HTX cần tiếp cận chăn nuôi nhân đạo để tăng lợi thế xuất khẩu
Dù đang đứng trước nhiều thách thức về chi phí đầu tư và quá trình áp dụng các điều kiện vào chăn nuôi, nhưng phúc lợi động vật hay chăn nuôi nhân đạo vẫn được coi là một trong những hướng chăn nuôi bền vững mà các HTX cần hướng tới. Nhất là khi các HTX muốn phát triển theo chuỗi giá trị và đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch.
Thịt bò Úc, sữa Úc được nhiều người tiêu dùng, trong đó có cả người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao về chất lượng là bởi bò ở đất nước này được chăn nuôi theo Tiêu chuẩn và Hướng dẫn Phúc lợi Động vật. Các nhà nhà sản xuất thịt bò và sữa ở Úc yêu cầu các trang trại, HTX phải chăn nuôi theo tiêu chuẩn này mới thu mua thịt và sữa bò về chế biến.
Đắn đo đầu tư
Úc vốn là một thị trường mở, nhưng để có thể xuất khẩu sang đất nước này thì các HTX, doanh nghiệp Việt phải vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe trong sản xuất. Một phần là vì người tiêu dùng Úc luôn chú trọng sử dụng các sản phẩm chất lượng cao, một phần vì nhiều nước sẵn sàng đầu tư cho quy trình chăn chăn nuôi để thâm nhập vào Úc.
Chính vì vậy, muốn cạnh tranh với những nước này, buộc HTX, doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng chăn nuôi, trong đó có việc đảm bảo tiêu chuẩn chăn nuôi phúc lợi động vật. Dù là một chiếc bánh bao làm bằng nhân thịt, trứng nhưng nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn nhân đạo, không bảo đảm các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ cũng sẽ làm “mất lòng” đối tác.
Không chỉ Úc mà nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, EU và các nước theo Đạo hồi đều đã chú trọng đến vấn đề chăn nuôi phúc lợi động vật. Nhìn nhận ở trong nước có thể thấy, đã có những HTX bắt đầu có hình thức chăn nuôi theo hướng phúc lợi như: HTX chăn nuôi hữu cơ Thủy Xuân Tiên (Hà Nội), HTX nông nghiệp An Phú (Phú Thọ)… Tuy nhiên để thực sự đạt được chứng nhận chăn nuôi nhân đạo thì hiện chỉ có một số doanh nghiệp làm được.
Không nhốt vật nuôi vào những chuồng trại nhỏ hẹp là một trong những yêu cầu trong chăn nuôi nhân đạo. |
Lý do được một số HTX đưa ra là chi phí đầu tư cho chăn nuôi nhân đạo cao hơn từ 30%-40% so với chi phí đầu tư chăn nuôi theo kiểu công nghiệp. Bên cạnh đó, mức độ hiểu biết và nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn phúc lợi động vật mới chỉ có ở những nước phát triển, còn thị trường trong nước rất ít. Ngoài ra, các điều kiện để chăn nuôi nhân đạo cũng rất khắt khe, đòi hỏi kỹ thuật cao. Những điều này khiến các HTX băn khoăn, đắn đo trong đầu tư.
Ông Zơ Râm Đa, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp A Liêng (Quảng Nam) cho biết hiện chăn nuôi theo hướng nhân đạo cũng đòi hỏi nhiều điều kiện mới có thể hoàn thành một quy trình và hướng tới được cấp chứng nhận. HTX có thể đáp ứng được một số điều kiện về chăn nuôi, chăm sóc nhưng các điều kiện về giết mổ thì khó có thể hoàn thiện vì hiện công đoạn này đều làm thủ công.
Đi liền với đó, mức tiêu thụ sản phẩm nhân đạo ở Việt Nam chưa thực sự cao. Đặc biệt trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, không ít người tiêu dùng sẽ đặt vấn đề giá cả lên hàng đầu nên đầu ra cũng là vấn đề với HTX.
Ông Nguyễn Hữu Tuệ, Giám đốc HTX chăn nuôi Nguyễn Gia (Hưng Yên) lại cho rằng, quy định thức ăn chăn nuôi không có nguồn gốc động vật như xương lợn, lông gà... hiện rất khó hoàn thiện vì hiếm đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi nào ở Việt Nam làm được. Nếu có đơn vị làm thì giá cao khiến HTX khó phát triển sản xuất, nhất là trong điều kiện thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong thời gian gần đây.
Đón đầu thị trường?
Những băn khoăn của các HTX không phải là không có lý bởi chăn nuôi của Việt Nam thời gian qua luôn rơi vào khó khăn về đầu ra, giá cả chưa như mong đợi trong khi chi phí đầu vào luôn tăng cao, dịch bệnh diễn biến phức tạp...
Tuy nhiên, nếu cứ nhìn vào những thách thức mà không hướng về tương lai thì không chỉ các HTX mà toàn bộ ngành chăn nuôi cũng sẽ không vượt qua được những khó khăn nội tại. Đó là chưa kể các điều kiện, quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm của các quốc gia trên thế giới ngày càng cao và có nhiều thay đổi.
Trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm được chăn nuôi nhân đạo chưa thực sự rộng mở ở Việt Nam nhưng lại là một xu hướng mà nhiều tổ chức, quốc gia khuyến khích và đón nhận.
TS Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc cho rằng, một số HTX chăn nuôi theo hướng hữu cơ cũng đã có những yếu tố theo hướng phúc lợi sẽ là tiền đề tốt để phát triển theo quy trình chăn nuôi nhân đạo. Và cũng giống như việc đạt các tiêu chuẩn hữu cơ, sau khi đạt được tiêu chuẩn chăn nuôi nhân đạo, giá sản phẩm cũng sẽ cao hơn so với sản phẩm chăn nuôi thông thường.
Một điều đáng lưu ý là muốn tận dụng các hiệp định thương mại, hưởng lợi từ xuất khẩu thì việc chuyển đổi và định hướng chăn nuôi nhân đạo sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi, nhất là những mô hình đón đầu được xu hướng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng ngành chăn nuôi rất đa dạng nhưng trong các quy định pháp luật hiện nay mới chỉ tập trung đề cập đến các tiêu chí nhân đạo phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm mà chưa quan tâm nhiều đến lĩnh vực thủy sản. Điều này gây ra những khó khăn cho người dân, HTX trong quá trình tiếp cận và áp dụng thực hiện.
Theo VN Business
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [06/11/2024] HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI GIỮA LÃNH ĐẠO UBND TỈNH VỚI CÁC HTX TRÊN ĐỊA BÀN NĂM 2024
- [04/11/2024] Phát triển du lịch nông nghiệp tại Cam Lâm
- [14/02/2023] Giá nông sản thấp, HTX đứng ngồi không yên
- [14/02/2023] Khởi nghiệp từ mô hình HTX: 'Cái khó bó cái khôn'
- [10/02/2023] Nhiều sản phẩm OCOP chất lượng cao
- [07/02/2023] HTX chưa hết nỗi lo về đầu ra nông sản
- [06/02/2023] Đến năm 2030, có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp