HTX đưa thực phẩm an toàn vào bếp ăn tập thể còn lắm gian nan

|

Nhu cầu thực phẩm an toàn của các bếp ăn công nghiệp, trường học là không nhỏ nhưng không ít HTX sản xuất thực phẩm đầu tư một cách bài bản, đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm lại rất khó cạnh tranh với các hộ sản xuất đơn lẻ, không bảo đảm tiêu chuẩn.

Dù chưa có kết luận chính thức từ cơ quan quản lý nhưng từ vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường iSchool Nha Trang khiến gần 700 học sinh nhập viện, trong đó có 1 học sinh tử vong, cho thấy, vi khuẩn có thể xâm nhập bất cứ lúc nào dù thực phẩm đã được nấu chín. Nếu quy trình cung cấp thực phẩm vào các bếp ăn công nghiệp trường học được thực hiện theo chuỗi giá trị với sự liên kết chặt chẽ giữa HTX-doanh nghiệp-cơ quan quản lý sẽ hạn chế được tình trạng ngộ độc thực phẩm.

Cung-cầu khó gặp nhau

Ngoài ra, khi làm tốt chuỗi cung ứng đầu vào sẽ giúp công tác phòng chống, bảo đảm chất lượng bữa ăn tập thể được kiểm soát ngay từ đầu thay vì cứ để sự việc xảy ra, cơ quan chức năng mới tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm.

Theo thống kê, cả nước hiện có hàng chục triệu học sinh ở các cấp học, 563 khu công nghiệp đã được quy hoạch, trong đó có 397 KCN đã thành lập. Điều này cho thấy, nhu cầu tiêu thụ các loại nông sản an toàn vào các bếp ăn tập thể, trường học là rất lớn.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của các HTX, việc đưa nông sản sạch vào các bếp ăn công nghiệp vẫn còn gặp không ít trở ngại. Cụ thể như HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc, xã Kim Long (Vĩnh Phúc) dù liên kết được với doanh nghiệp, trường học đưa nông sản vào các bếp ăn tập thể nhưng số lượng các bếp ăn này tiêu thụ nông sản an toàn cũng rất ít, chỉ khoảng 25% trên tổng số nông sản HTX sản xuất. Bên cạnh đó, mức giá đưa vào các bếp ăn này cũng chỉ nhỉnh hơn giá rau thông thường một chút nên chưa cho thấy tính hiệu quả trong mối liên kết.

Trong khi, để đưa nông sản được vào trường học, bếp ăn công nghiệp, rau của HTX phải được chứng nhận an toàn, ngoài ra, HTX còn phải đầu tư hệ thống sơ chế, xe lạnh để vận chuyển. Trong khi đó, HTX phải cạnh tranh về giá so với những hộ sản xuất nhỏ lẻ, không bảo đảm quy trình là rất khó.

Bởi để có được giá rẻ trong trường hợp này không phải là do các hộ nhỏ lẻ áp dụng quy trình sản xuất an toàn mà rẻ là vì các hộ này không đáp ứng, không đầu tư cho quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ sản xuất, sơ chế, bảo quản, vận chuyển. Điều này gây ra tình trạng lẫn lộn giữa thực phẩm truy xuất nguồn gốc với thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để đưa vào các bếp ăn công nghiệp, trường học. Trong khi hầu hết các bếp ăn hiện nay đều ưu tiên lựa chọn những thực phẩm giá rẻ. Và ngay sản phẩm đông lạnh, nhập khẩu cũng có giá rẻ hơn nông sản của nhiều HTX làm ra.

Vẫn còn ít HTX liên kết được với các bếp ăn tập thể.

Mặt khác, nhiều bếp ăn tập thể còn đặt hàng mua sản phẩm qua các đơn vị trung gian, chưa chú trọng kết nối trực tiếp với các đơn vị trực tiếp sản xuất. Do vậy, nhiều loại nông sản, thực phẩm an toàn của các HTX còn gặp khó trong tiếp cận các bếp ăn tập thể.

