Giải pháp gỡ khó cho kinh tế tập thể, hợp tác xã
Sau 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, khu vực HTX đã đạt được nhiều kết quả tích cực với khoảng 29.000 HTX, liên hiệp HTX, trong đó số lượng HTX, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả tăng hơn 2 lần so với năm 2013, đặc biệt, doanh thu và thu nhập của người lao động năm 2021 tăng 107% so với năm 2013. Kết quả đạt được là vậy nhưng vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ để HTX phát triển.
Vai trò của kinh tế tập thể, HTX
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, nếu không có HTX, sự manh mún, rời rạc thiếu liên kết sẽ khó chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19. Quy mô kinh tế hộ nhỏ lẻ cũng sẽ không thể tạo ra kinh tế nông nghiệp, rất khó sản xuất nông nghiệp trên những đơn vị diện tích nhỏ hẹp với chi phí quá cao.
Sau 10 năm thực hiện Luật HTX, lĩnh vực HTX đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Nghị quyết số 20, Hội nghị lần thứ Năm, khóa XIII khẳng định, kinh tế tập thể - nòng cốt là HTX cùng với kinh tế Nhà nước là nền tảng của nền kinh tế nước ta. Trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2020-2030, về nông nghiệp, Đại hội XIII nêu rõ: Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Phát triển mạnh doanh nghiệp nông nghiệp; hỗ trợ kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác.
Kết quả tích cực
Tại toạ đàm “Phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới” diễn ra mới đây, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Đài TNVN khẳng định, thời gian qua, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng qua những thời kỳ khác nhau đã cho thấy sự phát triển cả về lý luận, nhận thức trên cơ sở tổng kết thực tiễn xây dựng kinh tế tập thể mà nòng cốt là hệ thống HTX, phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước, xu thế chung của toàn cầu.
Đặc biệt, mới đây, ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Trong đó, nhấn mạnh kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Theo ông Hùng, chủ trương, chính sách và pháp luật đúng đắn, phù hợp đã, đang và sẽ thúc đẩy năng lực sáng tạo, đổi mới tư duy, ứng dụng công nghệ, đầu tư thích đáng cho kinh tế tập thể và HTX. Từ đó tạo ra không gian phát triển kinh tế rộng mở, tạo ra sản phẩm, của cải, gia tăng giá trị, làm cho người dân ấm no, hạnh phúc và đóng góp vào sự phát triển của quốc gia.
Trên cơ sở đó, Đảng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; có khoảng 140.000 tổ hợp tác với 2 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên. Đến năm 2045, thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể; mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức HTX, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, quá trình tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 cho thấy, khu vực HTX đã đạt được nhiều kết quả tích cực với khoảng 29 nghìn HTX, liên hiệp HTX, trong đó số lượng HTX, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả tăng hơn 2 lần so với năm 2013 (từ 6.354 HTX, liên hiệp HTX năm 2013 lên 14.295 HTX, liên hiệp HTX năm 2021), chủ yếu là trong các lĩnh vực nông nghiệp, vận tải, dịch vụ,… Các HTX, liên hiệp HTX từng bước hoạt động ổn định, doanh thu và thu nhập của người lao động trong khu vực HTX năm 2021 tăng 107% so với năm 2013, thu hẹp dần khoảng cách so với khu vực doanh nghiệp.
Đánh giá thêm về kết quả đạt được, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cho biết, từ khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tiếp đến là Luật HTX…, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, tương đối đồng đều ở các địa phương, nhất là các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Đặc biệt, xu hướng hiện nay là ngày càng nhiều lao động trẻ có chuyên môn cao khởi nghiệp bằng mô hình HTX.
Nhiều HTX chưa tiếp cận được đất đai vì vướng các quy định pháp luật. Ảnh: Huyền Trang
Nhiều khó khăn
Ông Trần Duy Đông cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế của khu vực HTX như tổ chức kinh tế tập thể, HTX phần lớn có quy mô nhỏ, năng lực nội tại còn yếu. Sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức này với nhau để tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ chưa cao. Khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, nguồn vốn, các chính sách hỗ trợ về mặt bằng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý còn hạn chế.
