Kinh nghiệm quốc tế về phát triển hợp tác xã và bài học liên kết, hợp tác hình thành, HTX quy mô lớn
Trong xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường hiện nay, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với nông dân. Đây cũng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế, đồng thời tăng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa, áp dụng các quy trình hiện đại, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất cho các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) liên kết và trình độ của người nông dân.
Đến hết tháng 6/2023, cả nước có 30.425 HTX, tăng 2.204 HTX so với cùng kỳ năm 2022; trong đó: 20.157 HTX nông nghiệp, 10.268 HTX phi nông nghiệp (bao gồm: 2.368 HTX CN-TTCN, 2.613 HTX TMDV, 1.790 HTX vận tải, 904 HTX xây dựng, 634 HTX môi trường, 1.183 Quỹ tín dụng nhân dân và 776 HTX khác). Đồng bằng sông Hồng có 7.290 HTX (23,96%), Đông Bắc có 5.746 HTX (18,88%), Bắc Trung bộ có 4.278 HTX (14,06%), Đồng bằng sông Cửu Long có 3.506 HTX (11,52%), Tây Bắc có 3.257 HTX (10,7%), Đông Nam Bộ có 2.459 HTX (8,1%), Tây Nguyên có 2.185 HTX (7,18%), Duyên hải miền Trung có 1.704 HTX (5,6%). Khu vực HTX thu hút trên 6,93 triệu thành viên (tăng 30.770 thành viên so với cùng kỳ năm 2022) và 2,58 triệu lao động (tăng 48.348 lao động so với cùng kỳ năm 2022). Tổng vốn điều lệ đạt trên 57,7 nghìn tỷ đồng, trung bình 1,9 tỷ đồng/HTX. Tổng giá trị tài sản đạt trên 190 nghìn tỷ đồng (tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022).
Tuy nhiên, phần lớn HTX, THT có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp; tính liên kết trong nội bộ HTX còn rất yếu; vấn đề nợ của HTX, tình trạng chiếm dụng vốn chưa được xử lý dứt điểm; Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp của các hạn chế yếu kém nêu trên là do tính liên kết, khả năng thu hút thành viên con yếu, quy mô HTX còn nhỏ, nguồn lực phân tán.
Kinh nghiệm các quốc gia phát triển mô hình HTX thành công và lâu đời như CHLB Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan…. đều cho thấy xu hướng ngược lại với Việt Nam: số lượng HTX giảm, nhưng số lượng thành viên tăng, quy mô trung bình mỗi HTX tăng. Liên kết, hợp tác hình thành HTX quy mô lớn, kể cả thông qua hoạt động sáp nhập các HTX là xu hướng tất yếu và ngày càng thể hiện rõ nét, trở thành một trong những giải pháp chủ đạo góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các HTX, không những tại quốc gia bản địa mà còn vươn ra phạm vi toàn cầu.
Dưới đây là một số kinh nghiệm về phát triển HTX và bài học về tăng cường liên kết, hợp tác hình thành HTX quy mô lớn có thể áp dụng cho Việt Nam:
- Kinh nghiệm và xu thế phát triển mô hình HTX trên thế giới.
Thứ nhất, tập trung vào dịch vụ đầu ra và chuỗi giá trị:
Chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp được liên kết, hợp tác chặt chẽ, bắt đầu từ mỗi hộ nông dân và tiếp tục các khâu chế biến, bảo quản, đóng gói, tiếp thị và bán hàng tại HTX.
Thứ hai, tập trung chế biến và tiêu thụ:
Các HTX nông nghiệp Nhật Bản đã đặt ra cho mình một chức năng rất quan trọng và cần thiết là hình thành và phát triển các chuỗi liên kết và gia tăng giá trị sản phẩm, bao gồm cả tiêu thụ, bán hàng trực tiếp để mang lại hiệu quả cao nhất cho thành viên của mình. Các HTX nông nghiệp ở CHLB Đức, đặc biệt trong các lĩnh vực sữa, thịt, rau quả, rượu nho… đã rất chú trọng vào các khâu chế biến và trực tiếp tiêu thụ. Các chuỗi liên kết và gia tăng giá trị sản phẩm được hình thành và hoạt động hiệu quả ngay tại các HTX với những sản phẩm đặc thù, chất lượng cao.