Thống kê hiện nay cho thấy, cả nước đã xây dựng và phát triển 1.642 chuỗi liên kết nông sản an toàn thực phẩm. Trong số các chuỗi trên mới có sự tham gia của trên 300 doanh nghiệp, 150 HTX. Theo đánh giá chung, đến nay khoảng 70% số HTX chưa tham gia tiêu thụ nông sản theo chuỗi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phần lớn HTX chưa thể đưa nông sản, thực phẩm vào các trường học, bếp ăn công nghiệp.

Đại diện các HTX cho rằng, với số lượng trường học, khu công nghiệp như hiện nay, nếu các bếp ăn tập thể của những đơn vị này đều sử dụng thực phẩm an toàn, chú trọng liên kết với các mô hình kinh tế tập thể thì các HTX sẽ vơi bớt đi nỗi lo đầu ra cho sản phẩm và cũng bảo đảm được chất lượng bữa ăn tập thể. Tuy nhiên, hiện số lượng đơn vị quan tâm đến nông sản an toàn truy xuất được nguồn gốc vẫn còn khiêm tốn.

Thực tế đã có không ít HTX đã chào hàng ở các trường học, khu công nghiệp nhưng đã xảy ra tình trạng người đứng đầu các cơ sở này yêu cầu chiết khấu cao nên những sản phẩm sạch, an toàn, giá cao của các HTX khó "chen chân" với những sản phẩm giá thấp mà những đơn vị mua chỗ khác.

Cách nào "kéo" HTX đến gần bếp ăn tập thể

Để các HTX phát huy được các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mặn mà đầu tư sản xuất theo quy trình, rất cần sự chung tay của người tiêu dùng, trong đó có các bếp ăn tập thể.

Hiện vẫn chưa có cuộc điều tra chi tiết các bếp ăn tập thể sử dụng bao nhiêu phần trăm nông sản an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bao nhiêu phần trăm sử dụng nông sản tại các chợ đầu mối. Chính vì vậy, rất khó có thể biết được chất lượng các bữa ăn công nghiệp có đảm bảo hay không. Điều này cũng là nguyên nhân khiến các HTX khó cạnh tranh được với các hộ, đơn vị cung cấp nông sản không bảo đảm vệ sinh.

Để giải quyết bài toán đưa nông sản vào các bếp ăn tập thể, HTX và các trường học, các khu công nghiệp cần tăng cường liên kết theo chuỗi lâu dài. Thực tế hiện nay, nhiều bếp ăn công nghiệp chỉ mua một lượng nhỏ nông sản bảo đảm vệ sinh của các HTX nhằm hợp thức hóa giấy tờ. Nếu các đơn vị này mua toàn bộ và với số lượng nông sản lớn theo hợp đồng thì chắc chắn các HTX sẽ có cách sắp xếp để sản phẩm đến các bếp ăn có giá hợp lý.

Anh Bùi Đức Tuyển, Chủ tịch hội đồng quản trị - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Hòa (Phú Thọ), cho biết cùng đầu tư một xe vận chuyển nông sản, nếu HTX cùng giao cho nhiều trường học, bếp ăn công nghiệp với số lượng lớn sẽ tiết kiệm được chi phí hơn so với chỉ giao số lượng nhỏ nông sản. Khi đó, giá thành cũng sẽ có những điều chỉnh phù hợp.

“Nếu HTX thực hiện liên kết cả theo chiều ngang và chiều dọc giữa các tác nhân trong chuỗi sẽ giảm chi phí, tăng số lượng, chủng loại sản phẩm... từ đó tháo gỡ được phần nào khó khăn của cả hai bên”, anh Tuyển nói.

Theo các chuyên gia, các cơ quan quản lý cần có cơ chế rõ ràng, yêu cầu các bếp ăn tập thể cần bắt buộc sử dụng nông sản, nguyên liệu có nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, thông tin cụ thể về quy trình sản xuất.

Ngoài ra, cần xem xét các quy định pháp luật, tạo điều kiện cho các bếp ăn đủ điều kiện có thể lưu thực phẩm tại chỗ nhằm hạn chế chi phí logistics. Có như vậy, các sản phẩm an toàn của các HTX mới có nhiều cơ hội tiếp cận với các bếp ăn trường học hơn.

Theo VN Business