đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực" – ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

Cần khuyến khích góp vốn cho hợp tác xã bằng quyền sử dụng đất - Ảnh 3.

Đại biểu Ma Thị Thúy (tỉnh Tuyên Quang).

Phát biểu về vấn đề này, đại biểu Ma Thị Thúy (tỉnh Tuyên Quang) đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cân nhắc việc cho phép chuyển nhượng vốn giữa các thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vì nếu việc cho phép chuyển nhượng vốn góp sẽ làm mất đi bản chất của hợp tác xã, làm cho các tổ chức kinh tế hoạt động như loại hình công ty cổ phần.

Đại biểu Trần Văn Lâm (tỉnh Bắc Giang) thì cho rằng, quy định về chuyển nhượng phần vốn góp cho các cá nhân, các tổ chức không phải là thành viên Hợp tác xã chưa thật sự thuyết phục, bởi vốn các thành viên đóng góp vào các tổ chức kinh tế tập thể là tài sản. Đối với mỗi cá nhân, tài sản phải được bảo đảm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đại biểu đề nghị xem xét nghiên cứu thêm, không nên giới hạn quyền chuyển nhượng, mua bán của các chủ thể đóng góp tài sản hình thành tài sản của tổ chức kinh tế tập thể.

Theo Báo điện tử VTV