Thứ ba, gia tăng lợi ích với chuỗi giá trị:
Xu hướng phát triển chung trên thế giới hiện nay, đặc biệt với các HTX nông nghiệp và dịch vụ nông thôn là mô hình HTX rất chú trọng đến các dịch vụ đầu ra cho thành viên. Để làm việc này, các HTX cần phải liên kết, đầu tư phát triển xây dựng các chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm nhằm cung cấp dịch vụ đầu ra, đem lại lợi ích kinh tế cao nhất cho thành viên.
Thứ tư, kinh doanh đa ngành, đa dịch vụ:
Xu hướng chung trên thế giới là ngày càng nhiều các HTX kinh doanh đa năng, đa dịch vụ trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Đặc biệt, điều này thấy rõ nhất, hiệu quả nhất trong các HTX nông nghiệp và nông thôn ở nhiều nước có mô hình HTX phát triển.
Hội nhập, giao thương toàn cầu, cạnh tranh đi đôi với bình đẳng. Vì vậy, các HTX sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với các mô hình kinh tế khác, với các loại hình doanh nghiệp khác trên thị trường. Để cạnh tranh được, xu thế phát triển của nhiều HTX, đặc biệt là các HTX dịch vụ nông nghiệp, nông thôn trở thành tổ chức kinh tế đa năng, kinh doanh đa ngành nghề, đa sản phẩm, đa dịch vụ. Chỉ với định hướng như vậy, HTX mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao hơn, nhiều hơn, đa dạng hơn của khách hàng, của thành viên. Đồng thời với xu hướng kinh doanh đa năng, đa dịch vụ, ở hầu hết các nước, HTX trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề cũng đang có xu thế mở rộng quy mô và địa bàn hoạt động. Đây là điều cần thiết để HTX phát triển thành viên, phát triển thị trường trong điều kiện cơ sở hạ tầng, thông tin, giao thông ngày càng thuận lợi hơn cho các HTX.
Thứ năm, tìm 'chất kết dính' trong liên kết sản xuất nông nghiệp:
Kinh nghiệm và xu thế phát triển ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, về số lượng các HTX đang giảm đi, thậm chí giảm đi rất nhiều so với cách đây hàng chục năm. Tuy nhiên, khu vực kinh tế HTX vẫn phát triển và mạnh lên. Số thành viên mỗi HTX và số khách hàng của HTX lại tăng hàng chục, hàng trăm lần. Đó là xu thế sáp nhập, hợp nhất HTX ở các nước này trước những yêu cầu, đòi hỏi và áp lực cạnh tranh của thị trường.
Thứ sáu, sáp nhập, hợp nhất để mạnh lên:
Từng cá nhân hay hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún rất khó kinh doanh hiệu quả và họ đã được liên kết, hợp tác với nhau thông qua mô hình HTX. Tương tự như vậy, số đông các HTX sẽ trở nên nhỏ bé và khó khăn trong điều kiện mới của thị trường. Ngoài việc thành lập các Liên hiệp HTX, xu hướng phát triển chung ở các nước có mô hình HTX phát triển là việc sáp nhập hay hợp nhất các HTX. Điều đó giúp các HTX có quy mô lớn hơn, có vốn lớn để hoạt động hiệu quả, để cạnh tranh và tồn tại trên thị trường.
Thứ bảy, luật thông thoáng để linh hoạt:
Ở rất nhiều nước, xu thế chung là khung khổ pháp lý thông thoáng và cởi mở hơn rất nhiều, tạo điều kiện thuận lợi hơn, tự do kinh doanh hơn cho HTX. Việc thành lập HTX rất đơn giản, nhiều nước chỉ cần tối thiểu 3 hay 5 thành viên. Xu hướng chung là các HTX được coi và hoạt động bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác, không bị các hạn chế hay quy định chặt chẽ. Luật ở các nước này cho phép các HTX hợp tác liên kết, liên doanh đa dạng, đa hình thức với các nhà đầu tư, với các doanh nghiệp khác. Theo đó, luật cho phép các HTX có thể tự thống nhất quy định các thỏa thuận với nhà đầu tư trong điều lệ của mình để thu hút nhà đầu tư mà vẫn bảo đảm lợi ích của thành viên và HTX.
