Chương trình OCOP 2023: Tiếp sức để các sản phẩm vươn xa

|
Với 120 sản phẩm của 72 chủ thể đăng ký tham gia, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm nay tiếp tục khẳng định hướng đi đúng đắn và đã tạo được sức lan tỏa. Dẫu vậy, để bán được sản phẩm OCOP vẫn cần sự nỗ lực hơn nữa từ nhiều phía.

120 sản phẩm đăng ký

Năm 2023, có 120 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP (nhiều nhất từ trước đến nay) với tổng kinh phí thực hiện hơn 16 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ chương trình hơn 13 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của các chủ thể. Điểm đáng chú ý là việc làm ra các sản phẩm ở khu vực nông thôn không còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, mà đã có sự liên kết, hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất, quy trình bài bản. Trong số 72 chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình, có tới 37 doanh nghiệp, 10 hợp tác xã, 7 tổ hợp tác, còn lại là 18 hộ kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, trong số 28 sản phẩm của 18 chủ thể ở Ninh Hòa đăng ký tham gia OCOP 2023, có 11 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác, 1 hộ kinh doanh. Các sản phẩm không chỉ đáp ứng yêu cầu về phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, sức sáng tạo của người dân, mà còn có hàm lượng chế biến sâu, chẳng hạn như: Kem chống nắng Daily Sun Cream, các sản phẩm từ rong nho, nước yến POMGROUP, trà thảo mộc Xáo Tam Phân đóng lon, khô gà lá chanh, khô gà bơ tỏi, gà gác bếp, rượu nếp quạ Ninh Đông…

PGS-TS Trần Văn Ơn (giữa) trao đổi với chủ thể về sản phẩm rong nho Trí Tín.
PGS-TS Trần Văn Ơn (giữa) trao đổi với chủ thể về sản phẩm rong nho Trí Tín.

Ngoài Ninh Hòa, một số sản phẩm tham gia chương trình đáng chú ý trên địa bàn tỉnh còn có nước mắm nhĩ, các sản phẩm từ trầm hương, yến sào, chả cá ở Vạn Ninh; rong biển, đông trùng hạ thảo, cá cơm khô ở Nha Trang; rong biển sấy giòn, nem chua, chả lụa, bánh ít, bánh phu thê của Diên Khánh; các sản phẩm chế biến từ xoài, ngũ cốc cao cấp của Cam Lâm; mực khô, nước mắm cá cơm, điểm du lịch sinh thái ở Cam Ranh; bưởi da xanh, mật ong rừng, dịch vụ du lịch canh nông ở Khánh Vĩnh và các sản phẩm chế biến từ sầu riêng, măng khô, rượu Phương Đài... đến từ Khánh Sơn.

Hiện nay, các địa phương cùng với chủ thể tập trung hoàn thiện các bước theo chu trình OCOP. Nguồn ngân sách tỉnh cũng đã được triển khai, trong đó phần lớn dùng vào việc hỗ trợ phát triển sản phẩm (gần 3 tỷ đồng), bao gồm thực hiện hỗ trợ tiêu chuẩn hóa sản phẩm, như: Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì, máy móc, trang thiết bị…

Tập trung nâng cấp sản phẩm thế mạnh 

Tại hội nghị triển khai Chương trình OCOP năm 2023 của tỉnh mới đây, PGS-TS Trần Văn Ơn - cố vấn Chương trình OCOP quốc gia cho rằng, việc tỉnh có hơn 100 sản phẩm cấp tỉnh đã được công nhận trong 4 năm qua, cùng với 120 sản phẩm đăng ký tham gia năm nay đang tạo nên một sinh khí mới trong đời sống sản xuất ở khu vực nông thôn. Bên cạnh các thành quả, tỉnh cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa, tập trung hình thành hệ thống xúc tiến thương mại có ứng dụng công nghệ 4.0 (chẳng hạn như: QR code truy xuất nguồn gốc; QR code tại các điểm du lịch, công cộng để chỉ dẫn đến điểm bán hàng; bán hàng online...); triển khai các dự án liên kết sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, việc đẩy mạnh các chương trình đào tạo, huấn luyện bán hàng cho các chủ thể không chỉ giúp cho sản phẩm OCOP được nhiều người biết đến hơn, mà thông qua kỹ năng bán hàng, các chủ thể còn nắm bắt được nhu cầu, đòi hỏi của thị trường, từ đó từng bước hoàn thiện hơn sản phẩm của mình. Cùng với việc đa dạng hơn nữa kênh quảng bá, bán hàng, cần nâng cấp các sản phẩm đã đạt sao OCOP để sản phẩm đó đủ sức đứng trên thị trường không chỉ trong tỉnh mà còn các tỉnh, thành khác trên cả nước và xuất khẩu. Thực tế cho thấy, trong số 103 sản phẩm OCOP đã được công nhận cho đến nay, một số sản phẩm ít nhiều đã có thương hiệu, nhưng tựu trung vẫn mang tính đại trà, chưa có điểm nhấn đậm nét.

Đoàn đại biểu quốc tế đến đến tìm hiểu quy trình nuôi trồng rong nho tại Khánh Hòa.
Đoàn đại biểu quốc tế đến tìm hiểu quy trình nuôi trồng rong nho tại Khánh Hòa.

Theo ông Huỳnh Quang Thành - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Tổ trưởng Tổ tư vấn giúp việc, Thư ký Hội đồng OCOP tỉnh, cùng với việc phát triển các sản phẩm mới, Chương trình OCOP thời gian tới tập trung nâng cấp các sản phẩm thế mạnh của Khánh Hòa, như: Trầm hương, yến sào, rong nho... có thể trở thành sản phẩm OCOP quốc gia, cụ thể hóa định hướng của tỉnh đó là phát triển sản phẩm OCOP theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị. Đồng thời, tập trung xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch, thúc đẩy hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nhất là đẩy mạnh tiêu thụ tại chỗ thông qua khách du lịch tại các điểm du lịch sinh thái cộng đồng, qua đó góp phần đa dạng sản phẩm cho ngành Du lịch của tỉnh.

Năm 2021 và 2022, có 77 sản phẩm được công nhận đạt OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP của Khánh Hòa lên 103 sản phẩm của 61 chủ thể, trong đó có 1 sản phẩm (Rong nho Trí Tín) đủ điều kiện để đề nghị công nhận 5 sao OCOP quốc gia. Giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa đặt mục tiêu phát triển 200 sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.

Theo Báo Khánh Hòa điện tử