HTX Nông nghiệp Tổng hợp Ba Đình là đơn vị hoạt động có hiệu quả của huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), với 168 thành viên, 383ha canh tác, vốn điều lệ gần 230 triệu đồng, trong khi có đến 15 dịch vụ các loại cũng đang gặp khó khăn. Ông Nông Văn Thạch, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Ba Đình, cho biết, khó khăn, vướng mắc lớn nhất của HTX là không có quỹ đất để xây dựng trụ sở, kho bãi; thiếu vốn đầu tư mua máy xay xát lúa gạo mini, hạn chế trong xây dựng thương hiệu OCOP cho các sản phẩm của HTX….
Thứ trưởng Trần Duy Đông nêu nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế như: pháp luật về HTX chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn thay đổi nhanh chóng, yêu cầu của bối cảnh quốc tế và trong nước, đặc biệt là khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX chưa đủ mạnh; cần nghiên cứu thúc đẩy hơn các cơ chế, chính sách về tiếp cận vốn, đất đai, thị trường, khoa học công nghệ.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để cán bộ các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và nhân dân nhận thức về bản chất, vai trò, vị trí của khu vực HTX còn chưa thường xuyên, liên tục, chưa có hệ thống. Chưa có nhiều mô hình HTX liên kết sản xuất thành công, có hiệu quả, hoạt động theo đúng bản chất để phổ biến, nhân rộng; năng lực và trình độ về quản trị của HTX chưa cao, tính hợp tác, tin cậy giữa các thành viên còn thấp.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho rằng, năng lực của các HTX nông nghiệp nhìn chung còn hạn chế về vốn, tài sản, trình độ cán bộ, thiếu cán bộ kỹ thuật. Hoạt động của HTX chưa đáp ứng tốt nhu cầu thành viên. HTX nông nghiệp khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ như: tín dụng, khoa học công nghệ, hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn, bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ rủi ro thiên tai dịch bệnh, trong khi nguồn lực của Nhà nước để hỗ trợ HTX còn hạn chế, nhất là hỗ trợ đầu tư máy móc, cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao.
Sự hỗ trợ của Nhà nước cho HTX trong quản trị, xây dựng và thực hiện chiến lược sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Cán bộ quản lý nhà nước về HTX từ tỉnh đến cơ sở thiếu và yếu. Thiếu đội ngũ chuyên gia có năng lực để tư vấn cho HTX.
Khó tiếp cận vốn vay
Là một trong những mô hình kinh tế tập thể trồng cây ăn quả kết hợp nuôi ong lấy mật lớn tỉnh Lào Cai, tuy mới thành lập hơn 3 năm nhưng HTX Nậm Dù (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng) đã tạo ra doanh thu gần 40 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 200 lao động. Nhưng HTX vẫn phải “khoác áo” rủi ro cao vì hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là lý do chính khiến việc tiếp cận với đòn bẩy tài chính gặp phải hàng loạt rào cản như: thủ tục rườm rà, lãi suất cao, thời hạn vay ngắn...
Ông Cao Xuân Chiến, Giám đốc HTX cho biết, chỉ vay được nguồn vốn thấp thì không thể cho ra sản phẩm số lượng lớn đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Để cạnh tranh với các doanh nghiệp ngay ở trên địa bàn đã khó vì họ tiếp cận tài chính dễ hơn, vay được nhiều tiền hơn. Chúng tôi có rất nhiều ràng buộc, quan trọng nhất là phải thế chấp nhưng tài sản của HTX chủ yếu là đất nông nghiệp nên các ngân hàng không mấy mặn mà.
Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai - ông Chu Hoàng Nguyện cho biết: Chúng tôi mong muốn có cơ chế, chính sách đặc thù cho HTX trong tiếp cận vốn vay; làm sao để HTX có điều kiện thuận lợi trong giao dịch với các tổ chức tín dụng, từ đó có nguồn lực phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Cũng liên quan tới nguồn vốn, ông Hùng Xuân Diện, Giám đốc HTX nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng (Tân Hưng, Cái Nước, Cà Mau), cho biết, hiện nay, nhiều HTX đang gặp phải tình trạng thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm điều hành, trình độ quản lý. Một số HTX có xu hướng liên kết, điều này dẫn đến phát sinh thêm bộ máy nhân sự, gây khó khăn trong vận hành và tính hiệu quả không cao. Cần thống nhất cơ cấu tổ chức về quản lý con người, trong đó quan trọng là tiếng nói, uy tín người đứng đầu.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn lực trẻ, có khả năng tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, nắm được sự biến động của cơ chế thị trường. HTX có thể phát triển hay không còn tùy thuộc vào thực hiện liên kết chuỗi. Để có thể thực hiện liên kết chuỗi chặt chẽ, không bị đứt gãy, cần có sự phối hợp giữa 5 nhà (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông, nhà kinh doanh và người tiêu dùng); ổn định bao tiêu sản phẩm, thống nhất giá cả, chất lượng giống.
