Để khơi dậy niềm tin, phát huy vai trò của khu vực HTX
Nhận thức đúng về mô hình HTX không chỉ thu hút người dân tham gia liên kết hợp tác mà còn giúp các nhà quản lý có cái nhìn thông suốt, từ đó xây dựng các chính sách phù hợp cho khu vực kinh tế tập thể.
Tại Tọa đàm phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam tổ chức ngày 6/4, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, cho rằng, vấn đề “rau hai luống, lợn hai chuồng” chính là lời nguyền của nền nông nghiệp. Nếu không vượt qua được điều này, ngành nông nghiệp sẽ khó đi xa bởi vẫn mãi là nông nghiệp kinh tế hộ.
"HTX, HTX, HTX hoặc không là gì cả"
Hiện nay, những biến chuyển của khí hậu, thị trường buộc người dân, ngành nông nghiệp phải thay đổi. Để đưa ra lời giải cho ngành nông nghiệp Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng “Phương châm của tôi là HTX, HTX, HTX hoặc không là gì cả”. Bởi sản xuất với quy mô hộ nhỏ lẻ không thể nào làm kinh tế nông nghiệp, không thể xây dựng một chuỗi giá trị ngành hàng. Từ đó không thể tạo ra chuỗi giá trị gia tăng và nông sản mãi chỉ bán thô".
Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã định hướng ngành nông nghiệp phải chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang đa giá trị. Để làm được điều này, buộc phải mở rộng quy mô, buộc phải liên kết. Từ đó cần phải phát huy hết bản chất, triết lý của kinh tế tập thể, HTX vào phát triển nông nghiệp.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiện nay, rất nhiều người dân và cả những người làm cán bộ vẫn hiểu sai về mô hình HTX khiến HTX bị mất niềm tin, khó thu hút người dân tham gia mở rộng quy mô.
Đi liền với đó là các chính sách hỗ trợ chưa thực sự rộng mở để kinh tế tập thể, HTX phát triển. Đặc biệt là các chính sách pháp luật về HTX chưa phù hợp với điều kiện khoa học kỹ thuật, thị trường thay đổi nhanh chóng ở cả trong nước và nước ngoài.
Liên kết, hợp tác theo mô hình HTX sẽ giải quyết những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. |
TS. Ninh Đức Hùng, Phó Hiệu trưởng trường Cán Bộ Quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn I (Bộ NN&PTNT) cũng cho biết, thực tế khi đi tiếp xúc với nhiều HTX cho thấy, nhiều người vẫn hiểu sai về HTX.
Có người chỉ nghĩ HTX hoạt động nhỏ lẻ, manh mún như thời bao cấp. Có người lại nghĩ HTX hoạt động và phát triển giống như doanh nghiệp. Trong khi bản chất của HTX là đối nhân, chứ không phải đối vốn nhưng vẫn thích ứng được với thị trường.
Chính vì vậy, dù đã có những HTX hoạt động theo chuỗi và cho doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhưng số lượng này vẫn thực sự lớn.
Khơi dậy niềm tin
Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng theo các chuyên gia, vẫn có một bộ phận cán bộ, thành viên HTX trẻ, năng động, có khả năng truyền cảm hứng, thuyết phục hệ thống chính trị và người dân tham gia hoặc đưa ra chính sách phù hợp chứ không dừng ở việc điều hành HTX phát triển.
Dẫn chứng về điều này, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, việc HTX thanh long Mỹ Tịnh An (Tiền Giang) trở thành mô hình chuỗi giá trị tiêu biểu và hiệu quả từ sản xuất đến bảo quản chế biến một phần là do HTX có giám đốc trẻ với cái nhìn đúng đắn về bản chất HTX. Nhờ đó, quy trình sản xuất, liên kết trong HTX bài bản hơn, đưa mô hình HTX kiểu mới thích ứng và phát triển trong nền kinh tế thị trường.
Đồng quan điểm về điều này, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, trong 13 mô hình HTX tiêu biểu và hoạt động hiệu quả ở Đồng bằng sông Cửu Long, có đến 10 HTX có giám đốc và cán bộ HTX là người trẻ tuổi.
