Giữ lửa làng nghề đúc đồng Phú Lộc
“Cha truyền con nối”
Theo lời giới thiệu của người dân địa phương, vào một ngày cuối tuần, chúng tôi tìm đến nhà ông Biện Cư (73 tuổi, có thâm niên 54 năm làm nghề đúc đồng, một trong những gia đình có bề dày truyền thống làm nghề đúc đồng ở làng qua nhiều thế hệ). Ngay từ đầu ngõ, chúng tôi đã nghe âm thanh của máy mài sản phẩm. Khi chúng tôi tới, ông đang tất bật hoàn thành lô hàng 1.000 chiếc chuông đồng nhỏ cho khách hàng. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang được xây dựng bằng chính nguồn thu nhập tích góp từ nghề đúc đồng, ông Cư tự hào kể về sự truyền nghề của các thế hệ trong gia đình.
Ông Biện Cư thực hiện công đoạn làm sạch sản phẩm. |
Năm 16 tuổi, ông Cư bắt đầu làm quen với những công đoạn đơn giản của nghề đúc đồng, như: Mài, đánh bóng sản phẩm… Ông không biết chính xác nghề đúc đồng có từ bao giờ, nhưng từ thời ông nội của ông đã làm nghề đúc đồng đến nay đã 5 đời. Hiện nay, những người cháu của ông đang trong giai đoạn tiếp cận và biết làm những công đoạn đơn giản. Theo ông Cư, để cho ra một sản phẩm bằng đồng hoàn chỉnh phải trải qua ít nhất 6 công đoạn, người thợ phải làm hoàn toàn bằng thủ công. Mỗi sản phẩm hoàn chỉnh không chỉ chứa sự tinh tế của người thợ mà còn là niềm tự hào của một làng nghề truyền thống. Vì thế, ông vẫn luôn nhắc nhở con, cháu phải học tính cẩn thận, tỉ mỉ, bởi mỗi sản phẩm bán ra thị trường là uy tín của làng nghề.
Làm quen với nghề từ năm 17 tuổi, đến nay, anh Biện Huỳnh Anh Tuyên (sinh năm 1974, con trai ông Cư) đã thành thạo và tiếp thu được các tinh hoa của nghề đúc đồng do cha truyền dạy. Theo anh Tuyên, tuy sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề đúc đồng nhưng để làm được một số công đoạn của sản phẩm, anh cũng phải mất 3 - 4 năm theo học. Giờ đây, tuy đã thành thạo nhưng anh vẫn không ngừng nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm ngày càng tinh xảo hơn. Bên cạnh đó, anh cũng đang kiên trì truyền dạy kinh nghiệm của mình cho các thành viên trẻ trong gia đình. Hiện nay, gia đình ông Cư có 3 người con và 4 cháu trai theo nghề, nhỏ tuổi nhất là Biện Quốc Phú Bảo và Biện Hoàng (17 tuổi). Tuy đã có những người con, cháu tiếp cận với nghề nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, ông Cư vẫn đau đáu câu chuyện làm thế nào để giữ lửa nghề và truyền được niềm đam mê, nhiệt huyết cho thế hệ trẻ trong làng.