Chế biến ngô bao tử ở Hợp tác xã Nông sản Mỹ An (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Ảnh: Ảnh: Vũ Sinh.
Cần cơ chế phù hợp
Việc sửa đổi, bổ sung Luật HTX năm 2012 được cho là sẽ tháo gỡ nhiều nút thắt. Ông Lê Văn Việt, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt (Hải Dương), cho biết: Các điều chỉnh, sửa đổi trong dự thảo Luật HTX sửa đổi đang được HTX rất quan tâm. Đó là những quy định về mở rộng đối tượng thành viên; nâng mức góp vốn; không giới hạn việc quy định trong cung cấp dịch vụ của hợp tác xã cho thành viên, hợp tác xã phát triển thoải mái hơn, thi đua sản xuất tốt hơn.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, Nhà nước cần áp dụng thuyết 2 bàn tay vào nông nghiệp. Bàn tay thứ nhất là bàn tay vô hình, là cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp. Bàn tay thứ 2 rất quan trọng, chính là nguồn lực đủ lớn để khuyến khích, hỗ trợ HTX nông nghiệp bằng ngân sách bố trí cho HTX.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, Bộ là đầu mối, Liên minh HTX là nòng cốt, đã và đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật HTX năm 2012, dự kiến được xem xét thông qua trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sắp tới.
Quy định đồng bộ các loại hình tổ chức kinh tế hợp tác ngay tại dự thảo Luật, gồm tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX và các tổ chức khác hoạt động theo mô hình HTX, cũng như mô hình quản trị, quản lý, cơ chế, chính sách phù hợp. Quy định đầy đủ 8 nhóm chính sách đã được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, gồm chính sách phát triển nguồn nhân lực; chính sách đất đai; tài chính; tín dụng; bảo hiểm; khoa học, công nghệ; hỗ trợ thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường và chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội xây dựng 3 Đề án, nhiệm vụ lớn trong thời gian tới, gồm xây dựng Chương trình tổng thể phát triển kinh tế tập thể trên toàn quốc để có cơ chế đặc thù, tập trung nguồn lực hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế tập thể; xây dựng Nghị quyết về xử lý nợ đọng của HTX, liên hiệp HTX đã ngừng hoạt động, chờ giải thể để có thể xử lý dứt điểm khoảng 2 nghìn HTX đang trong tình trạng không còn hoạt động nhưng chưa giải thể được; xây dựng Nghị quyết về thí điểm một số liên đoàn HTX trước khi nhân rộng mô hình này và thể chế hóa tại văn bản Luật.
Cùng với đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan huy động và bố trí nguồn lực để triển khai cơ chế, chính sách, chương trình phát triển HTX; đảm bảo kinh phí hỗ trợ hoạt động của các tổ chức đại diện, trong đó Liên minh HTX là nòng cốt để phát huy hiệu quả vai trò của mình. Đồng thời, chủ trì phối hợp các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của HTX, liên hiệp HTX từ quá trình thành lập, đi vào hoạt động và phát triển của các tổ chức này.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, Luật HTX sửa đổi sẽ phải tạo động lực cho HTX trong giai đoạn mới phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tạo khuôn khổ pháp luật để người dân tự nguyện tham gia, có sự quản trị dân chủ; huy động được nguồn lực của các thành viên HTX, phát huy các cơ chế, chính sách của Nhà nước.
Theo Liên minh HTX Việt Nam
- [26/11/2024] Khởi nghiệp trên đất quê hương
- [26/11/2024] 11 sản phẩm được đề nghị công nhận 4 sao OCOP
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [20/04/2023] Lập kế hoạch kinh doanh rõ ràng để đưa HTX đến thành công
- [20/04/2023] Đề xuất về góp vốn, phân phối thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
- [19/04/2023] Hợp tác xã được miễn giảm một số loại thuế, lệ phí, được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi
- [19/04/2023] "Người đẹp Hợp tác xã" nỗ lực tăng giá trị cho sản phẩm trà hoa vàng
- [19/04/2023] Hợp tác xã phát huy vai trò trụ đỡ cho kinh tế hộ