Gỡ khó cho sản phẩm OCOP
Chuẩn hóa tiêu chí đánh giá
Khánh Hòa có nhiều sản phẩm mang nét đặc trưng vùng miền được làm ra từ khu vực nông thôn. Từ những nông sản như: xoài, bưởi, sầu riêng… cho đến các món ăn dân dã hay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ… đang trở thành nguồn thu nhập chính ở khu vực nông thôn. Qua 3 năm triển khai chính thức trên địa bàn tỉnh, chương trình OCOP đã chuẩn hóa, nâng tầm các sản phẩm làm ra từ khu vực nông thôn.
Hội đồng OCOP tỉnh họp đánh giá, chấm điểm các sản phẩm OCOP 2021 |
Theo ông Huỳnh Quang Thành - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh có 44 sản phẩm của 30 chủ thể được UBND tỉnh công nhận và xếp hạng đạt từ 3 sao OCOP trở lên. Đây đều là những sản phẩm đã vượt qua được 26 chỉ tiêu khắt khe trong bộ tiêu chí đánh giá OCOP. Trong đó, các chủ thể sản xuất minh chứng được nguồn gốc nguyên liệu, chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất để đáp ứng các yêu cầu phân phối, liên kết sản xuất, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động địa phương, bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc….
Trầm cảnh mỹ nghệ của Hợp tác xã Trầm hương Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh) là sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021. |
Đơn cử như sản phẩm rong nho tách nước OKINAWA của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu D&T tại xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang) được công nhận 4 sao OCOP cấp tỉnh năm 2021. Sản phẩm được kiểm nghiệm minh chứng đảm bảo an toàn thực phẩm; nguyên liệu đầu vào được mua ở đâu, hình thức ra sao; kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm; nhật ký sản xuất; bao bì, nhãn mác đầy đủ thông tin theo quy định; có chứng nhận đăng ký mã số, mã vạch; đảm bảo truy xuất nguồn gốc; có hợp đồng lao động với công nhân; có xác nhận sử dụng lao động địa phương; có hợp đồng phân phối sản phẩm trong và ngoài nước...
Đề xuất chính sách hỗ trợ
Theo đánh giá của Tổ giúp việc Chương trình OCOP tỉnh, thông qua việc tham gia chương trình, các sản phẩm OCOP được xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chương trình nổi lên 2 nội dung cần sớm được tháo gỡ là số hóa dữ liệu đánh giá sản phẩm và xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ các chủ thể. Trước hết, đối với công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Hồ sơ tham gia đánh giá OCOP yêu cầu rất nhiều giấy tờ, chứng chỉ, minh chứng quy trình sản xuất khác nhau; trong khi hệ thống dữ liệu sản phẩm OCOP chưa được quản lý đồng bộ thống nhất, hồ sơ sản phẩm đang được lưu trữ phân tán, chưa có khả năng tra cứu, trích xuất thông tin... Mặt khác, giữa hội đồng đánh giá và chủ thể còn thiếu kênh kết nối trực tuyến nên việc hỗ trợ, giải đáp các thắc mắc về hồ sơ, cách thức nâng cao năng lực sản xuất, các cơ hội phát triển, hợp tác kinh doanh… cho các chủ thể chưa được kịp thời. Do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan thường trực của chương trình đã tham mưu UBND tỉnh xem xét, phê duyệt chủ trương cho phép thuê tư vấn xây dựng phần mềm đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP nhằm nâng cao chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm.
Thứ hai, đối với việc hỗ trợ các chủ thể, nhằm tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP một cách đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, cuối năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh về việc xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Nghị quyết này tập trung hỗ trợ chủ thể đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn theo quy định; kiểu dáng bao bì thuận tiện, hiện đại, phù hợp, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng; hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm trọng tâm là các sản phẩm chủ lực; góp phần nâng cao thu nhập, thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Nội dung hỗ trợ tập trung vào việc hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình các chi phí phục vụ cho: Kiểm nghiệm, phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, chỉ tiêu dinh dưỡng; thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch, tem điện tử (truy xuất nguồn gốc); đăng ký nhãn hiệu, đăng ký kiểu dáng công nghiệp; xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh….
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến giữa tháng 1-2022, dự thảo tờ trình xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 đã được UBND tỉnh góp ý, thống nhất. Hiện nay, UBND tỉnh đang hoàn tất hồ sơ trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.
Theo Báo Khánh Hòa
- [26/11/2024] Khởi nghiệp trên đất quê hương
- [26/11/2024] 11 sản phẩm được đề nghị công nhận 4 sao OCOP
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [09/02/2022] Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 40 nghìn tỷ đồng
- [09/02/2022] Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- [04/01/2022] Sản lượng thủy sản đạt hơn 111,4 nghìn tấn
- [28/12/2021] Đề nghị công nhận 19 sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021
- [27/12/2021] Hợp tác xã trồng rau tuân thủ nguyên tắc '7 không'