Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Khánh Hòa năm 2023 Chương trình OCOP: Nâng tầm sản vật miền núi
Những sản vật miền núi
“Một lần cùng vợ đến xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, tôi như bị mê hoặc bởi vườn bưởi xanh ngát, trái trĩu cành. Tìm hiểu sâu hơn, tôi được biết đây là cây chủ lực của huyện Khánh Vĩnh. Sản phẩm bưởi da xanh Khánh Vĩnh đã được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể hẳn hoi. Do đó, vợ chồng tôi quyết tâm bắt tay vào trồng bưởi” - nông dân Lương Trọng Việt ở xã Khánh Bình bắt đầu “câu chuyện sản phẩm” khi đưa những trái bưởi ngọt lành của mình tham gia Chương trình OCOP. Cùng với sự đầu tư, chăm chút bài bản và từng bước hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc bưởi đạt các tiêu chuẩn cần thiết, sản phẩm bưởi da xanh Việt Tấn của ông Việt đã được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP 3 sao năm 2022.
Theo ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, toàn huyện có hơn 600ha bưởi da xanh, trong đó có hơn 82ha bưởi được trồng và chăm sóc theo quy trình VietGAP. Bưởi da xanh Khánh Vĩnh là một nông sản nổi bật, là cây chủ lực giúp nhân dân thoát nghèo và làm giàu. Cùng với sự lớn mạnh về diện tích, chất lượng, trong các sản phẩm OCOP cấp tỉnh của huyện cho đến nay phần lớn là những trái bưởi da xanh được sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Những năm gần đây, nông dân Khánh Sơn cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm gia tăng giá trị của trái sầu riêng đặc sản ở địa phương mình. Những trái sầu riêng tươi đã có chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn, được chứng nhận thương hiệu. Chưa dừng lại ở đó, nông dân nơi đây còn tăng cường hàm lượng chế biến để cho ra đời sản phẩm sầu riêng sấy khô, sầu riêng cấp đông... Theo đại diện Công ty TNHH Nông nghiệp Thành Hưng (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn), sầu riêng Khánh Sơn được người tiêu dùng đánh giá là ngon hơn nhiều loại khác vì có vị ngọt thanh, múi to, thơm béo, cơm vàng, hạt lép, tỷ lệ cơm lên đến 30 - 40% quả. Tuy nhiên, sầu riêng chỉ có một mùa chính trong năm kéo dài khoảng 2 tháng. Do vậy, sản phẩm sầu riêng sấy thăng hoa, một công nghệ sấy hiện đại, tiên tiến nhất hiện nay mà công ty đang áp dụng đã cho ra đời sản phẩm sầu riêng sấy giữ vẹn nguyên hương vị và giá trị dinh dưỡng, có thể cung cấp sản phẩm cho thị trường quanh năm.
Ngoài sầu riêng có tính chất chủ đạo, sản phẩm OCOP ở Khánh Sơn những năm qua còn có các sản phẩm nổi bật như: Măng rừng, trà vối, chuối sấy… đã đánh thức đầy đủ tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện miền núi này.
OCOP giúp đổi thay cách nghĩ về nông nghiệp
Ông Lương Nguyễn Nhật Trường cho biết, Chương trình OCOP triển khai đã nhận được sự quan tâm của các chủ thể. Từ 1 sản phẩm đăng ký năm 2019, đến nay, huyện đã có thêm 10 sản phẩm đăng ký tham gia, trong đó có 6 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, 4 sản phẩm đang tham gia đánh giá năm 2023. Chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là về mặt nhận thức của xã hội và cấp ủy, chính quyền các cấp cùng cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã về vị trí của chương trình trong phát triển kinh tế nông thôn. Thông qua chương trình giúp chủ thể hoàn thiện sản phẩm, các sản phẩm được xếp hạng OCOP đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu của thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí nông thôn mới.
Sản phẩm OCOP bưởi da xanh của Khánh Vĩnh tham gia Phiên chợ nông sản thực phẩm an toàn Khánh Hòa năm 2023. |
Yêu cầu của OCOP về cơ bản là hoàn thiện hơn nữa quy trình làm ra sản phẩm, có sự bảo đảm về chất lượng và có bao bì, mẫu mã đẹp mắt, nhất là sự minh chứng về quy trình, cách thức, nguồn gốc nguyên liệu để tạo ra sản phẩm. Các sản phẩm OCOP của 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh chủ yếu là trái cây tươi và trái cây chế biến, việc xây dựng các quy chuẩn về chỉ dẫn địa lý, VietGAP… gần như là yêu cầu bắt buộc để tham gia OCOP. Ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, chương trình OCOP những năm qua đã phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương và sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, có nguồn gốc rõ ràng. Từ đó, góp phần hình thành các chuỗi giá trị gia tăng cho sản phẩm của địa phương. Nhận thức được mục tiêu, ý nghĩa của chương trình, quá trình triển khai đã nhận được sự hưởng ứng tham gia một cách thực chất, có hiệu quả của các hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn. Đến nay, huyện đã có 25 sản phẩm OCOP. Năm 2023, huyện có 12 sản phẩm đăng ký tham gia, trong đó có 2 sản phẩm đã đạt 3 sao, đăng ký nâng hạng lên 4 sao và 10 sản phẩm mới.
Theo đánh giá của Hội đồng OCOP tỉnh, chương trình OCOP ở Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Cùng với việc phát huy giá trị của các sản phẩm đặc trưng, việc tham gia một cách nghiêm túc, thực chất chương trình OCOP còn giúp cho các chủ thể từng bước nắm bắt được nhu cầu, đòi hỏi của thị trường, từ đó dần thay đổi quan điểm sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, những trái bưởi ngọt lành, sầu riêng thơm nồng còn được tạo điều kiện để tham gia sâu rộng hơn vào thị trường thông qua các hoạt động quảng bá, hội thảo, hội chợ, xúc tiến thương mại được các cấp chính quyền, sở, ngành, đơn vị tổ chức liên tục trong năm. Định hướng trong những năm tới, bên cạnh hoàn thiện các sản phẩm nông sản, có hàm lượng chế biến cao, chương trình OCOP ở Khánh Sơn và Khánh Vĩnh còn tập trung gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp và du lịch sinh thái, xây dựng và mở rộng các loại hình kết hợp nông nghiệp và du lịch, phù hợp với mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh - tế xã hội của địa phương.
Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 103 sản phẩm của 61 chủ thể đạt từ 3 sao OCOP cấp tỉnh trở lên. Năm 2023, có 120 sản phẩm của 72 chủ thể đăng ký tham gia chương trình, nhiều nhất từ trước tới nay.
Theo Báo Khánh Hòa điện tử
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [06/11/2024] HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI GIỮA LÃNH ĐẠO UBND TỈNH VỚI CÁC HTX TRÊN ĐỊA BÀN NĂM 2024
- [04/11/2024] Phát triển du lịch nông nghiệp tại Cam Lâm
- [26/12/2023] Khai trương chuyên trang OCOP - Mỗi xã một sản phẩm trên Báo Nhân Dân
- [26/12/2023] Liên minh Hợp tác xã Khánh Hòa: Chung tay phát triển kinh tế miền núi
- [26/12/2023] Khẩn trương hoàn thiện thủ tục thành lập quỹ hỗ trợ hợp tác xã tỉnh
- [26/12/2023] Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn
- [06/12/2023] Hợp tác xã “khát” người trẻ