Hiệu quả mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao
Tiêu biểu như các mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội đang mở ra hướng phát triển mới cho nông nghiệp của địa phương.
Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ các giống dưa lưới, năm 2019 anh Trương Quang Bôn (xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn) đầu tư xây dựng trang trại PT Farm rộng 1 ha trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Bôn cho biết, chi phí đầu tư ban đầu trồng 1 sào (1.000 m2) dưa lưới trong nhà màng từ 400 - 500 triệu đồng. Hiện tại, trang trại trồng hai giống dưa lưới TL3 và ML 238, bình quân 1 sào trồng khoảng 3.000 chậu dưa lưới, mỗi cây dưa lưới được trồng riêng trong từng chậu với giá thể xơ dừa đã qua xử lý đặt trên mặt đất có bạt lót vệ sinh môi trường.
Để cây dưa lưới phát triển đồng đều, nguồn nước, phân bón đều được chuyển qua hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel đến từng gốc dưa, đáp ứng từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới. Vào thời điểm dưa lưới đơm hoa, các công nhân đưa hàng nghìn con ong ruồi vào thụ phấn, sau khi thụ phấn mỗi cây chỉ giữ lại một quả để nuôi và thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh để cây tập trung chất dinh dưỡng vào nuôi quả cũng như phòng tránh dịch bệnh.
Anh Bôn chia sẻ, trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao giúp tiết kiệm được nước tưới, ít sử dụng nhân công, có thể trồng quanh năm mà không sợ mưa hay yếu tố bất lợi của thời tiết. Nhà màng giúp che chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập nên dưa lớn nhanh, giúp quả có vân lưới đẹp, độ lớn đồng đều. Trang trại chỉ sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ chăm sóc nên sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.
Dưa lưới từ lúc trồng đến khi quả đạt trọng lượng từ 1,4 - 1,8 kg bắt đầu thu hoạch, một vụ sản xuất dưa lưới kéo dài khoảng 60 - 70 ngày, sản xuất được 3 - 4 vụ/năm. Mỗi sào dưa lưới cho thu hoạch khoảng 3,5 tấn quả, với giá bán bình quân 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư trang trại có lãi khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Hiện sản phẩm dưa lưới được các cửa hàng, siêu thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Đánh giá về mô hình trồng dưa lưới, ông Đoàn Nhật Vương, Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn cho biết, trang trại của anh Bôn là một trong những mô hình đầu tiên trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại địa phương. Qua đánh giá, cây dưa lưới phát triển rất tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đây là một trong những mô hình để các hộ, đơn vị tham khảo, học hỏi kinh nghiệm.
Hiện nay, trên địa bàn xã đã nhân rộng trên 10 ha trồng cây dưa lưới, trong định hướng nâng cao hiệu quả sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, địa phương sẽ tạo điều kiện, tập trung kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp chuyển giao, liên kết phát triển mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Trong những năm gần đây, nhiều hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư, phát triển mô hình trồng dưa lưới theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao với diện tích từ vài sào cho đến hả hecta như các mô hình trang trại dưa lưới Văn Bảo, Sun & Wind Farm (Trang trại Nắng và Gió); trang trại Trang trại Danny Green Organic Ninh Thuận, Công ty TNHH Fara Farm, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh…
Các giống dưa lưới được trồng chủ yếu là các giống dưa lưới của Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia... Do được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nên sản phẩm dưa lưới rất được thị trường đón nhận, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ gia đình, trang trại sản xuất.
Qua chia sẻ kinh nghiệm của các hộ, đơn vị sản xuất, trồng dưa lưới theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu tương đối cao, người trồng phải biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất với quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, trồng cây, chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cho đến lúc thu hoạch sản phẩm.
Nhưng bù lại cây dưa lưới có thời gian sinh trưởng tương đối ngắn, có thể canh tác 3 - 4 vụ/năm, với giá bán bình quân 35.000 - 50.000 đồng/kg tùy theo giống dưa và sản lượng khá ổn định nên khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu tương đối nhanh.
Theo ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, việc đầu tư mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao đã và đang tạo ra bước đột phá trong áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất tại các địa phương, tránh những yếu tố bất lợi do thời tiết, giúp tăng năng suất, chất lượng và sản lượng cây trồng. Dưa lưới là sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ rộng.
Thời gian tới, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phối hợp cùng các địa phương tăng cường huy động các nguồn lực, dự án hỗ trợ phát triển, nhân rộng mô hình trồng cây dưa lưới và một số loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao khác.
Đồng thời, các đơn vị đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, tạo điều kiện giúp các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm dưa lưới của Ninh Thuận, kết hợp phát triển tour tham quan trang trại dưa lưới để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất.
Theo TTXVN
- [26/11/2024] Khởi nghiệp trên đất quê hương
- [26/11/2024] 11 sản phẩm được đề nghị công nhận 4 sao OCOP
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [04/08/2022] Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề xuất giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã
- [04/08/2022] Khơi thông chính sách hỗ trợ hợp tác xã
- [04/08/2022] Sửa đổi Luật Hợp tác xã tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác
- [27/07/2022] Khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai
- [27/07/2022] Liên minh HTX Việt Nam gửi thư tri ân nhân ngày Thương binh, liệt sĩ