HTX tìm cách khai thác mỏ vàng livestream
Trước làn sóng chuyển đổi số, không ít mô hình kinh tế tập thể, HTX đã phất lên nhờ tận dụng tốt khả năng livestream bán hàng.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong tổng số 17.777 HTX nông nghiệp, hiện có 21% HTX lập kế hoạch tổng thể cho thương mại điện tử; 23% HTX bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử; 21% HTX xây dựng website; 14% HTX thực hiện livestream; 7% HTX thực hiện quảng cáo trên Facebook…
Mảnh đất màu mỡ
Rõ ràng trong hàng loạt cách thức kinh doanh nhờ công nghệ số, không ít HTX đã lựa chọn hình thức livestream để tiếp cận khách hàng. Điều này đã từng bước giúp HTX nông nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh linh hoạt, giúp tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực, từ đó tạo ra những giá trị mới và nâng cao hiệu quả hoạt động trong tình hình mới.
Tiêu biểu như HTX 3T Farm huyện Cao Phong (Hoà Bình), mỗi lần livestream có thể 'chốt' vài tạ cam cho khách hàng từ Bắc vào Nam một cách dễ dàng. Hay như HTX nông sản bản địa Noọng Piêu (Sơn La) có thể bán được 10 tấn mận hậu thông qua 1giờ30 phút livestream. Sự thành công của các HTX này cho thấy họ đang chuyển mình phù hợp, thích ứng với thời đại 4.0 khi nhà nhà bán hàng online và lựa chọn livestream làm một phương thức tiếp cận khách hàng hiệu quả.
Thống kê của Công ty Gostream cho thấy, trung bình mỗi ngày có khoảng 80.000 phiên livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội.
Đây là con số không quá bất ngờ khi sau đại dịch COVID-19, người tiêu dùng dần coi việc mua hàng online là thói quen hằng ngày. Những số liệu về tỷ lệ tăng lên của người dùng internet cũng cho thấy sức nóng của hình thức mua sắm trực tuyến.
Đặc biệt, phương thức bán hàng này còn mang lại những hiệu quả khả quan. Theo nghiên cứu của Gostream, trung bình cứ 100 người xem livestream trên các sàn thương mại điện tử, thì có đến 30 người “chốt đơn” mua hàng.
Bà Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T Farm chia sẻ, thị trường livestream đang phát triển như vũ bão. Cùng với sự hỗ trợ từ các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và phần mềm hỗ trợ bán hàng, việc livestream đối với HTX trở nên dễ dàng hơn.
Đặc biệt, việc đầu tư cho hình thức bán hàng này không quá lớn, chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối mạng là thành viên HTX có thể livestream trên trang cá nhân, các hội nhóm…
So với phương thức bán hàng truyền thống, livestream còn rất phù hợp với các HTX vì chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả mang lại tương đối cao. Thông qua hình thức bán hàng này, HTX sẽ rút ngắn hành trình bán hàng. Từ việc biết thương hiệu đến đặt hàng nay chỉ còn một bước, giúp giảm thiểu các bước trung gian.
Tập huấn kỹ năng chuyên sâu giúp các HTX nâng cao hiệu quả bán hàng qua hình thức livestream. |
Điểm thuận lợi của các HTX hiện nay là trực tiếp làm ra sản phẩm. Chính vì vậy, khi livestream, các “KOL” nghiệp dư của HTX có thể dẫn dắt người xem đi tham quan ngay tại các vườn trồng, trang trại của gia đình, từ đó tạo niềm tin cho khách mua hàng cao hơn. Việc được "mắt thấy, tai nghe" các khâu sản xuất, thu hoạch hay nhìn trực tiếp sản phẩm mình sắp mua khiến người tiêu dùng rất hứng thú.
Bên cạnh đó, HTX hiện nay là chủ thể của nhiều loại nông sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ hay sản phẩm đặc trưng của vùng miền. Trong khi đây là mặt hàng đang được đánh giá là được người tiêu dùng ưa chuộng. Nếu biết tận dụng mỏ vàng từ livestream, HTX sẽ dễ dàng xóa bỏ khoảng cách vùng miền cho các sản phẩm OCOP.
Từng bước chuyên nghiệp
Mang lại nhiều hiệu quả trong việc tiếp cận khách hàng và xây dựng thương hiệu nhưng không phải HTX nào livestream cũng dễ thành công. Bởi hình thức bán hàng này còn phụ thuộc vào kỹ năng, cái duyên và phụ thuộc vào con người. Ngay cả các thương hiệu lớn chưa chắc tìm được người phù hợp để livestream hiệu quả.
