HTX du lịch cần tiếp thêm nguồn lực
Cuối năm cũng là thời điểm các HTX du lịch bước vào cao điểm đón khách quốc tế và tiếp nhận sự phục hồi của thị trường nội địa. Vậy nhưng, các HTX du lịch lại đang trong cảnh thiếu vốn, khó tiếp cận tài chính để phục hồi và có những bứt phá trong thời gian tới.
Ông Lê Văn Tiến, Giám đốc HTX Làng Văn hóa Đông Bắc (Bắc Giang) cho biết từ nay đến hết tháng 12 là cao điểm mùa du lịch. Thông thường, điểm du lịch của HTX bố trí 8 nhân viên lễ tân, hướng dẫn viên nhưng dịp này, số lượng tăng gấp đôi mà vẫn quá tải.
“Chúng tôi hy vọng dịp này sẽ đón khoảng 20 nghìn lượt khách", ông Tiến nói.
Chính sách hỗ trợ còn mơ hồ
Sức hấp dẫn của du lịch cuối năm là điều không cần bàn nhiều, vì năm nay, dịch bệnh đã được kiểm soát. Tuy nhiên, điều cần quan tâm lúc này là làm sao không để các HTX đứng ngoài các gói hỗ trợ. Có như vậy, các HTX hoạt động trong lĩnh vực du lịch mới có thể phát huy hết nội lực và hướng đến sự chuyên nghiệp trong mắt du khách.
Dù cũng thuộc đối tượng được hưởng thụ một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước về tiền điện, thuế, phí… nhưng theo không ít HTX, các chính sách hỗ trợ này vẫn chung chung, chưa có một chính sách hỗ trợ được thiết kế riêng cho HTX ngành du lịch hoặc lĩnh vực du lịch. Trong khi những HTX này chịu nhiều tác động cả ở trong, sau dịch Covid-19 nhưng đều được nhận định có nhiều năng lực phục hồi để được hỗ trợ ưu tiên phát triển trở lại.
Chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, thiết thực để các HTX du lịch có thể tiếp cận thuận lợi hơn. |
Ngay như chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đã được Ngân hàng Nhà nước triển khai nhưng đến nay, việc tiếp cận của HTX vẫn khó, bởi các tiêu chí còn chưa cụ thể, khó xác định được đối tượng ưu đãi do có HTX ngoài làm du lịch còn phát triển các ngành nghề khác.
“Dù du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước, nhưng chính sách và cơ chế hỗ trợ cho các HTX hoạt động trong lĩnh vực này chưa thực sự rõ ràng, gần như bị đánh đồng với những ngành khác nên các HTX rất khó tiếp cận”, bà Lữ Thị Thuận, Giám đốc HTX du lịch bản Áng (xã Đông Sang, Mộc Châu, Sơn La) cho biết.
Bên cạnh chính sách về tín dụng, các HTX cho rằng, hiện nay dù là du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa… nhưng các hoạt động này đang thu hút rất đông khách quốc tế. Vậy nhưng chính sách visa mà Việt Nam đang áp dụng vẫn chưa linh hoạt, chưa tạo sức hút đối với khách quốc tế so với các nước khác. Việc này cũng ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi và phát triển sau dịch bệnh của các HTX, bởi lượng khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm không như mong muốn.
Không để HTX "chìm" trong các gói hỗ trợ
Từ thực tế trên có thể thấy, HTX du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khá lớn nhưng chính sách hỗ trợ chưa khả quan, nguồn khách bị hạn chế bởi nút thắt visa.
Kinh nghiệm ở các nước như Nhật Bản, Quốc… cho thấy, phát triển các dịch vụ du lịch theo mô hình HTX đang chiếm tỷ trọng lớn, có hiệu quả bền vững và đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội.
Còn xét về yếu tố vĩ mô, việc mở cửa du lịch có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế đất nước khi giúp tăng nguồn cung ngoại tệ, giảm sức ép lên tỷ giá.
Nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực du lịch, nhiều nước như Thái Lan và Singapore đã có những chính sách riêng phù hợp cho mô hình du lịch để kéo khách đến sau dịch bệnh và giúp các HTX, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vượt qua khó khăn, bắt kịp tốc độ hồi phục của thị trường.
Trong điều kiện hiện nay, hầu hết các HTX du lịch đều có quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn chế, lại bị ảnh dài bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, các HTX muốn đầu tư cho du lịch cần nhiều hạng mục có nguồn kinh phí lớn thì mới bảo đảm được sự chuyên nghiệp.
Vì thế, muốn nâng cao được hiệu quả từ mô hình du lịch, rất cần thiết kế tiêu chí riêng cho gói hỗ trợ ngành du lịch cũng như các HTX du lịch. Riêng đối với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, các HTX đều mong muốn được xem xét hỗ trợ lãi suất ngay mà không phải bổ sung thêm hồ sơ như danh mục yêu cầu hoặc giảm bớt hoạt động thanh tra, kiểm tra để HTX tập trung cho hoạt động kinh doanh, đón khách.
Ông Lê Văn Tiến, Giám đốc HTX Làng Văn hóa Đông Bắc cho biết các ngân hàng hiện nay cho rằng dòng tiền du lịch đi vào và đi ra nhanh với các chi phí thanh toán như book tour, đặt phòng, trả tiền phòng… nên chưa thật sự hấp dẫn ngân hàng giải ngân. Điều này khiến các HTX rất khó tiếp cận những khoản vay mới, trong khi thị trường đòi hỏi HTX phải đầu tư nhiều hơn, chỉn chu hơn.
Theo các chuyên gia, hiện nay, du lịch đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và kinh tế tập thể, HTX cũng được xác định là bộ phận quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, các HTX chuyên ngành du lịch hoặc hoạt động trong lĩnh vực du lịch hầu như vẫn phải tự vật lộn trở lại đường đua. Nếu có chính sách một cách cụ thể thì các HTX du lịch sẽ hoạt động chuyên nghiệp hơn, tốc độ hồi phục nhanh hơn. Và hiện đang là thời điểm lý tưởng để các HTX đầu tư cho du lịch nhằm phục hồi và tạo bứt phá, từ đó thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
Theo VN Business
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [06/11/2024] HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI GIỮA LÃNH ĐẠO UBND TỈNH VỚI CÁC HTX TRÊN ĐỊA BÀN NĂM 2024
- [04/11/2024] Phát triển du lịch nông nghiệp tại Cam Lâm
- [08/12/2022] Trao đổi về sửa đổi luật HTX: Qui định cần phải thực tế và phù hợp mới khả thi
- [07/12/2022] Tổ yến và khoai lang nhập khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
- [07/12/2022] Tập trung kiểm soát chất lượng thực phẩm nông lâm thủy sản
- [06/12/2022] Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khuyến cáo người dân không tự ý chặt cây trồng khác để chuyển sang sầu riêng, chanh leo
- [06/12/2022] Xuất khẩu sầu riêng và lời nhắc giữ chữ tín ở thị trường Trung Quốc