Cơ hội xúc tiến thương mại với Ấn Độ

|
Tuy là thị trường có nhu cầu lớn nhưng thời gian qua, Khánh Hòa vẫn chưa khai thác hiệu quả thị trường Ấn Độ. Hiện nay, Sở Công Thương triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Xuất khẩu còn hạn chế

Theo báo cáo của Sở Công Thương, trong 3 năm (từ năm 2019 đến 2021), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh sang thị trường Ấn Độ đạt 5,06 triệu USD; riêng năm 2021 đạt 1,05 triệu USD, tăng 21% so với năm 2020, chiếm tỷ trọng 0,08% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh năm 2021. Quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tới thị trường này đạt 70.000 USD. Các mặt hàng xuất khẩu sang Ấn Độ chủ yếu như: cà phê, sản phẩm dệt may, thủy sản... Trong đó, riêng xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sang Ấn Độ trong 3 năm qua đạt 643.000 USD, chiếm tỷ trọng khoảng 12,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh.

Sản phẩm cà phê của Công ty Cổ phần Mascopex.


Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ trong 3 năm đạt 35,4 triệu USD. Trong đó, năm 2021 đạt 13,7 triệu USD, tăng 30,7% so với năm 2020, chiếm tỷ trọng 1,84% trong tổng kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh năm 2021; quý I/2022, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này đạt 2,9 triệu USD. Các mặt hàng nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu là nguyên liệu thủy sản, thức ăn gia súc, hóa chất, máy móc thiết bị, vải, nguyên phụ liệu dược phẩm. Riêng nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ Ấn Độ chiếm tỷ trọng khoảng 78% trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ Ấn Độ và chiếm 3% trong kim ngạch nhập khẩu hàng thủy sản của tỉnh.


Ông Trần Ngọc Ni - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mascopex (Nha Trang) cho biết, hiện nay, sản phẩm của công ty xuất khẩu sang 37 nước trên thế giới, trong đó chủ yếu là các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... Năm 2021, tổng trị giá xuất khẩu của công ty hơn 97,5 triệu USD, trong đó xuất khẩu sang Ấn Độ đạt hơn 81.000 USD, chủ yếu là các mặt hàng tiêu, gia vị và cà phê. Riêng quý I/2022, tổng trị giá xuất khẩu của công ty đạt hơn 41,1 triệu USD. Đối với thị trường Ấn Độ, thời gian qua, công ty vẫn luôn chú trọng mở rộng nhưng sản lượng chưa nhiều. Hiện nay, việc xuất khẩu đi các nước nói chung và Ấn Độ nói riêng gặp khá nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tình hình chiến sự một số nước, giá xăng dầu thế giới ngày càng tăng cao khiến chi phí logistics tăng cao. Chính điều này đã làm ảnh hưởng đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu nói chung và xuất khẩu đến Ấn Độ nói riêng.


Mở ra cơ hội mới


Nhằm mở rộng thị trường xuất nhập khẩu sang Ấn Độ, vừa qua, UBND tỉnh phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Cơ hội thúc đẩy thương mại giữa các tỉnh miền Trung Việt Nam với Ấn Độ” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, có sự tham dự của lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), các tỉnh: Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận; các cơ quan quản lý, hiệp hội, DN ở một số tỉnh, thành trong nước và Ấn Độ.


Tại hội thảo, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2022 có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1972 - 2022). Từ khi hai quốc gia trở thành đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016, thương mại song phương đã tăng gấp đôi, vượt ngưỡng 10 tỷ USD, mục tiêu năm 2022 là 15 tỷ USD. Do đó, hội thảo là cơ hội tăng cường hoạt động liên kết các đơn vị xúc tiến thương mại, DN sản xuất và phân phối về trao đổi thông tin, hợp tác tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ; đẩy mạnh liên kết trong đầu tư sản xuất, cung ứng và tiêu thụ hàng hóa, phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ giữa hai nước, đặc biệt là việc xúc tiến thương mại phát triển các sản phẩm đặc trưng, phát huy thế mạnh của một số tỉnh miền Trung Việt Nam và Ấn Độ…


Thông qua kết nối trực tuyến tại hội thảo, các đại biểu của bang Odisha và bang Gujarat (Ấn Độ) đã giới thiệu về ngành chế biến nông, thủy sản của Ấn Độ. Đây là hai ngành có các sản phẩm xuất khẩu lớn của nước này và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Ấn Độ. Do đó, ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh mong muốn thời gian tới, Việt Nam và Ấn Độ sẽ có nhiều cơ hội mở rộng hợp tác trong lĩnh vực thương mại, nhất là nông sản, thủy sản… Hai bên sẽ có nhiều chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tạo thuận lợi trong việc kết nối giao thương hàng hóa.


Theo bà Phan Thị Thu Cúc - Phó Giám đốc Sở Công Thương, thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường hỗ trợ DN quảng bá trực tiếp sản phẩm đến người tiêu dùng ở các thị trường nước ngoài. Đặc biệt, sở sẽ tổ chức phổ biến những hiệp định thương mại hàng hóa giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Cộng hòa Ấn Độ thông qua các chương trình, đề án xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương. Mặt khác, tận dụng lợi thế của Việt Nam trong những hiệp định thương mại đã ký kết để đẩy mạnh việc tìm kiếm khách hàng, phát triển thị trường xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Khánh Hòa. Đồng thời, sở tuyên truyền, phổ biến kịp thời cho các DN sản xuất, kinh doanh xuất khẩu nắm kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, chính sách về xuất khẩu, thị trường tiêu thụ sản phẩm ở nước ngoài và những thông tin về thay đổi chính sách từ các nước nhập khẩu; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh…

Theo Báo Khánh Hòa điện tử.