Giảm nghèo từ chuỗi giá trị bền vững

|

Từng triển khai nhiều mô hình giảm nghèo nhưng do người dân vẫn sản xuất rời rạc nên không giúp mục tiêu giảm nghèo của Thanh Hóa đạt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỉnh đã rút kinh nghiệm để vận dụng các chính sách giảm nghèo một cách phù hợp, giúp người dân khai thác được thế mạnh và hình thành những chuỗi giá trị bền vững thông qua HTX.

Từ năm 2016 - 2020, tại 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã có 206 mô hình giảm nghèo nhưng chỉ mang lại hiệu quả trong thời gian đầu.

Bài học từ... thất bại

Như tại huyện Bá Thước, trong giai đoạn 2018-2020, chính quyền địa phương đã triển khai và hỗ trợ người dân về giống cây trồng, vật nuôi để thực hiện các mô hình phát triển sản xuất theo quy mô hộ gia đình. Tuy nhiên, nhiều mô hình chăn nuôi chỉ mang lại hiệu quả ban đầu do gặp nhiều khó khăn trong nguồn vốn, mở rộng con giống, kỹ thuật…

Xã Ái Thượng (huyện Bá Thước) là một ví dụ điển hình. Thống kê cho thấy, các mô hình hỗ trợ chăn nuôi bò, lợn, trâu chỉ còn khoảng 30-40% mô hình còn duy trì.

Tương tự như tại huyện Lang Chánh, từ năm 2016-2020, chính quyền địa phương cũng triển khai hỗ trợ người dân các mô hình trồng dược liệu, lâm nghiệp… nhưng vấn đề đặt ra là người dân không liên kết được với doanh nghiệp, hoặc liên kết nhưng bị phá bỏ hợp đồng. Quá trình áp dụng khoa học kỹ thuật không đồng bộ, nhiều hộ dân lại tự ý mở rộng diện tích cây dược liệu… nên đầu ra khó khăn.

Theo tính toán, diện tích trồng dược liệu ở xã Đồng Lương (Lang Chánh) ban đầu mang lại thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha, cao hơn hẳn trồng keo, sắn. Tuy nhiên, do không có quy hoạch rõ ràng, việc người dân tự tăng diện tích đi đôi với đầu ra bấp bênh khiến dược liệu mất giá. Chính vì vậy mà đến cuối năm 2019, cây dược liệu đã bị người dân phá bỏ để chuyển sang trồng keo, xoan.

Mô hình hỗ trợ 38 hộ nghèo trong huyện Lang Chánh 108 còn dê vào năm 2018 cũng rơi vào cảnh tương tự. Do chỉ chú trọng hỗ trợ người dân còn giống, chưa chú trọng về kỹ thuật trong khi dê là loại vật nuôi mới, khó nuôi nên chỉ sau một năm, gần 50 con dê của các hộ được hỗ trợ bị chết. Vấn đề nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân từ mô hình này cũng được đánh giá là không thực sự mang lại hiệu quả.

Nhiều HTX ở Thanh Hóa đã liên kết với doanh nghiệp để tạo thành chuỗi, từ đó giúp người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Từ những mô hình trên, các cơ quan quản lý ở Thanh Hóa đã nhận thấy người nghèo thường thiếu nhiều nguồn lực, bị rơi vào vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói và thiếu nguồn lực nên khó thoát được nghèo.

Các chính sách hỗ trợ của địa phương tuy đã có, thậm chí có nhiều nhưng chưa khắc phục được những khó khăn mà các hộ nghèo đang cần. Trong khi điều kiện tự nhiên ở Thanh Hóa khá khắc nghiệt, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, các mô hình hỗ trợ người dân phát triển sản xuất còn nửa vời, nhỏ lẻ chưa kết nối được các hộ sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa. Các địa phương cũng chưa tận dụng được thế mạnh của mô hình kinh tế tập thể, HTX nên vấn đề đầu vào và đầu ra trong sản xuất của các hộ dân còn bấp bênh. Chính vì vậy mà thu nhập của người dân không được nâng cao.

Phát huy tiềm năng thế mạnh

Trước thực trạng trên, từ năm 2020, Thanh Hóa đã đẩy mạnh giảm nghèo thông qua phát triển kinh tế hàng hóa, tái cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, chú trọng phát triển và hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các tổ hợp tác, HTX.

Đi liền với đó, chính quyền địa phương cũng xem xét thế mạnh của từng xã để chọn lựa, xây dựng những mô hình HTX điểm để từng bước nhân rộng.

Tiêu biểu như HTX dịch vụ Toàn Năng ( Trường Xuân, Thọ Xuân) bên cạnh việc cung ứng các khâu dịch vụ khép kín cho hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn, HTX đã triển khai hợp tác với nông dân phát triển 218 ha lúa giống liên kết với các doanh nghiệp.

Nhờ đó, thu nhập khi sản xuất lúa giống cho hiệu quả kinh tế cao hơn 30% so với sản xuất lúa thương phẩm truyền thống. Ngoài ra, HTX còn hợp tác với các doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm 118 ha ngô ngọt, 20 ha dưa chuột, 35 ha ớt, 5 ha khoai tây và nhiều loại rau màu khác... HTX cũng đầu tư các loại máy làm đất, máy sấy, máy cấy công suất lớn để hỗ trợ người dân sản xuất theo mô hình kinh tế hàng hóa.

Hay như HTX dịch vụ nông nghiệp xã Thiệu Hưng (Thiệu Hóa) đã chú trọng nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn. Trong đó, các mô hình liên kết sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm với diện tích mỗi vụ hàng trăm ha, diện tích sản xuất rau an toàn gần 17 ha bảo đảm đạt theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ngoài ra, HTX còn phối hợp với doanh nghiệp thực hiện chuyển giao kỹ thuật trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới cho doanh thu tới hơn 2 tỷ đồng/năm. Từ hiệu quả của mô hình, đến nay, HTX đã nhân rộng diện tích trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu trong nhà kính lên 2,6 ha. Nhiều hộ gia đình đã nâng cao thu nhập.

Có thể thấy, các mô hình HTX hoạt động hiệu quả đang tạo sinh kế với giá trị hàng hóa bền vững, góp phần tăng nguồn thu nhập cho người dân, nhất là các hộ nghèo. Đặc biệt, khi tham gia HTX, ý thức trách nhiệm phát triển sản xuất của người dân được nâng cao, triệt tiêu tư tưởng ỷ lại, nêu cao ý thức vươn lên thoát nghèo bền vững cho bà con.

Chỉ tính riêng năm 2022, Thanh Hóa đã giảm gần 17.800 hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo từ 6,77% năm 2021 giảm xuống còn 4,99% cuối năm 2022, vượt 0,29% so với kế hoạch.

Tỉnh đang phấn đấu tiếp tục mở rộng các mô hình trồng và sản xuất cây dược liệu, lâm nghiệp… khuyến khích người dân thành lập và tham gia các mô hình HTX kiểu mới để hướng tới năm 2030 không còn huyện nghèo.

Theo VN Business