Hài hòa lợi ích trong chuỗi giá trị nông sản

|

Việc liên kết, hợp tác giữa HTX và doanh nghiệp để bao tiêu nông sản đang chứng minh những hiệu quả trong việc hỗ trợ người dân sản xuất. Tuy nhiên vẫn còn đó những bất cập và lỏng lẻo trong chuỗi liên kết này nên rất cần có những quy định rõ ràng để phát huy hiệu quả của chuỗi và bảo đảm lợi ích giữa các bên, đặc biệt là giảm thiệt hại cho người dân, HTX.

Mặc dù Công ty Cổ phần Lương thực A An (thuộc Tập đoàn Tân Long) ngày 1/12 có thông báo tiếp tục thu mua lúa vụ Thu Đông 2022 và có phương án hỗ trợ đối với các hộ nông dân chịu thiệt hại trong thời gian chưa được thu mua lúa từ ngày 25/11 đến ngày 30/11 tại 3 HTX Dân Phát, HTX Hòa Phát, HTX Ông Đuông theo hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đã ký kết tại xã Bạch Biển Đông và xã Tân Bằng (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Thế nhưng, sự việc chậm thu mua lúa của doanh nghiệp này với người dân, HTX cũng cho thấy những bất cập trong liên kết.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Dù người dân - HTX - doanh nghiệp đã liên kết theo hợp đồng sản xuất, bao tiêu nông sản và hợp đồng có quy định rõ số lượng, chất lượng, quy trình sản xuất của nông sản, cơ chế thưởng phạt giữa hai bên. Nhưng khi phân tích vẫn thấy mối liên kết này còn tiềm ẩn những rủi ro nhất định khi người sản xuất hoặc nhà bao tiêu không tuân thủ hợp đồng mà vì lợi ích riêng khi có biến động thị trường.

Chẳng hạn, dù đã ký hợp đồng nhưng bên trực tiếp sản xuất vẫn có thể bán nông sản cho người mua khác nếu có giá cao hơn. Còn phía nhà bao tiêu vẫn có thể bỏ rơi người sản xuất khi giá xuống thấp hoặc chậm thu mua làm ảnh hưởng đến chất lượng nông sản.

Nhìn tự sự việc của công ty A An và các HTX tại Cà Mau, có ý kiến cho rằng ngoài những rủi ro khi các bên không tuân thủ hợp đồng thì cũng có những rủi ro do quá cứng nhắc, thiếu linh động của bên bao tiêu khi bám chặt vào các điều kiện ràng buộc của hợp đồng mà chưa tính đến những tác động khách quan mà trong hợp đồng có thể chưa tính đến như thời tiết, địa hình, dịch bệnh, công tác điều phối, đánh giá chất lượng nông sản giữa hai bên chưa chặt chẽ… Điều này ảnh hưởng ngay lập tức đến bên trực tiếp sản xuất.

Người dân, HTX vẫn gặp khó khăn, rủi ro trong bao tiêu nông sản dù đã ký hợp đồng với doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, trong hình thức liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ nông sản, HTX đóng vai trò quan trọng trong 2 khâu là tổ chức thành viên, người dân sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng. Đồng thời HTX liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản cho thành viên, người dân.

Hình thức liên kết này khá phổ biến ở những chuỗi nông sản xuất khẩu, nơi mà doanh nghiệp có nhu cầu về nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tiêu biểu như mô hình của HTX Hàm Minh 30 (Bình Thuận) đang tổ chức sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP để bán cho doanh nghiệp liên kết bao tiêu tại TP HCM xuất khẩu đi châu Âu. Mô hình này đem lại thu nhập cao hơn 35% so với hộ sản xuất không có chứng nhận và cao hơn 21% so với hộ đạt chứng nhận VietGAP.

Điều này chứng minh nếu sản xuất theo chuỗi, chất lượng nhiều loại nông sản của HTX sẽ ngày càng cao và tạo được vị thế quan trọng với người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lợi ích cần rõ ràng

Tuy nhiên, mối liên kết này đến nay vẫn khó phát triển, mở rộng bởi còn có những khó khăn trong phân chia lợi nhuận trong chuỗi giá trị sản xuất. Điều này khiến người dân, HTX sản xuất nông sản ngay lập tức bị thua thiệt về lợi nhuận.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, việc đầu tiên là nên xem xét việc luật hóa về sự phân chia lợi nhuận trong chuỗi giá trị sản xuất – bao tiêu nông sản, thực phẩm để vừa bảo đảm quyền lợi giữa các bên, vừa giúp người dân, HTX có thêm động lực đưa ra thị trường các sản phẩm giá trị cao.

Các nghiên cứu cho thấy lợi nhuận của các HTX sản xuất nông nghiệp đạt dưới 20% vì chi phí chứng nhận lớn và phải đảm bảo không vi phạm một tiêu chuẩn nào trong sản xuất để bảo đảm chất lượng bao tiêu. Đó là chưa kể, có HTX sản xuất còn gánh thêm các chi phí khác, như bị đơn vị bao tiêu chiếm dụng vốn 25 - 30 ngày, thậm chí trong 2 - 3 tháng. Như vậy, bản thân HTX không có lợi nhuận, từ đó không có động lực để hợp tác, liên kết.

Nguyên nhân của tình trạng này là các hợp đồng liên kết chưa có sự luật hóa rõ ràng nên chưa tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh công bằng, minh bạch.

Theo chuyên các chuyên gia, cơ quan quản lý có thể học hỏi mô hình kinh doanh một số nước để bảo đảm quyền lợi cho người nông dân, HTX từ đó thúc đẩy chất lượng nông sản của Việt Nam.

Cụ thể là Hàn Quốc đã có quy định rõ ràng cho các sàn giao dịch nông sản, giá cả hàng hóa được công khai, minh bạch, không có hiện tượng ép giá, ép chiết khấu. Hay tại Thái Lan đã có quy định cụ thể. Ngay trong chuỗi mía đường, pháp luật nước này quy định lợi nhuận sau thuế của một kg mía đường được bán ra, người nông dân sẽ được hưởng 70%, các khâu trung gian chỉ được được 30%.

Từ thực tế trên cho thấy, nếu toàn bộ chuỗi liên kết được phân phối, quy định lợi ích một cách công bằng, rõ ràng thì sẽ phần nào hạn chế được những rủi ro như hiện nay cho các HTX.

Theo VN Business