Giám đốc hợp tác xã làm loại trà ủ men hương vị đặc biệt dự thi quốc tế

|
Từ mong muốn xây dựng thương hiệu chè Văn Hán để nâng tầm giá trị sản phẩm, và ấp ủ dự định đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài, chị Nguyễn Thị Vân, Giám đốc HTX Thái Minh (xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã dồn bao tâm huyết, đam mê của mình và đã thành công.

Xây dựng thương hiệu cho chè Văn Hán

Sinh ra và lớn lên ở vùng chè Văn Hán, chị Nguyễn Thị Vân (SN 1985), xóm Phả Lại, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã gắn bó với cây chè từ thuở nhỏ. Ngay từ khi còn bé, chị đã được theo chân bố mẹ lên những đồi chè của gia đình để hái chè rồi về cùng bố mẹ sao sấy trên những chiếc chảo gang. Chính điều này đã khơi dậy niềm đam mê và tình yêu với cây chè trong chị ngày một lớn dần lên.

Sau này khi xây dựng gia đình, do tình yêu với cây chè luôn thôi thúc đã khiến chị lựa chọn theo đuổi và tiếp nối nghiệp ông cha với nghề làm chè, rồi đi khắp nơi buôn bán chè.

Cũng bởi từng chứng kiến bố mẹ và bà con nơi đây vất vả với cây chè mà thu nhập chẳng được là bao bởi khi đó chè Văn Hán chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường nên giá thành sản phẩm thấp và chưa có nhiều người tiêu dùng biết đến. Thấu hiểu điều đó, sau nhiều ngày trăn trở, chị Vân đã quyết tâm xây dựng thương hiệu cho chè Văn Hán và ấp ủ mong ước xa xôi hơn là đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

Thái Nguyên: Người phụ nữ nâng tầm thương hiệu chè Văn Hán, đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài - Ảnh 2.

Nhờ tình yêu với cây chè luôn ấp ủ đã thôi thúc chị Vân tìm hướng đi mới và xây dựng thương hiệu cho chè Văn Hán. Ảnh: Hà Thanh

Từ suy nghĩ đó, năm 2016, chị Vân đã kết hợp với người chị gái của mình thành lập doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Văn Hán. Sau 4 năm hoạt động, khi sản phẩm chè Văn Hán đã có vị thế và chỗ đứng trên thị trường, năm 2020 chị đã thành lập HTX chè Thái Minh với tất cả 8 thành viên để đưa tên tuổi chè Văn Hán vươn xa hơn.

Bước đầu thành lập HTX, chị Vân cũng gặp phải không ít khó khăn. Khó khăn do vùng nguyên liệu chưa đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu sản xuất chè sạch, do đó chị phải bắt tay vào xây dựng lại từ đầu. Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến chè. Ban đầu chị đứng tên vay khoảng 200 triệu đồng từ Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, sau đó một năm chị vay thêm 300 triệu đồng nữa. Đến nay, toàn bộ số tiền vay đã được chị Vân trả hết.

Hiện nay, vùng nguyên liệu của HTX có tất cả 30ha đều được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 5ha là diện tích chè của các thành viên HTX, còn lại là liên kết với các hộ dân trong vùng. Định hướng của HTX trước mắt sẽ xây dựng vùng nguyên liệu 5ha sản xuất theo hướng hữu cơ, đến nay HTX đã đăng ký mã vùng trồng cho 5ha chè này. Tương lai sẽ chuyển hoàn toàn diện tích 30ha sản xuất theo hướng hữu cơ.

Thái Nguyên: Người phụ nữ nâng tầm thương hiệu chè Văn Hán, đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài - Ảnh 3.

Hiện nay, vùng nguyên liệu của HTX có tất cả 30ha đều được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Hà Thanh

Trong các sản phẩm trà của HTX Thái Minh hiện nay, có một sản phẩm tương đối đặc biệt là sản phẩm trà Bancha (Tịnh An Trà) được lấy nguyên liệu từ những lá chè xanh của vùng chè trung du (hơn 2ha) trên 3 năm tuổi được chăm sóc hoàn toàn hữu cơ.

Thái Nguyên: Người phụ nữ nâng tầm thương hiệu chè Văn Hán, đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài - Ảnh 4.

Vùng chè trung du trên 3 năm tuổi của chị Vân là nguyên liệu để làm ra sản phẩm trà Bancha được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Hà Thanh

Để làm ra được sản phẩm này đòi hỏi sự kỳ công và mất nhiều thời gian. Ban đầu cần lựa chọn những lá chè già, sau đó đem phơi trong phòng khoảng 5 giờ đồng hồ ở điều kiện nhiệt độ từ 20 – 25oC. Tiếp đến, lá chè được cho vào máy vò quay, sau đó cho vào khăn ủ lên men trong vòng 5 – 6 tiếng, rồi tiếp tục đem phơi dưới ánh nắng mặt trời để tạo ra thành phẩm.