Ông Bùi Xuân Tám, Giám đốc HTX sản xuất nhãn lồng Nễ Châu (Hưng Yên) cho biết, dù có những lợi thế về sản phẩm chất lượng nhưng do chưa được đào tạo nên việc livestream của ông và các thành viên nhiều khi cũng theo kiểu “cây nhà lá vườn”, làm theo bản năng. Nhiều khi ông bỏ sót các thông tin sản phẩm mà trước đó định chia sẻ trực tiếp với khách hàng nên chưa khai thác hết tiềm năng của loại hình này.
Theo ông Tám, livestream cũng giống như chạy quảng cáo, marketing nên phải có kiến thức, thời gian và phải bỏ tiền bạc mới đạt hiệu quả cao. Do đó, tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn hoặc chuyên nghiệp là rất cần thiết với HTX.
“Tôi chắc chắn livestream sẽ tiếp tục bùng nổ vì hiện nay công nghệ và các nền tảng công nghệ ngày càng phát triển, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua bán online. Chính vì vậy, khi có sản phẩm tốt có nguồn nhân lực chất lượng sẽ tạo nền tảng cho HTX kinh doanh ở lĩnh vực này”, ông Tám nói.
Còn theo các chuyên gia, dù hình thức bán hàng qua livestream còn rất nhiều dư địa để phát triển nhưng hiện, mới có ít HTX tận dụng được điều này. Hầu hết các HTX livestream nhưng nội dung còn khá sơ sài, chủ yếu là “học mót” theo người khác mà chưa thực sự hiểu được quy trình của livestream. Điều này khiến cho doanh số từ mỗi lần livestream của HTX chưa cao, về lâu dài sẽ khó giữ chân được người xem.
Thêm vào đó, các mặt hàng kinh doanh trên lĩnh vực này chưa nhiều. Các HTX cũng chưa đa dạng được sản phẩm vì chưa đầu tư cho chế biến. Khâu đóng gói cũng chưa chuyên nghiệp nên chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech Group, cho biết nông dân ở Trung Quốc livestream bán hàng rất chuyên nghiệp. Theo đó, từng loại nông sản đều có tiêu chuẩn đóng gói rõ ràng để thuận lợi cho việc giao nhận, hạn chế hư hỏng, hao hụt. Còn tại Việt Nam, các HTX chủ yếu đóng gói bằng bao bì là túi ni-lông, thùng xốp nên rất khó cho khâu giao nhận, bảo quản.
Chính vì vậy, để nâng cao năng lực cho các HTX, cần tổ chức nhiều hơn các lớp đào tạo về thương mại điện tử nói chung và livestream nói riêng nhằm giúp HTX bảo đảm tốt các vấn đề về nhân lực, nội dung, công nghệ. Ngoài ra, cần đầu tư vào sở sở hạ tầng, logistics để tháo gỡ khó khăn cho HTX, tránh việc thương hiệu sản phẩm của HTX bị “phèn hóa”, khó cạnh tranh trên thị trường.
Nắm bắt được vai trò của việc đào tạo, không ít địa phương đã đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để hỗ trợ HTX trong lĩnh vực này. Mới đây, Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên đã liên kết với doanh nghiệp tổ chức chương trình tập huấn về bán hàng qua thương mại điện tử và livestream cho các HTX. Thông qua đó, một số HTX đã được thực hành chuyên sâu kỹ năng livestream trên các nền tảng xã hội tiktok, facebook, các sàn thương mại điện tử.
Đặc biệt, HTX được hướng dẫn xây dựng kịch bản, lựa chọn sản phẩm, dụng cụ phù hợp cho livestream và được hướng dẫn thực hành trực tiếp các kỹ năng tại buổi tập huấn.
Bà Đào Thị Thức, Giám đốc HTX chè Nhật Thức (Thái Nguyên) cho biết, tham gia các lớp đào tạo về thương mại điện tử, HTX sẽ có những định hướng rõ ràng trong sản xuất, đầu tư để livestream bán hàng tốt hơn. Điều này cũng giúp các HTX dần chuyên nghiệp hơn và tận dụng tốt công nghệ số để phát triển HTX.
Theo Thời báo kinh doanh
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [06/11/2024] HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI GIỮA LÃNH ĐẠO UBND TỈNH VỚI CÁC HTX TRÊN ĐỊA BÀN NĂM 2024
- [04/11/2024] Phát triển du lịch nông nghiệp tại Cam Lâm
- [03/10/2022] Khu vực hợp tác xã phục hồi và phát triển sản xuất – kinh doanh
- [30/09/2022] Thúc đẩy phát triển sản xuất từ liên kết Hợp tác xã
- [26/09/2022] Thúc đẩy chuyển đổi số khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã
- [26/09/2022] Thủ tướng: Tạo động lực để kinh tế hợp tác bắt kịp, tiến cùng với các khu vực kinh tế khác
- [26/09/2022] Kiểm soát chặt tiêu chuẩn người đứng đầu hợp tác xã