- Bài học về phát triển, liên kết, hợp tác hình thành HTX quy mô lớn tại Việt Nam
Thứ nhất, để giúp các hộ nông dân cải thiện điều kiện sống và phát triển sản xuất, cần phải liên kết các hoạt động đầu ra, đầu vào cho họ dưới hình thức tốt nhất là HTX nông nghiệp.
Thứ hai, để HTX ra đời và phát triển tốt rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về các mặt như đất đai, nguồn vốn, khoa học công nghệ ...
Thứ ba, tiêu thụ được sản phẩm cho hộ nông dân với giá phải chăng và chi phí thấp chính là sự hỗ trợ đáng giá mà các hộ nông dân Việt Nam đang cần.
Thứ tư, HTX nông nghiệp phải được tổ chức ở những khâu nào mà HTX làm thì tốt hơn hộ gia đình, tốt hơn tư nhân, thậm chí tốt hơn cả doanh nghiệp Nhà nước. Do đó lựa chọn khâu nào để HTX làm là hết sức quan trọng.
Thứ năm, theo kinh nghiệm của Nhật Bản cần đề cao vấn đề giáo dục, đào tạo nhân lực cho HTX. Các tổ chức Liên hiệp HTX cấp tỉnh, quốc gia đều coi trọng nhiệm vụ này. Nếu làm tốt nhiệm vụ này thì phong trào HTX sẽ phát triển bền vững.
Thứ sáu, việc thành lập liên đoàn là phù hợp với xu hướng chung trên thế giới khi có tổ chức theo chiều dọc. Liên đoàn không chỉ đại diện cho các thành viên mà còn là một tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân độc lập. Liên đoàn trực tiếp điều hành mọi hoạt động của thành viên và chuỗi cung ứng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của thành viên, thực hiện hoạt động kinh tế của chính mình. Liên đoàn còn là cánh tay nối dài để nắm giữ và phổ biến các chính sách của nhà nước đến các thành viên. Việc hình thành tổ chức cấp 2 của các HTX là rất quan trọng, giúp HTX duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường. Sự phân vai giữa các liên đoàn cũng như giữa liên hiệp và HTX cần phải được đảm bảo để không gây ra áp lực cạnh tranh lẫn nhau. Liên đoàn cần được thúc đẩy theo chiều “từ dưới lên”, để có được sự “tham gia” từ các thành viên/ nông dân và HTX; Mục tiêu của Liên đoàn là đại diện và vì quyền lợi của thành viên/ nông dân; Điều lệ/ Nhiệm vụ của Liên đoàn cần được thảo luận và thông qua bởi thành viên; Cần dành thời gian để thành viên tiếp thu thông tin, xử lý và thảo luận ở cấp cơ sở trước khi ra quyết định thành lập …
Thứ bảy, cần có hỗ trợ của Chính phủ cho các Liên đoàn về: Khuôn khổ pháp lý và luật pháp; Thiết lập và duy trì môi trường pháp lý và quy định thuận lợi; Tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành, hoạt động và phát triển; Hỗ trợ tài chính: Cung cấp hỗ trợ tài chính thông qua tài trợ, trợ cấp hoặc lãi suất thấp, Tiếp cận các tổ chức tài chính và dịch vụ; Tiếp cận và phát triển thị trường: Tạo điều kiện tiếp cận thị trường bằng cách kết nối họ với các thị trường trong nước và quốc tế; Hỗ trợ phát triển thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm của HTX; nâng cao khả năng hiện diện của sản phẩm và dịch vụ; Phát triển cơ sở hạ tầng: Đầu tư vào cơ sở hạ tầng - phương tiện vận chuyển, kho bãi và trung tâm chế biến - nâng cao hiệu quả và giảm chi phí; Hỗ trợ kỹ thuật: Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và chuyên môn trong các lĩnh vực như sản xuất, kiểm soát chất lượng và áp dụng công nghệ; Thu thập dữ liệu: Thu thập và phổ biến dữ liệu về hiệu suất, tác động và đóng góp của hợp tác xã cho nền kinh tế; Quản lý rủi ro và bảo hiểm: Cung cấp khả năng tiếp cận các công cụ quản lý rủi ro và chương trình bảo hiểm để giúp đối phó với những thách thức không lường trước được; Ưu đãi thuế: Đưa ra các ưu đãi và miễn thuế để giảm gánh nặng tài chính và khuyến khích tái đầu tư vào hợp tác xã và cộng đồng.
