HTX 'bắt tay' doanh nghiệp, nông dân thu bạc triệu

|

Cái “bắt tay” giữa HTX và doanh nghiệp nhằm tạo nên những chuỗi giá trị sản xuất, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa, chính là chìa khóa để nông nghiệp chấm dứt điệp khúc “được mùa mất giá”, nâng cao đời sống nông dân.

Nhờ thay đổi tư duy sản xuất, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp thông qua “cầu nối” HTX, nhiều nông dân làm mô hình lúa tôm ở xã Trí Lực (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) không còn lo “được mùa dội chợ”, tự tin thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Hiệu quả từ liên kết

Trí Lực là một xã đặc thù vùng chiêm trũng, có lợi thế đặc biệt trong trồng lúa và nuôi tôm. Nếu trước đây, mạnh ai nấy làm, hiệu quả của mô hình không cao, thì nay nhờ sự đồng hành của HTX, doanh nghiệp, mô hình đang tạo khác biệt.

Chị Trương Thị Kiều Diễm, thành viên HTX lúa tôm Trí Lực, cho biết gia đình chị có 4 ha đất, trước đây chủ yếu canh tác mía, thu nhập vô cùng bấp bênh. Từ khi tham gia vào HTX, chị đổi đời với mô hình lúa tôm kết hợp.

Nhờ được chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất đến hỗ trợ đầu ra, hiện mỗi ha tôm lúa của gia đình chị Diễm cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

"Gia đình tôi làm tôm lúa mấy năm nay khỏe re. Trong quá trình canh tác, phát sinh dịch bệnh chỉ cần liên hệ HTX là có bộ phận kỹ thuật tư vấn ngay. Đặc biệt, chuyện mua bán không cần phải nghĩ nhiều. Lúa chín, tôm đến kỳ thu hoạch mình gọi điện cho HTX là có người đến tận đồng thu mua", chị Diễm chia sẻ.

Mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp mang lại giá trị thiết thực, tạo điểm tựa làm giàu cho nông dân.

Có thể thấy, HTX ra đời và hoạt động đúng hướng đã giải quyết vấn đề đầu ra sản phẩm tồn đọng nhiều năm nay trong nông dân. Người dân mạnh dạn vào HTX để được tham gia chuỗi liên kết và theo đó nông sản làm ra bán được giá tốt.

HTX Trí Lực hiện có 15 thành viên. Các thành viên sản xuất theo quy trình sạch để đảm bảo cho tôm phát triển tốt và lúa phát triển song song mà không sử dụng hóa chất, phân bón hóa học. Từ đó có được nguồn gạo sạch, chất lượng, đạt tiêu chuẩn.

Hàng năm, HTX cung ứng cho thị trường từ 5 đến 10 tấn gạo, với giá bán khá cao từ 25.000-30.000 đồng/kg, được khách hàng ưa chuộng. Từng hạt lúa, con tôm được doanh nghiệp liên kết của HTX thu mua với giá cao. Nông dân phấn khởi, chính quyền địa phương có điều kiện xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Ông Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX lúa tôm Trí Lực, cho biết: "Nhờ sự ủng hộ quyết liệt của UBND xã mà liên kết của chúng tôi không bị gãy như trước đây. Hiện tượng "được mùa mất giá" không còn xảy ra, nông dân rất phấn khởi".

Cần liên kết mạnh hơn

Nếu Cà Mau đang phát triển tốt mô hình lúa tôm với sự hiện diện của các liên kết HTX, doanh nghiệp, thì Đồng Nai lại đang là một trong những tỉnh đi đầu thực hiện hiệu quả việc triển khai cấp mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Với lợi thế có diện tích sầu riêng lớn, tỉnh đang thu hút nhiều HTX, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đặt vấn đề hợp tác với nông dân nhân rộng diện tích được cấp mã số vùng trồng để đáp ứng thị trường xuất khẩu.

Trong mục tiêu nhân rộng mã số vùng trồng sầu riêng cung cấp cho thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ các HTX, nông dân trồng sầu riêng thực hiện.

Bà Hoàng Thị Mỹ Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Hòa Hạnh (xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh) chia sẻ, hiện công ty có 3 nhà máy đóng gói, sơ chế sầu riêng xuất khẩu. Trong đó, chỉ tính riêng nhà máy ở TP.Long Khánh có công suất 150 tấn/ngày, thu mua khoảng 90 ngàn tấn sầu riêng/năm.

Doanh nghiệp đã xây dựng một đội ngũ kỹ thuật viên để hướng dẫn người dân làm mã số vùng trồng nhằm đảm bảo sản lượng sầu riêng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khó tính khác.

Thời gian tới, công ty rất mong chính quyền địa phương hỗ trợ cho doanh nghiệp, HTX, nông dân xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng bền vững tại địa phương.

Cũng giống như ở phía Nam, liên kết giữa HTX và doanh nghiệp cũng đang mở rộng ở phía Bắc. Đơn cử, kể từ năm 2021 đến nay, HTX Nông nghiệp Lam Điền đã bắt tay với công ty CP Nông nghiệp Gigaherbs (Chương Mỹ, Hà Nội) quy tụ nông dân, tập trung phát triển vùng nguyên liệu sạch để chế biến các sản phẩm trà và bột rau sấy lạnh.

Đến nay, vùng nguyên liệu do HTX Nông nghiệp Lam Điền và doanh nghiệp đã phối hợp cùng nông dân phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu trên quy mô hơn 1,3ha. Doanh nghiệp và HTX xây dựng quy trình sản xuất, tập huấn, hướng dẫn để bà con nông dân thực hiện canh tác theo tiêu chuẩn chất lượng.

Đặc biệt, toàn bộ sản lượng rau má, rau tía tô do bà con nông dân gieo trồng đều được doanh nghiệp thu mua tại ruộng, với mức giá ưu đãi cao hơn thị trường.

“Việc có đầu ra ổn định giúp chúng tôi yên tâm sản xuất trên chính mảnh đất của mình mà không phải lo lắng bất cứ điều gì”, bà Nguyễn Thị Túy, một nông dân ở thôn Lương Xá, huyện Chương Mỹ tham gia chuỗi liên kết cho hay.

Có thể thấy, việc hình thành liên kết giữa HTX và doanh nghiệp mang lại lợi ích thiết thực, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập, làm giàu cho nông dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mối liên kết này vẫn chưa thực sự mạnh.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), đến nay cả nước có khoảng 3.500 HTX thực hiện liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với doanh nghiệp.

Hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản mới được thực hiện chủ yếu ở các ngành hàng có quy mô sản xuất khá lớn như gạo, cá tra, thủy sản, còn riêng với ngành hàng rau củ quả đa phần vẫn thông qua thương lái.

Để phát huy các mô hình chuỗi liên kết giữa HTX và doanh nghiệp, theo chuyên gia, sẽ cần xây dựng hệ thống pháp lý có chế tài đủ mạnh để vừa bảo vệ doanh nghiệp, vừa bảo vệ được HTX và nông dân, đồng thời ràng buộc trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế chính sách ưu đãi cao hơn về tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp để thu hút HTX, doanh nghiệp đầu tư liên kết.

Theo VN Business