‘Kích hoạt’ chuyển đổi số trong hợp tác xã
Dự kiến, ngày mai (23/9), Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 với chủ đề "Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới".
Đây là diễn đàn đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng khu vực kinh tế tập thể, HTX. Tại Diễn đàn, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX sẽ cùng trao đổi những vấn đề mới trong phát triển kinh tế hợp tác, HTX, nhất là về chuyển đổi số cũng như nhận diện rõ hơn các cơ hội, thách thức và đề ra các giải pháp để chuyển đổi số mạnh và nhanh trong phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
Chuyển đổi số được đánh giá là đòn bẩy quan trọng, tạo ra những cơ hội giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển. Theo khảo sát của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, 83,5% HTX đánh giá việc chuyển đổi số là cần thiết; 18,9% HTX đã có kế hoạch với lộ trình thực hiện cụ thể; 68% HTX có sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán sản phẩm trực tuyến...
Đặc biệt, nhiều HTX đã ứng dụng công nghệ cao để sản xuất, kiểm soát chất lượng đầu ra, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Tiêu biểu như HTX Thành Công (Quảng Trị) với công nghệ làm mát tự động trong chăn nuôi lợn, trồng rau thủy canh; mô hình "cây xoài nhà tôi" tại tỉnh Đồng Tháp đã ứng dụng CNTT giúp kết nối HTX với khách hàng; HTX Nông ngư 14/10 (Sóc Trăng) nuôi tôm sạch theo tiêu chuẩn ASC với sản lượng 160 tấn, xuất khẩu sang châu Âu...
Việc chuyển đổi số hoạt động sản xuất, kinh doanh bước đầu đã làm thay đổi tổ chức và quản trị hoạt động của HTX so với phương thức quản lý truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX. Phần lớn các HTX đã nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với tổ chức hoạt động và sự phát triển (đặc biệt trong và sau dịch bệnh COVID-19); xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể về chuyển đổi số (từ 3 - 5 năm) và xác định những nền tảng cần có theo những nét đặc trưng của HTX.
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ 4.0, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quản lý vận hành và tiêu thụ sản phẩm đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các HTX. Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể vẫn còn không ít khó khăn. Kết quả khảo sát các HTX cũng cho thấy còn hơn 50% HTX chưa có định hướng về chuyển đổi số, trong đó, 37,5% HTX có chủ trương, quyết tâm nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu và 18,9% HTX chưa xây dựng kế hoạch về chuyển đổi số.
Tránh lệch pha giữa công nghệ và khả năng vận dụng
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, chuyển đổi số tại các HTX vẫn còn chậm và gặp nhiều khó khăn bởi ba nguồn lực quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh đồng thời là điều kiện nền tảng để thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin tại các HTX nông nghiệp gồm tài chính, cơ sở hạ tầng và nhân lực đều hạn chế.
Trong đó, phần lớn các HTX nông nghiệp đang gặp khó khăn về vốn trong kinh doanh, khó bố trí nguồn lực tài chính đầu tư vào đổi mới, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật; mức độ sẵn sàng và khả năng tiếp cận công nghệ của cán bộ quản lý, thành viên HTX đều ở mức dưới trung bình do trình độ thấp, độ tuổi trung bình cao và tâm lý ngại thay đổi; cơ sở vật chất từ nhà xưởng đến trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số còn lạc hậu do HTX không có tài chính để đầu tư.
Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu những quy định, cơ chế thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc thù áp dụng cho đối tượng đặc thù HTX liên quan đến chuyển đổi số. Các HTX khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển và thông tin liên quan đến chuyển đổi số: Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" chưa điều chỉnh đối tượng HTX.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, một trong bài học kinh nghiệm được rút ra trong thời gian qua, đó là chuyển đổi số cần phù hợp với từng HTX về cơ sở hạ tầng, trình độ nhân lực..., tránh "lệch pha" giữa công nghệ và khả năng vận dụng.
