Dự báo thị trường để mở rộng đầu ra cho sản phẩm của hợp tác xã
Là một trong những vựa rau nổi tiếng khu vực miền Bắc nhưng thời gian qua không ít lần các hợp tác xã tại huyện Mê Linh rơi vào cảnh thừa cung và phải nhờ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm từ nhiều phía.
Lý giải nguyên nhân này, giới chuyên gia cho rằng nền kinh tế thị trường thời gian qua tuy có những biến động khó lường nhưng do khâu dự báo thị trường vẫn còn thiếu và yếu nên các hợp tác xã vẫn loay hoay không biết bắt đầu từ đâu và tiêu thụ ra sao.
Đi liền đó là những chính sách hỗ trợ các hợp tác xã vẫn chưa đủ lớn để dẫn dắt khối kinh tế tập thể, hợp tác xã trong việc sản xuất đến liên kết tạo đầu ra quy mô lớn cho các sản phẩm của hợp tác xã.
Chia sẻ xung quanh vấn đề này, theo đại diện một số hợp tác xã nông sản trên địa bàn Hà Nội, việc dự báo thị trường hiện nay chưa được làm một cách bài bản có hệ thống mà chủ yếu dừng lại ở mức thống kê và so sánh.
Vì thế, các hợp tác xã đều xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ dựa theo kinh nghiệm. Thế nhưng, không ít trường hợp do những tác động khách quan lẫn chủ quan khiến sản phẩm của hợp tác xã bị thừa nguồn cung hoặc thiếu đầu ra cho sản phẩm.
Thực tế cho thấy, không phải hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là các hộ cá thể nào cũng có thể tự nghiên cứu thị trường vì không có điều kiện, năng lực để nghiên cứu phân tích thị trường thường xuyên, chính xác.
Do đó, chuyện người dân tự sản xuất, tự mở rộng diện tích và bán hàng theo kinh nghiệm là chuyện phổ biến. Điều này dẫn đến tình trạng dư thừa một số sản phẩm nông nghiệp thường xuyên diễn ra trong những năm gần đây, thậm chí nhiều sản phẩm phải kêu gọi hỗ trợ.
Theo ông Lý Minh Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Thanh Bình (tỉnh Đồng Nai), nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm của hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp cần có chiến lược cũng như công nghệ bảo quản, chế biến sâu. Hơn nữa, các hợp tác xã cần xây dựng quy trình từ trồng trọt đến tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm.
Cùng quan điểm này, một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho rằng, để giải quyết đầu ra cho sản phẩm các hợp tác xã phải có đầy đủ thông tin đầy đủ về thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Hơn nữa, các hợp tác xã cũng nên cập nhật những chính sách mới từ phía thị trường xuất khẩu. Chẳng hạn như xuất khẩu hoa quả sang Trung Quốc phải được bọc bằng xốp lưới đối với quả dưa hấu và giấy dai kraft hoặc dùng bao bì là thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc với quả mít. Riêng quả chuối, thị trường này lại yêu cầu bao bì dung để bọc là thùng giấy hoặc túi nhựa.
Trước nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa như hiện nay, theo các chuyên gia muốn sản xuất kinh doanh hiệu quả yếu tố thị trường cần được quan tâm đầu tiên trong chuỗi sản xuất. Bởi vậy, thay vì chỉ để doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tự tìm hiểu thị trường theo cách riêng, cơ quan quản lý cần thực hiện việc dự báo thị trường một cách bài bản, cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, theo từng ngành hàng cụ thể.
Cùng với đó, cơ quan chức năng phải đưa ra khảo sát, đánh giá các yếu tố tác động từ chủ quan đến khách quan, tác động trên các mặt tích cực lẫn tiêu cực để hợp tác xã, người dân có cái nhìn khách quan, tổng quát.
Ngoài ra, cần có những khuyến cáo, định hướng đến chính quyền các địa phương và bà con nông dân, hợp tác xã bằng các giải pháp sản xuất phù hợp.
Các chuyên gia cũng lưu ý, việc dự báo thị trường là cơ sở để quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa dựa trên thế mạnh, tiềm năng của từng địa phương, sau đó tổ chức sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường cũng như bảo vệ được lợi ích chính đáng của hợp tác xã.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho hay, mới đây Ban chấp hành Trung ương Đảng đã tổng kết Nghị quyết số 13-NQ/TW khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Trên cơ sở tổng kết đó, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Đặc biệt, Nghị quyết 20-NQ/TW chỉ rõ những bất cập và định hướng những chủ trương lớn trong việc sửa đổi Luật tạo môi trường hoạt động kinh doanh sản xuất cho hợp tác xã được thuận lợi và Nhà nước sẽ có chương trình tổng thể, dài hạn để hỗ trợ hợp tác xã phát triển về đất đai, tín dụng, bảo hiểm, công nghệ, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại.
Mặt khác, cấp ủy, chính quyền địa phương phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong việc thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển.
Do đó, nếu Nghị quyết 20-NQ/TW được thực hiện kịp thời sẽ tạo đột phá về nhận thức của hệ thống chính trị và xã hội về vai trò của kinh tế tập thể. Điều này sẽ khiến chất lượng và số lượng người dân, đại diện hộ gia đình, tổ chức cũng như doanh nghiệp tăng lên đáng kể. Hơn nữa, khung khổ pháp luật cho hợp tác xã, tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã hoạt động sẽ được đổi mới sửa đổi, hướng tới phát triển hiệu quả và bền vững.
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [06/11/2024] HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI GIỮA LÃNH ĐẠO UBND TỈNH VỚI CÁC HTX TRÊN ĐỊA BÀN NĂM 2024
- [04/11/2024] Phát triển du lịch nông nghiệp tại Cam Lâm
- [24/08/2022] Khánh Sơn miền quả ngọt
- [15/08/2022] Bài 3: Giải pháp canh tác hữu cơ
- [15/08/2022] Bài 2: Dấu chân hợp tác xã trên hành trình xanh
- [15/08/2022] Bài 1: Nắm bắt dòng chảy mới của thị trường
- [11/08/2022] SỬA ĐỔI LUẬT HỢP TÁC XÃ: MÔ HÌNH ĐẶC THÙ CẦN CƠ CHẾ ĐẶC THÙ