HTX khai phá thị trường gia vị nguồn gốc đơn nhất
Nhiều HTX đang sản xuất những mặt hàng gia vị độc đáo, đặc trưng nhưng do thiếu đầu tư chuyên nghiệp và chưa nắm bắt được những yêu cầu của người tiêu dùng nên chưa tiếp cận được những thị trường tiềm năng.
Các nhà nhập khẩu thường có nhu cầu tìm các sản phẩm gia vị có nguồn gốc duy nhất từ một một trang trại, một nhà sản xuất hay từ một địa phương nhất định của một quốc gia. Hiện cũng có rất nhiều người tiêu dùng, doanh nghiệp quen sử dụng gia vị có nguồn gốc đơn nhất vì có đặc điểm và hương vị độc đáo.
Vẫn còn lép vế
Sản phẩm muối tôm Tây Ninh của HTX Gò Dầu được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhờ tính độc đáo trong khâu sản xuất đến hương vị. Sản phẩm nước mắm của các HTX ở Châu Đốc An Giang cũng đã được doanh nghiệp Thái Lan quan tâm với mong muốn có thể pha chế được một loại mắm làm nước sốt cho các sản phẩm đồ hộp của họ. Thế nhưng, dù có sáng tạo thế nào, các doanh nghiệp Thái vẫn không tạo ra được loại mắm có hương vị độc đáo như mắm cá sặc của các HTX ở Châu Đốc.
Có thể thấy, ở Việt Nam không ít HTX đang sản xuất gia vị nguồn gốc đơn nhất. Nếu quản lý chặt chẽ, những gia vị này có khả năng truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cao hơn. Đây cũng là vấn đề quan trọng đối với người tiêu dùng trong nước và trên thế giới.
Bên cạnh đó, sự đặc biệt về nguồn gốc của các loại gia vị chính là điểm mạnh để các HTX xúc tiến thương mại, tiếp cận khách hàng vì các gia vị có nguồn gốc đơn nhất có tính độc quyền cao và hạn chế về số lượng như hạt dổi ở Hòa Bình, ớt xiêm ở Quảng Ngãi, hành-tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi)…
Tuy nhiên, theo các HTX đầu ra cho các sản phẩm này chưa thực sự rộng mở. Ông Bùi Văn Bun, Giám đốc HTX cung ứng giống cây dổi và dịch vụ nông nghiệp xã Chí Đạo (Hòa Bình), cho biết hạt dổi của HTX chủ yếu bán thô ở dạng khô, nguyên hạt. Chỉ một phần nhỏ sản phẩm được đưa vào các cửa hàng nông sản sạch và xuất khẩu, còn lại chủ yếu bán cho thương lái.
Hạt dổi ở xã Chí Đạo (Hòa Bình) vẫn chủ yếu tiêu thụ trong nước và dưới dạng thô. |
Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng hơn 200 triệu USD rau củ quả vào thị trường châu Âu, tuy nhiên tỷ trọng rau của quả gia vị, trong đó có cả gia vị nguồn gốc đơn nhất (quả sấu, lá chanh, sả, ngổ, ngò gai, lá xương sông…) cũng mới chỉ chiếm khoảng 1%.
Điều này là do các loại gia vị của các HTX chủ yếu xuất bán ở dạng thô, tươi nên không tồn trữ lâu được. Còn ở nước ngoài, các gia vị được chế biến thành nhiều loại khác nhau như bột, sấy khô hoặc đã được xử lý trước nên thời gian bảo quản lâu, tiện dụng và thuận lợi trong vận chuyển đường xa. Riêng các sản phẩm nước mắm truyền thống vẫn đang vướng những quy định về độ đạm nên cũng khó khăn trong xuất khẩu.
Chính vì những điều này mà nhiều người tiêu dùng trên thế giới có thể biết đến quế Ceylon từ vườn rừng Kandyan của Sri Lanka, hạt tiêu đen của vùng Tellicherry Ấn Độ hay hạt tiêu Andaliman thu hoạch tự nhiên từ vườn rừng ở Bắc Sumatra của Indonesia thay vì tiêu và quế của Việt Nam. Trong khi đây vốn là những gia vị nổi bật của Việt Nam và đang được nhiều HTX sản xuất.
Quan tâm hơn nữa đến tính đặc trưng
Theo thống kê, Việt Nam có trên 1.000 loại gia vị, trong đó có những loại rất đặc trưng, độc đáo với nguồn gốc đơn nhất mà không quốc gia nào có. Đây là lợi thế có thể giúp gia tăng giá trị cho gia vị Việt trong tương lai.
Để mở rộng đầu ra và nâng cao giá trị cho các gia vị này, các chuyên gia cho rằng gia vị có nguồn gốc đơn nhất dù bản thân nó đã có sự khác biệt nhưng để cạnh tranh được trên thị trường và tiếp cận với các thị trường khó tính, các HTX, doanh nghiệp vẫn cần quan tâm hơn nữa đến sự đặc trưng, điểm nổi bật của sản phẩm.
Chẳng hạn như các loại mắm nêm, mắm tôm dù đã mang được đặc trưng vùng miền nhưng vẫn có thể sấy khô, cô đặc và lựa chọn các cách đóng gói kín nhằm hạn chế tỏa mùi cũng như thuận tiện cho sử dụng.
Một số gia vị phải được sản xuất theo lối truyền thống mới giữ được màu sắc, mùi vị riêng, HTX nên đề cao điều này thay vì tập trung chế biến, sản xuất theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng nào, nhất là người tiêu dùng nước ngoài cũng có thể thấy thú vị trước sự độc đáo của sản phẩm, do vậy có thể họ không sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm gia vị nguồn gốc đơn nhất. Chính vì vậy, HTX cũng cần xác định đúng người mua cũng như tạo sự khác biệt trong xúc tiến thương mại.
Tiêu biểu như một số sản phẩm như mắm ruốc, mắm nêm của các HTX do mùi vị đặc trưng nên không phải người tiêu dùng nước ngoài nào cũng có thể ưa dùng. Chính vì vậy, HTX hãy quan tâm nhiều hơn đến thị trường ngách xuất khẩu để phục vụ cho nhóm người Việt ở nước ngoài. Còn những HTX có các chứng nhận hữu cơ, công bằng xã hội… có thể hướng nhiều hơn đến những người mua có cam kết đối với sản phẩm có đạo đức, chất lượng cao với những tiêu chuẩn đặc biệt của tôn giáo…
Theo VN Business
- [26/11/2024] Khởi nghiệp trên đất quê hương
- [26/11/2024] 11 sản phẩm được đề nghị công nhận 4 sao OCOP
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [04/04/2023] HTX du lịch tất bật vào ‘mùa’
- [04/04/2023] Hoàn thiện hành lang pháp lý cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã
- [04/04/2023] Hợp tác xã khó tiếp cận vốn ngân hàng
- [30/03/2023] NHNN yêu cầu đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%
- [30/03/2023] Bảo hiểm xã hội thị xã Ninh Hòa: Điểm sáng về phát triển đối tượng tham gia