Theo chị Vân chia sẻ, cơ duyên chị đến với sản phầm trà Bancha này là trong một lần chị đến ngôi chùa ở Bắc Ninh chị có dịp thưởng thức sản phẩm trà này. Do yêu thích nên chị đã về nhà tự tìm tòi, học hỏi cách chế biến trên mạng. Sau lần đầu thất bại vì trà không chuẩn vị, đến lần thứ hai chị đã chế biến thành công khi trà chị làm ra giữ đúng hương vị trà như chị đã từng được thưởng thức trước đó.

Đối tượng khách hàng của dòng sản phẩm này là những nhà sư tại các chùa, những khách hàng lớn tuổi rất yêu thích dòng trà này vì dễ uống, thanh mát, không có vị đắng, chát như trà xanh thông thường, khi uống vào có vị ngọt sâu trong cổ họng, đồng thời dòng trà này lại có nhiều tác dụng cho sức khoẻ. Đặc biệt, loại trà này để càng lâu lại càng ngon.

Đối với sản phẩm này, chị Vân đã bắt đầu làm từ trước khi thành lập HTX, đến năm 2018 chị chính thức đưa sản phẩm này ra thị trường và được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Hiện tại, chị đã có một lượng khách hàng ổn định tiêu thụ và sử dụng sản phẩm này. Trung bình mỗi năm chị Vân bán ra thị trường khoảng 1,2 tấn trà Bancha với giá bán 1,6 triệu đồng/kg.

Định hướng mở rộng thị trường, xuất khẩu chè ra nước ngoài

Đến nay, HTX có 4 sản phẩm đã đạt OCOP 3 sao và 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Đặc biệt, năm 2022 tại một cuộc thi về các sản phẩm trà của các nước được tổ chức ở Pháp, HTX của chị Vân vinh dự có 2 sản phẩm trà giành giải trong số 5 sản phẩm của Việt Nam tham dự và đạt giải tại cuộc thi đó.

Thái Nguyên: Người phụ nữ nâng tầm thương hiệu chè Văn Hán, đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài - Ảnh 5.

Các sản phẩm trà của HTX Thái Minh đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Ảnh: Hà Thanh

Sản phẩm chè của HTX đa dạng về mẫu mã, chủng loại, trong đó có các dòng sản phẩm chính là trà móc câu, trà tôm nõn, trà đinh và các dòng trà ướp hoa mộc, hoa nhài, hoa sói, hoa bưởi… Trong các dòng sản phẩm đó, dòng trà đinh là có giá thành cao nhất, hiện được HTX bán giá 5 triệu đồng/kg với sản lượng trên 100kg/năm. Còn lại dòng sản phẩm thông dụng nhất và được bán nhiều nhất có giá dao động từ 250.000 – 650.000đ/kg.

Thái Nguyên: Người phụ nữ nâng tầm thương hiệu chè Văn Hán, đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài - Ảnh 6.

Các dòng trà ướp hoa của HTX được bán ra thị trường với số lượng lớn. Ảnh: Hà Thanh

Chị Vân cho biết, năm 2022, sản lượng trà của HTX bán ra thị trường khoảng 12 – 15 tấn, với doanh thu từ 5 – 6 tỷ, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 2 tỷ đồng.  

Thái Nguyên: Người phụ nữ nâng tầm thương hiệu chè Văn Hán, đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài - Ảnh 7.

Đến nay, các sản phẩm của HTX Thái Minh đã có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều khách hàng biết đến. Ảnh: Hà Thanh

Thuận lợi của HTX là chị Vân thành lập doanh nghiệp trước khi thành lập HTX, do đó thị trường tiêu thụ sản phẩm đã cơ bản ổn định. Chính vì lý do đó, sau khi thành lập HTX chị Vân không gặp phải khó khăn để tìm đầu ra cho sản phẩm. Tính đến thời điểm này, thị trường tiêu thụ sản phẩm của HTX chủ yếu xuất bán đi Hà Nội, Sài Gòn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam, Đà Nẵng.  

Khi thị trường trong nước đã ổn định, chị Vân định hướng sẽ tiếp tục mở rộng thêm đại lý ở các tỉnh và vươn ra thị trường nước ngoài, đồng thời đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị ở các nước.

Với kinh nghiệm làm chè lâu năm, chị Vân quan điểm để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường không có cách nào khác là đổi mới cách thức chăm sóc, chế biến để tạo sự khác biệt trong hương vị chè của từng vùng. Đồng thời, giữ sự ổn định về giá thành sản phẩm qua từng thời điểm. Chỉ có như vậy mới có thể cạnh tranh được với sản phẩm chè của những thương hiệu nổi tiếng đã có từ lâu.

Theo Danviet.vn