Chuyển đổi gần 340ha đất lúa sang trồng cây hàng năm
Ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. |
- Theo kế hoạch của UBND tỉnh, toàn tỉnh sẽ chuyển đổi 92,6ha cây trồng trên đất lúa 2 vụ và 246,9ha trên đất lúa 1 vụ sang trồng cây hàng năm khác. Đây là hoạt động chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi cây trồng theo vùng còn giúp hình thành các vùng sản xuất tập trung, đảm bảo khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Đối tượng chuyển đổi đáp ứng được yêu cầu có thị trường tiêu thụ, có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao hơn cây trồng trước chuyển đổi. Qua đó, góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu liên kết chuỗi giá trị phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
- Quá trình chuyển đổi cần đáp ứng những yêu cầu gì, thưa ông?
- Việc thực hiện chuyển đổi cây trồng phải tuân thủ đúng theo quy định của Luật Trồng trọt và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác, nhất là nguyên tắc chuyển đổi không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại; không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, thủy lợi phục vụ trồng lúa. Đồng thời, nơi chuyển đổi phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và kế hoạch chuyển đổi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Theo ông, để thực hiện hiệu quả kế hoạch này cần có những giải pháp nào?
- Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các sở, ngành, địa phương đang tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, nhất là trên những diện tích đất lúa không chủ động nước, năng suất thấp, kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; phổ biến các quy định về điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, thủ tục đăng ký, chính sách chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa đến cán bộ, nhân dân.
Cùng với việc xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù cho người dân ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chuyển đổi cây trồng, tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, tham mưu tỉnh điều chỉnh chính sách hỗ trợ theo hướng khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững, tiếp tục hoàn thiện và triển khai cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai, tạo điều kiện cho nông dân sử dụng linh hoạt đất trồng lúa để tăng thu nhập.
Ngoài ra, để cây trồng mới thực sự thích nghi, hiệu quả trên vùng chuyển đổi, các giải pháp về giống, quy trình chăm sóc, thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng hiệu quả kinh tế được thúc đẩy; ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Đối với nhóm giải pháp liên quan đến quản lý, tổ chức sản xuất, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, đảm bảo chất lượng cây giống và các loại vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; xây dựng vùng sản xuất theo chuỗi, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân và doanh nghiệp gắn kết với nhau trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
- Với vai trò là đơn vị chủ trì trong việc triển khai kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những nhiệm vụ gì, thưa ông?
- Sở đã chỉ đạo các chi cục, đơn vị chuyên môn tập trung chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, mô hình chuyển đổi cây trồng có hiệu quả trong quá trình thực hiện kế hoạch; tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm phục vụ tốt cho sản xuất. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, đơn vị tập trung rà soát, nâng cấp hệ thống thủy lợi, kênh mương đảm bảo nguồn nước cung cấp cho những diện tích cây trồng được chuyển đổi; hướng dẫn áp dụng, nhân rộng mô hình, phương pháp tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nhằm sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn nước tưới, nâng cao năng suất của các loại cây trồng trên diện tích được chuyển đổi.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Khánh Hòa điện tử
- [26/11/2024] Khởi nghiệp trên đất quê hương
- [26/11/2024] 11 sản phẩm được đề nghị công nhận 4 sao OCOP
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [14/04/2023] Vẫn còn một số vấn đề cần làm rõ trong dự thảo Luật HTX (sửa đổi)
- [13/04/2023] LIÊN MINH HTX TỈNH KHÁNH HÒA NHÌN LẠI CHẶNG ĐƯỜNG 30 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
- [13/04/2023] HTX vận tải trước sức nóng với 'đường đua' xe điện
- [12/04/2023] Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Liên minh Hợp tác xã tỉnh Khánh Hòa (1993-2023): Đồng hành với kinh tế tập thể
- [12/04/2023] HTX có vai trò lớn trong kiểm soát lạm phát nhưng vẫn khó tiếp cận nguồn lực hỗ trợ?