Đẩy mạnh vốn tín dụng để phát triển nông nghiệp, nông thôn
Nhu cầu vay lớn
Cơ sở chả cá Thuận (xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh) sản xuất chả cá đạt sản phẩm 3 sao OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh, có quy mô hoạt động lớn, mỗi ngày cung cấp khoảng 1 tấn chả cá cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Gần 4 năm nay, bà Nguyễn Thị Thuận - chủ cơ sở này còn đầu tư 500 ô lồng ở vùng biển Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) để nuôi cá chim, cá bớp, cá bè và cá mú; đồng thời cung cấp thức ăn và thu mua sản phẩm của người dân nuôi trồng thủy sản. “Nhu cầu vốn để hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở lớn, nhưng hiện nay, vốn vay ngân hàng mới chỉ đáp ứng được 10-20% nhu cầu. Tôi mong ngân hàng có nhiều chương trình tín dụng phù hợp, dài hạn, lãi suất ưu đãi dành cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp”, bà Thuận nói.
Tổ công tác của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa khảo sát nhu cầu vốn tại cơ sở chả cá Thuận (huyện Vạn Ninh).
|
Vừa qua, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã tổ chức đợt khảo sát thực tế tình hình sản xuất, kinh doanh của các hộ, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh, huyện Khánh Sơn… Qua khảo sát cho thấy, phần lớn các hộ sản xuất, kinh doanh, DN đều đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên, khách hàng chủ yếu vay có thế chấp tài sản cá nhân nên vốn vay ít, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng khá qua các năm, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015 - 2021 hơn 6%/năm và chiếm tỷ trọng khoảng 7% trong tổng dư nợ. Đến ngày 31-7, tổng dư nợ cho vay của ngành Ngân hàng Khánh Hòa đạt 109.778 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 9.291 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,46%, tăng 8,21% so với cuối năm 2021. Điều này cho thấy vốn tín dụng trên địa bàn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn khá thấp. Nguồn vốn này tập trung chủ yếu cho các khách hàng cá nhân và hộ gia đình, hộ kinh doanh; khách hàng là hợp tác xã, tổ hợp tác và DN còn thấp.
Tuy hầu hết các TCTD đều cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhưng vai trò chủ đạo vẫn là các ngân hàng thương mại nhà nước. Trong đó, hạt nhân là Agribank Chi nhánh Khánh Hòa và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với ưu thế về mạng lưới rộng khắp, có nhiều kinh nghiệm cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hai ngân hàng này luôn ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn nên tỷ trọng cho vay luôn cao hơn so với các TCTD trên địa bàn.
Kết nối cung - cầu về vốn
Cuối năm 2021, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch số 987 về đẩy mạnh vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh với trọng tâm là tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu vốn tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, dự kiến sẽ tổ chức trong tháng 9-2022. Ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc phụ trách NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, hội nghị nhằm định hướng các TCTD tăng cường cấp tín dụng cho khách hàng hoạt động sản xuất nông nghiệp có sản phẩm được xếp hạng OCOP, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, phát triển chuỗi liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. Hội nghị cũng tạo môi trường để các hộ kinh doanh, hợp tác xã, DN trực tiếp giới thiệu tình hình sản xuất, sản phẩm, lợi thế kinh doanh và nhu cầu vốn đến các TCTD. Ngoài ra, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan đánh giá thực trạng ngành nông nghiệp, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh và việc thực hiện chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp. Qua đó, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp, đi đôi với tăng trưởng tín dụng chất lượng, hiệu quả.
Bên cạnh việc đánh giá tình hình cấp tín dụng và chất lượng tín dụng trong cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, các ngân hàng sẽ ký kết bản ghi nhớ, hợp đồng tín dụng cung cấp vốn với khách hàng. Đây được xem là hoạt động tích cực góp phần tăng trưởng dư nợ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.
Theo Báo Khánh Hòa Online
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [06/11/2024] HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI GIỮA LÃNH ĐẠO UBND TỈNH VỚI CÁC HTX TRÊN ĐỊA BÀN NĂM 2024
- [04/11/2024] Phát triển du lịch nông nghiệp tại Cam Lâm
- [13/09/2022] Vai trò của phụ nữ trong phát triển lâm nghiệp; một số giải pháp để phụ nữ khu vực nông thôn giảm nghèo bền vững
- [13/09/2022] Các giải pháp thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- [13/09/2022] Vai trò của nông dân trong phát triển kinh tế lâm nghiệp và các giải pháp để giám nghèo bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030
- [13/09/2022] Sửa luật để HTX nâng cao khả năng huy động vốn, tích luỹ tài sản chung
- [13/09/2022] Doanh nghiệp và nông dân vẫn 'bẻ kèo lẫn nhau