Hợp tác xã khó tiếp cận vốn ngân hàng
Không đủ điều kiện vay vốn
Thời gian qua, sản phẩm gạo Ngọc Quang của HTX Nông nghiệp 1 Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa) đã dần được thị trường đón nhận, góp phần mang lại lợi nhuận cho các thành viên HTX. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, HTX đã tính đến việc mở rộng quy mô sản xuất giống lúa chất lượng cao và thu mua, tích trữ gạo của xã viên. Tuy nhiên, theo ông Lương Công Vân - Giám đốc HTX Nông nghiệp 1 Ninh Quang, đây là bài toán khó của HTX trong tình hình hiện nay, bởi nguồn vốn do các xã viên đóng góp rất ít, không đủ đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, HTX không tiếp cận được vốn vay của ngân hàng do không có tài sản thế chấp.
Đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Ninh Quang (thứ 4 từ phải qua) giới thiệu về sản phẩm gạo Ngọc Quang. Ảnh: C.Định |
Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh cũng có nhu cầu vay nhưng không tiếp cận được vốn tín dụng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, tính đến đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 158 HTX và Liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, ngành nghề muối, ngư nghiệp, xây dựng, vận tải, thủ công mỹ nghệ... Tuy nhiên, chỉ có 9 HTX vay được vốn ngân hàng với doanh số vay 406,63 tỷ đồng, dư nợ 63,7 tỷ đồng, chiếm 0,05% tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh. Nguyên nhân lớn nhất của tình trạng này là các HTX không có tài sản thế chấp. Các HTX thiếu vốn điều lệ, trong khi xã viên gia nhập HTX và góp vốn bằng tài sản nhưng dưới hình thức tự quản lý, sử dụng, tự sản xuất và tiêu thụ. Đất của các HTX do Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất nên cũng không được sử dụng làm tài sản thế chấp. Hầu hết tài sản góp vốn là tài sản của cá nhân các thành viên ban quản trị hoặc xã viên nhưng các cá nhân này không chấp nhận bảo lãnh cho HTX vay vốn. Số ít HTX có xây dựng phương án kinh doanh nhưng không khả thi, hiệu quả; sổ sách kế toán không rõ ràng, không đáp ứng các điều kiện để được vay vốn không đảm bảo tài sản theo quy định. Do đó, các ngân hàng cũng không mạnh dạn cho vay.
Cần sự tham gia của tổ chức bảo hiểm
Ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, hiện nay, dư nợ cho vay đối với các HTX còn quá thấp. Các HTX có đủ điều kiện vay vốn, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả đều được ngân hàng giải quyết cho vay. Các trường hợp ngân hàng từ chối cho vay chủ yếu là do khách hàng không đủ các điều kiện, dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh chưa có tính khả thi và hiệu quả… Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận và cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn, tạo điều kiện để các HTX được thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê nhằm đáp ứng yêu cầu về tài sản thế chấp khi phát sinh nhu cầu vay vốn. Đơn vị cũng tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm thúc đẩy triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Kết quả có 4 ngân hàng đã ký cam kết tài trợ vốn cho 9 doanh nghiệp, hộ gia đình và tổ hợp tác với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng.
Theo đại diện một số ngân hàng, để các HTX thuận lợi hơn khi tiếp cận vốn vay tín dụng cần có sự tham gia của tổ chức bảo hiểm nông nghiệp. Trên thực tế, Chính phủ đã có Nghị định số 55/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó khuyến khích khách hàng vay vốn tham gia mua bảo hiểm đối với đối tượng sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh chưa có tổ chức bảo hiểm triển khai bán bảo hiểm cho khách hàng sản xuất nông nghiệp, bởi đây là thị trường dễ gặp rủi ro do những biến động của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, mức phí bảo hiểm nông nghiệp không cao, trong khi thiên tai thường xuyên xảy ra. Vì vậy, để phát triển thị trường bảo hiểm, khuyến khích các tổ chức bảo hiểm tham gia lĩnh vực nông nghiệp, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất ổn định và lâu dài, Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, như: Giảm thuế, hỗ trợ phí mua bảo hiểm rủi ro cho nông dân… Bên cạnh đó, các HTX cần xây dựng và phát triển những mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với HTX và nông dân trong sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động, nhất là hoạt động tài chính của HTX để đáp ứng điều kiện được vay vốn không đảm bảo tài sản theo quy định.
Theo Báo Khánh Hòa
- [26/11/2024] Khởi nghiệp trên đất quê hương
- [26/11/2024] 11 sản phẩm được đề nghị công nhận 4 sao OCOP
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [30/03/2023] NHNN yêu cầu đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%
- [30/03/2023] Bảo hiểm xã hội thị xã Ninh Hòa: Điểm sáng về phát triển đối tượng tham gia
- [30/03/2023] Khánh Sơn: Khởi công xây dựng các công trình trọng điểm của 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2023
- [27/03/2023] Trang trại Bồ câu Quốc Anh: Mô hình kinh tế hiệu quả
- [27/03/2023] Tiếp tục đề xuất đổi mới và đột phá cho dự thảo luật HTX sửa đổi: Cần giải quyết những bất cập và bất lợi cho HTX (Kỳ 2)