Đi liền với đó, xu hướng thanh niên, người có tri thức lựa chọn HTX là nơi khởi nghiệp ngày càng gia tăng. Đây sẽ là nguồn cơn ‘khai sáng’ cho người dân và cán bộ lãnh đạo địa phương về mô hình HTX kiểu mới, từ đó có những chính sách phù hợp để phát triển HTX.
Có thể thấy, để tăng niềm tin của các tầng lớp nhân dân về HTX đồng thời nâng cao vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, HTX trong sản xuất kinh doanh, điều cần làm là phải tạo động lực để người dân liên kết nhằm giảm chi phí. Đi liền với đó là cần giúp người dân hiểu rằng, vào HTX có thể giải quyết hay hạn chế được những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ.
Nhưng để làm được điều này, cần những chiến lược bài bản và cụ thể hơn thay vì chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền giản đơn. Không nhìn đâu xa, chỉ cần nhìn sang Nhật Bản cũng đủ thấy, xuất phát điểm của ngành nông nghiệp nước này cũng có những điểm giống với Việt Nam như: quy mô nhỏ, diện tích ít, khó phát triển quy mô lớn, dân số già, ít lao động làm nông nghiệp.
Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh phát triển HTX, ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại, vận dụng AI vào sản xuất mà giá cả hàng hóa trong nước luôn cao hơn giá các hàng hóa, nông sản nhập khẩu. Điều này là vì các HTX ở Nhật đã tạo được giá trị gia tăng cho nông sản, Robot đang thay thế nông dân sản xuất.
Đặc biệt với phương châm mỗi HTX có một sản phẩm đặc trưng chứ không cố gắng phát triển dàn trải nhiều sản phẩm, Nhật Bản đã có những nông sản có thương hiệu và đắt giá. Chẳng hạn như một cặp dưa lưới nhưng có giá bán lên đến 23.000 USD nhờ tính độc đáo của sản phẩm.
Trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết Hiroshima là thành phố của Nhật Bản nhưng chỉ có 50% trường cấp 3 phổ thông dạy kỹ thuật, còn lại 50% trường cấp 3 dạy về nông nghiệp. Ngay từ cấp 3, học sinh đã được học và hình thành tư duy liên kết, tư duy làm kinh tế nông nghiệp nên ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3, học sinh có thể làm giám đốc HTX hoặc giám đốc doanh nghiệp.
Còn ở Việt Nam, mới chỉ quan tâm dạy kỹ thuật nên học sinh, sinh viên không hiểu được về bản chất của HTX, không hình thành được tư duy liên kết, hợp tác trong sản xuất kinh doanh.
Trong Kết luận 70 của Bộ Chính trị đã có nội dung “Đưa HTX vào dạy các trường, hệ thống quốc dân”. Tuy nhiên điều này đến nay vẫn chưa làm được, nhận thức của người dân cũng như những người đang “va đập” với nông nghiệp, nông dân, HTX cũng chưa thực sự được “khai sáng”.
Thực chất, HTX bản chất đã là “hợp tác”, do đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc có cả chương trình về HTX. Điều này cho thấy dù chỉ là chuyện “của bản của làng” nhưng vai trò của HTX đã được thế giới đặt lên một vị trí cao hơn.
Chính vì vậy, muốn phát triển nông nghiệp, muốn người dân được hưởng lợi từ những nông sản do chính mình làm ra, điều cần làm là phải khơi dậy được niềm tin của nhân dân, cán bộ về HTX bằng các chương trình đào tạo bài bản.
Đi liền với đó, cần tăng cường đối thoại cùng HTX để có những thay đổi cả về nhận thức và chính sách pháp luật, chứ không đơn thuần ở việc thúc đẩy, hỗ trợ HTX như hiện nay.
Theo VN Business
- [26/11/2024] Khởi nghiệp trên đất quê hương
- [26/11/2024] 11 sản phẩm được đề nghị công nhận 4 sao OCOP
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [12/04/2023] Chính sách phải 'mở' và đủ dài để HTX phát triển bền vững
- [10/04/2023] Kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa phát triển được như mục tiêu, yêu cầu đặt ra
- [07/04/2023] Nha Trang: Nhiều xã khó đáp ứng theo chuẩn mới
- [07/04/2023] Điểm sáng trong phong trào nông dân
- [07/04/2023] Chuẩn bị tốt cho lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Liên minh Hợp tác xã tỉnh