HTX vượt thách thức để bán hàng trên môi trường số

|

Việc mở một gian hàng trên các trang thương mại điện tử, nhất là các sàn thương mại điện tử xuyên biến giới về mặt kỹ thuật vẫn còn những khó khăn nhất định đối với một số HTX. Đi liền với đó là làm sao để gian hàng vận hành tốt, có nhiều người mua hàng cũng là vấn đề được nhiều HTX đang quan tâm.

Mở cửa hàng qua sàn thương mại điện tử, xây dựng fanpage, website… cũng giống như một cửa hàng hay một siêu thị bán hàng nhưng được thực hiện trên môi trường số. Điều quan trọng là hàng hóa, sản phẩm của HTX làm ra được lưu thông từ vùng miền này đến các vùng miền khác, thậm chí được mua-bán xuyên quốc gia chứ không chỉ dừng lại tại nơi mở cửa hàng số.

Ngọt ngào nhưng cũng... đắng cay

Và lẽ đương nhiên, HTX cũng có thêm cơ hội tiếp xúc được nhiều khách hàng hơn, có thể có thêm nhiều đơn hàng hơn, từ đó doanh thu cũng được duy trì và tăng mạnh so với việc chỉ bán hàng theo kênh truyền thống. Do đó, đến thời điểm này, đã có không ít HTX duy trì và phát triển việc bán hàng online thông qua các kênh khác nhau. Điều này giúp phần nào kéo giảm khoảng cách giữa khu vực kinh tế tập thể với các doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số.

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc HTX Nông nghiệp BK Food (Bắc Kạn) cho biết, sau thời gian thực hiện bán hàng online, các sản phẩm của HTX đã được khách hàng biết đến nhiều hơn, hiệu suất kinh doanh tốt hơn, từ đó doanh thu mang lại cho HTX cũng cao hơn nhiều lần so với bán hàng truyền thống.

Nhiều HTX đang chớp cơ hội từ bán hàng online.

Mang lại nhiều lợi ích nhưng không ít HTX cũng gặp những đắng cay khi bán hàng trên môi trường số. Nhiều HTX không ít lần đối mặt với tình trạng bị khách “bom” hàng. Có HTX đã thực hiện bán hàng online kết hợp với bán hàng trực tiếp nhưng quá trình chuyển đổi số còn chậm nên chưa thể số hóa để đồng bộ và quản lý sản phẩm trên cùng một nền tảng, do đó quá trình quản lý, vận hành hàng hóa chưa được tối ưu.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc HTX rau sạch Liên Ấp (Bắc Ninh) chia sẻ, để bán rau sạch theo hình thức online, HTX không chỉ dừng ở xây dựng nhóm trên Zalo, Facebook mà còn cần phải hoàn thiện quy trình sản xuất theo công nghệ hiện đại.

Ngay như việc truy xuất nguồn gốc được thực hiện bằng mã QR. Ngoài ra, HTX còn phải xây dựng các video, sử dụng các ứng dụng quản lý bán hàng, hoàn thiện khâu vận chuyển để đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Người tiêu dùng chỉ cần đặt hàng theo số lượng và chủng loại, sau đó sẽ được HTX vận chuyển đến tận nơi.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong tổng số 17.777 HTX nông nghiệp, đã có 21% HTX xây dựng website, 23% HTX bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử, 21% HTX lập kế hoạch tổng thể cho thương mại điện tử. Điều này cho thấy, các HTX đã quan tâm đến chuyển đổi số, bán hàng online để thích ứng với thời đại 4.0.

Lựa chọn thông minh

Các HTX đã từng bước chuyển đổi số, thích ứng với việc bán hàng trên không gian mạng nhằm tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực, từ đó tạo ra những giá trị mới và nâng cao hiệu quả hoạt động trong tình hình mới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn đó những băn khoăn nhất định trong quá trình tham gia bán hàng online đối với các HTX.

Nhiều HTX hiện không chỉ muốn bán hàng qua các trang, các sàn trong nước mà còn muốn mở rộng xuất khẩu thông qua các sàn thương mại xuyên biên giới. Và một trong những câu hỏi mà nhiều thành viên HTX đang quan tâm là bán hàng trên thương mại điện tử xuyên quốc gia như Alibaba, Amazon… có tốn nhiều chi phí không, bởi kinh phí của nhiều HTX vẫn còn hạn hẹp. Nhiều HTX đang gặp khó khăn trong quá trình phục hồi hậu Covid-19.

Theo các chuyên gia, điều mà các HTX quan tâm hoàn toàn có cơ sở, vì mở các gian hàng trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới là một chuyện, còn làm sao để phát huy được hiệu quả ở các gian hàng này lại là chuyện khác.

Và thực tế cho thấy, các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia hiện nay đều đang thực hiện thu phí mở và duy trì account. Chẳng hạn như Alibaba thu phí lên tới 45 triệu đồng/năm.

Không dừng ở đó, để bán được hàng trên các sàn thương mại này, HTX cần phải tự bỏ ra nhiều chi phí khác như: phí xây dựng trang web để dẫn link về, chi phí để làm truy xuất nguồn gốc cho nông sản-sản phẩm, chi phí chạy các chiến dịch quảng cáo, marketing…

Bởi nếu chỉ mở account xong và để đó thì mỗi tháng, HTX may ra chỉ có 1-2 đơn hàng nếu đáp ứng được những yêu cầu về chất lượng, vận chuyển, đóng gói… Trong khi đó, nếu tính chi phí duy trì một năm với lượng hàng bán ra như vậy là khá đắt.

Và một điều đáng quan tâm là các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia có hàng chục triệu thậm chí hàng trăm triệu người bán nên nếu không làm quảng cáo, không thực hiện marketing thì chắc chắn không ai hoặc rất ít người biết đến sản phẩm của HTX. Nhất là khi khách hàng, đối tác nước ngoài cần giao tiếp, trao đổi các vấn đề liên quan bằng tiếng Anh. Nếu được hỏi về sản phẩm và các thông tin khác mà HTX không trả lời hoặc trả lời không đầy đủ và không kịp thời thì họ sẽ không mua hàng.

Vì vậy, HTX trước tiên hãy mở account ở một số sàn thương mại điện tử B2B (bán sỉ) của các hiệp hội, ngành hàng… để tiết kiệm chi phí mở gian hàng và duy trì. Các sàn thương mại này còn giúp HTX dễ tương tác, dễ liên kết với các ngành chức năng để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ nhiều vấn đề liên quan, từ đó làm nền tảng tham gia các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia về sau.

Đặc biệt, ở góc độ chi phí, các sàn B2B này thu phí mở account và phí duy trì chỉ khoảng 500.000 đồng/tháng và chi phí chiết khấu doanh thu là khoảng 5%/doanh thu. Phí này cũng chỉ phát sinh khi HTX bán được hàng.

Như vậy, các điều kiện trên hoàn toàn “dễ thở” và nằm trong khả năng của mô hình HTX. Khi mở gian hàng trên những sàn này, mỗi tháng, HTX chỉ cần có một vài đơn hàng cũng có thể “sống đủ”. Ngược lại, khi HTX bán được hàng thì việc bỏ ra 5% doanh thu sẽ không phải là vấn đề quá lớn.

Và, dù là mở gian hàng số ở sàn nào thì HTX cũng cần quan tâm đến việc hoàn thiện nguồn lực cả về số lượng nhân sự và năng lực nhân sự, đi liền với đó là đầu tư về công nghệ số để nâng cao năng lực vận hành gian hàng online một cách hiệu quả.

Theo VN Business