Cần hướng đi để phát triển làng nghề
Ông Nguyễn Văn Nhường - Giám đốc Hợp tác xã Đúc Phú Lộc cho biết, chiếu theo sắc phong của vua Tự Đức thì làng nghề này không dưới 200 năm, dân làng cũng căn cứ vào sắc phong này xem như chứng nhận về ngày giỗ nghề. Theo đó, vào ngày 12 và 13-1 âm lịch hàng năm, những người trong làng sẽ tập trung đến nhà thờ tổ làm lễ. Hiện nay, làng nghề đúc đồng có khoảng 40 hộ làm nghề, trong đó có 8 hộ đúc chính, còn lại là gia công. Các lò đúc đồng hiện nay vẫn làm theo kiểu đổi công, nghĩa là khi nhà này nấu đồng thì nhà kia qua giúp và ngược lại, hoặc thuê thợ và trả công bằng sản phẩm. Những nhà không có vốn thì “ăn theo” nghề bằng cách gia công sản phẩm. Theo thời gian, mẫu mã sản phẩm ngày càng phong phú và đa dạng, nhất là các đồ thờ cúng bằng đồng. Nhờ vậy, hiện nay, sản phẩm đồng không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn được thị trường một số tỉnh, thành biết đến, như: Đắk Lắk, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh… Giá cả tùy vào từng sản phẩm. Hiện nay, một bộ đồ thờ 5 món (đèn, đài, trụ đồng, lư hương, bình bông) bán tại Hợp tác xã Đúc Phú Lộc có giá 4,5 - 5,5 triệu đồng, trọng lượng 10 - 15kg. Tuy nhiên, cũng có những bộ người dân đặt trực tiếp các nghệ nhân làm lên đến hàng chục triệu đồng tùy vào kích thước. Nhờ nhu cầu của thị trường ngày càng tăng nên kinh tế của các hộ dân làm nghề đúc đồng theo đó cũng ổn định hơn.
Những sản phẩm đồng được ông Nhường bày trí bắt mắt. |
Mặc dù vậy, những nghệ nhân cao tuổi vẫn không khỏi lo lắng vì nguy cơ làng nghề mai một là rất lớn, do hiện nay lớp trẻ không mấy mặn mà. Ông Trần Thiện (67 tuổi) cho biết, gia đình ông có mấy đời làm nghề đồng, thế nhưng đến thế hệ con ông lại không ai theo nghề. Bởi nghề này khá vất vả, nặng nhọc, trong khi thời gian học nghề khá dài. Đối với trẻ con trong làng, ngay từ nhỏ đã được tiếp xúc nhưng cũng phải mất 3 - 4 năm học nghề, còn những người “ngoại đạo” phải mất 6 - 7 năm mới có thể tự gia công được, nhưng cũng chỉ thành thạo một vài công đoạn. Hiện nay, nghệ nhân biết làm khuôn chỉ còn 8 người, trong đó có 6 thợ chính đã 55 tuổi trở lên, 2 người trẻ cũng hơn 45 tuổi.
Theo ông Nhường, bên cạnh những hạn chế nói trên, một trong những nguyên nhân chính khiến giới trẻ không mấy mặn mà đó là không nhìn thấy được chiều hướng phát triển của làng nghề. Tuy địa phương đã quan tâm bố trí đất để làng nghề xây dựng Nhà thờ tổ nhưng hiện nay, người dân vẫn sản xuất theo kiểu manh mún, mạnh ai nấy làm, nằm rải rác trong khu dân cư nên không dám đúc nhiều, vì ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của những hộ xung quanh.
“Với tuổi đời của các nghệ nhân như hiện nay, e rằng chỉ 5 - 10 năm nữa, nghề đúc đồng sẽ có nguy cơ mai một. Vì vậy, để giữ được làng nghề truyền thống, chúng tôi mong muốn, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện bố trí mặt bằng sản xuất tập trung nhằm mở rộng hoạt động, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của khu dân cư. Có như vậy, làng nghề mới phát triển đồng bộ, mở rộng sản xuất, lớp trẻ sẽ nhìn thấy tương lai tốt đẹp để theo nghề” - ông Nhường nói.
Theo Báo Khánh Hòa Online
- [26/11/2024] Khởi nghiệp trên đất quê hương
- [26/11/2024] 11 sản phẩm được đề nghị công nhận 4 sao OCOP
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [24/03/2023] Lựa chọn chứng nhận xã hội để tăng uy tín của HTX
- [24/03/2023] Nông sản Việt 'được' gắn mác ngoại: Nhìn từ câu chuyện quả thanh trà
- [24/03/2023] Nông nghiệp sạch lên ngôi, nông dân 'sống khỏe'
- [23/03/2023] Cam Lâm: Đề xuất điều chỉnh lộ trình xây dựng nông thôn mới
- [23/03/2023] Cần có quy định riêng về đất đai đối với Hợp tác xã