Thứ tám, Liên đoàn cần quan tâm những vấn đề sau:
+ Quyết định mục đích trung tâm
+ Đáp ứng các lợi ích khác nhau (quy mô, khả năng lãnh đạo, địa lý, hệ tư tưởng) giữa các thành viên của liên đoàn.
+ Giáo dục và tạo dựng sự hỗ trợ giữa các hợp tác xã với hợp tác xã
+ Kế hoạch kinh doanh rõ ràng với thời gian cụ thể
+ Nguồn tài trợ
+ Vận động hành lang để cải thiện khuôn khổ pháp lý và quy định của HTX
+ Ứng phó với những thách thức bên ngoài (nghịch cảnh kinh tế, những thay đổi trong chính sách của chính phủ, thiên tai).
+ Sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin liên lạc.
+ Thu hút và duy trì sự lãnh đạo hiệu quả.
Để mô hình HTX phát triển bền vững cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên, các tổ sản xuất với HTX và giữa các HTX với các thành phần kinh tế, doanh nghiệp. Khi tạo được quy trình khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ thì sản phẩm sẽ ổn định, sản phẩm làm ra sẽ đến với thị trường và người tiêu dùng dễ dàng hơn. Cùng với việc quyền lợi của các thành viên được bảo đảm, số lượng các thành viên tham gia vào HTX sẽ tăng lên. Theo các chuyên gia Nhật Bản, lợi ích kinh tế của thành viên, người nông dân phải được đặt lên đầu trong hoạt động của HTX nông nghiệp. Ngoài ra, cần thực hiện các chương trình lồng ghép phát triển nông nghiệp nông thôn với việc mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX và nhân rộng các điển hình HTX thành công trong việc thực hiện các dịch vụ kinh tế như tiêu thụ, cung ứng sản phẩm và các dịch vụ tín dụng nội bộ để triển khai cho nhiều HTX khác học hỏi và thực hiện.
Từ kinh nghiệm phát triển HTX của các nước cho thấy, các HTX tại Việt Nam cần sáng tạo, đổi mới mô hình HTX hoạt động hiệu quả gắn với liên kết chuỗi giá trị, mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, HTX có quy mô lớn có sức lan tỏa… triển khai sâu, rộng ở các địa phương; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, HTX và các doanh nghiệp nhằm tránh rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện luật pháp và các cơ chế, chính sách của Nhà nước nhằm thúc đẩy KTTT, HTX phát triển.
Theo vca.org.vn
Tin tức khác
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [06/11/2024] HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI GIỮA LÃNH ĐẠO UBND TỈNH VỚI CÁC HTX TRÊN ĐỊA BÀN NĂM 2024
- [04/11/2024] Phát triển du lịch nông nghiệp tại Cam Lâm
- [06/02/2024] Tăng cường xuất khẩu chính ngạch và bền vững nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc
- [08/01/2024] Để Luật HTX 2023 sớm đi vào cuộc sống
- [08/01/2024] Địa phương cần chủ động, quyết liệt trong thành lập, tổ chức hoạt động Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã
- [08/01/2024] Giải pháp phát triển sản phẩm OCOP trong xây dựng kinh tế nông thôn
- [26/12/2023] Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Khánh Hòa năm 2023 Chương trình OCOP: Nâng tầm sản vật miền núi