Để chuyển đổi số thành công, vấn đề cốt lõi là thay đổi nhận thức của các thành viên của HTX. Khi các HTX nhìn nhận đúng vai trò, ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thì sẽ có sự quan tâm, đầu tư đúng mức, thay đổi mô hình quản trị.
Tuy nhiên, hiện nay, tỉ lệ thành viên HTX có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) rất hạn chế, bởi chủ yếu là nông dân, chưa được đào tạo chuyên môn bài bản, trình độ chủ yếu ở mức tiểu học và trung học cơ sở.
Theo kết quả khảo sát, mức độ hiểu biết và kỹ năng số của thành viên HTX đạt mức trung bình, mức độ sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số hạn chế, năng lực chuyển đổi số của thành viên HTX vẫn ở mức độ dưới trung bình; nhân lực phục vụ chuyển đổi số và áp dụng công nghệ thông tin tại các HTX còn nhiều hạn chế về năng lực.
Chính vì thế, đầu tiên, các HTX, đặc biệt là lãnh đạo HTX cần được tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực quản trị. Các thành viên HTX cũng cần được tuyên truyền để thay đổi tư duy từ cạnh tranh sang hợp tác, liên kết chặt chẽ với nhau.
Ngoài ra, một trong những giải pháp quan trọng để "kích hoạt" chuyển đổi số tại các HTX trong thời gian tới, đó là xây dựng hệ thống dữ liệu lớn của ngành nông nghiệp. Trong đó, chú trọng xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản…
Theo đó thiết lập mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp; thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai, ứng dụng bản đồ tra cứu thông tin thổ nhưỡng, thủy văn, sản lượng nông sản, thủy sản trên cả nước và chi tiết từng tỉnh, thành phố… để người nông dân có thể tra cứu và áp dụng nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.
Hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành nông nghiệp cấp Trung ương và địa phương được hoàn thiện sẽ là nguồn dữ liệu quan trọng để xây dựng, áp dụng các ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin tại các HTX nông nghiệp.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan trung ương dành nhiều sự quan tâm hơn tới các HTX nói chung và trong quá trình chuyển đổi số nói riêng, xây dựng những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ về nguồn nhân lực, tài chính trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, hạ tầng thiết bị cơ bản phục vụ chuyển đổi số, hỗ trợ HTX sử dụng một số nền tảng ứng dụng chuyển đổi số (trong hoạt động quản lý, sản xuất, thương mại hóa sản phẩm), hỗ trợ thành lập HTX cung ứng dịch vụ công nghệ cao ở các địa phương,... hướng dẫn cụ thể, thiết thực hơn nữa, phù hợp với mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh của HTX, giúp HTX có thể áp dụng hiệu quả hơn những hạng mục trong quá trình chuyển đổi số.
Nhà nước có thể đầu tư, xây dựng một nền tảng hệ sinh thái số dùng chung cho các HTX để hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu, giúp HTX tận dụng, tiếp cận đúng hướng, nhanh và hiệu quả hơn với quá trình chuyển đổi số...
Theo Báo Chính phủ
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [06/11/2024] HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI GIỮA LÃNH ĐẠO UBND TỈNH VỚI CÁC HTX TRÊN ĐỊA BÀN NĂM 2024
- [04/11/2024] Phát triển du lịch nông nghiệp tại Cam Lâm
- [21/09/2022] Tạo hành lang pháp lý thuận lợi các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển
- [20/09/2022] Sử dụng thức ăn công nghiệp: Góp phần phát triển nuôi biển bền vững
- [19/09/2022] Sản phẩm công nghiệp nông thôn: Thêm động lực để phát triển
- [19/09/2022] Vụ lúa hè thu: Điểm sáng liên kết sản xuất
- [14/09/2022] Hiến kế phát triển kinh tế nông nghiệp theo xu hướng chuyển đổi số