Làm gì để giúp nông dân làm nông sản sạch bền lâu?

|

Khi mức độ đe dọa của nông sản “bẩn” ngày càng trở nên nghiêm trọng thì vấn đề đặt ra là ai sẽ giúp nông dân làm nông sản sạch một cách đúng nghĩa, bền lâu. Vai trò liên kết của hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp với nông dân lại càng trở nên cấp thiết trong chuyện này, với yêu cầu đặt ra là cần hợp tác bằng tư duy tạo ra chuỗi giá trị chung, thay vì chỉ mua đứt bán đoạn.

Kể về việc liên kết với nông dân để làm nông sản sạch, ông Nguyễn Ngọc Luân - Giám đốc HTX nông nghiệp Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) cho biết, cách đây 2 năm có tham gia thành lập liên hiệp các HTX nông nghiệp hữu cơ gồm 16 HTX, tổ hợp tác ở các tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Đồng Nai với mục đích liên kết hơn 5.000 nông dân trồng hồ tiêu, cà phê, ca cao, điều nhằm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp sinh thái, hữu cơ.

Phải xây dựng được niềm tin

Theo ông Luân, trong việc liên kết với 5.000 nông dân như vậy, điều quan trọng là làm sao xây dựng được niềm tin, làm sao kiểm soát được chất lượng và rút ngắn được chuỗi giá trị để tăng lợi nhuận cho nông dân. Tuy nhiên, "cái dở của nông dân là hay chạy theo giá cả mà không biết nhiều về thị trường, nhất là quy luật cung cầu".

Để làm nông sản sạch hiệu quả, bền lâu thì vai trò liên kết của HTX, DN với nông dân lại càng trở nên cấp thiết với tư duy tạo ra chuỗi giá trị chung thay vì chỉ mua đứt bán đoạn.

Đơn cử như mặt hàng hồ tiêu của Việt Nam sở dĩ từng đánh mất niềm tin khi đi trong một chuỗi giá trị quá dài trên con đường xuất khẩu. Theo tuần tự là từ cấp nông hộ đến thương lái nhỏ, đại lý lớn, công ty xuất khẩu rồi đến công ty môi giới, tiếp đến là nhà nhập khẩu, sau đó là đến công ty chế biến gia vị ở nước ngoài rồi mới ra chợ đầu mối, siêu thị, cuối cùng mới đến với người tiêu dùng nước ngoài.

“Với một chuỗi giá trị dài như vậy là quá chậm, trong khi chúng ta có thể bỏ qua ít nhất 3 đầu mối như cách HTX chúng tôi đang làm để xuất thẳng từ nông trại tới bàn ăn cho người tiêu dùng”, ông Luân chia sẻ.

Còn ở góc độ doanh nghiệp (DN) đang liên kết với nhiều nông dân để trồng lúa hữu cơ ở vùng Tây Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, bà Bùi Thị Hạnh Hiếu - Tổng giám đốc CTCP Kinh doanh Chế biến Nông sản Bảo Minh cho biết, nhiều lúc “sức cùng lực kiệt” nhưng không buông tay trong hành trình này.

Theo bà Hiếu, một thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều DN đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ), thế nhưng nhà máy chưa đạt tiêu chuẩn nên vẫn phải mua nguyên liệu hữu cơ với giá cao hơn 60% và bán giá thường. 

“Cho nên, các cơ quan quản lý nhà nước phải cùng nhau vào cuộc, có chính sách hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn “mua nguyên liệu giá hữu cơ, bán sản phẩm giá thường” như hiện nay”, bà Hiếu kiến nghị.

Có thể nói, trong việc liên kết với nông dân để làm nông sản sạch, nông sản hữu cơ, vai trò tích cực của HTX Lâm San hay Công ty Nông sản Bảo Minh là đáng trân quý. Điều quan trọng là trong quá trình liên kết này nếu có những khó khăn, vướng mắc gì thì rất cần khâu chính sách có sự tháo gỡ sớm.

Tạo ra chuỗi giá trị chung thay vì mua đứt bán đoạn

Hiện tại, có một thách thức lớn trong việc làm nông sản sạch hay nông sản hữu cơ là về giá vật tư, nhân công, lợi nhuận, sản lượng,… Đặc biệt là sự thiếu đồng bộ trong sản xuất giữa các khâu. Không chỉ vậy, nỗi lo nhất là tình trạng nông dân sản xuất nhỏ lẻ phải tự bươn chải, phải làm theo các thương lái mà họ đã liên kết. Từ đó dẫn đến vấn nạn mất vệ sinh an toàn thực phẩm với những nông sản “bẩn” đe doạ nghiêm trọng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Mặt khác, theo giới chuyên gia, khi nông dân làm nông sản sạch thì thông tin thị trường, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, sản phẩm còn chưa được thường xuyên, dẫn đến nhiều sản phẩm tốt, có giá trị cao, đảm bảo an toàn thực phẩm... chưa được các các DN phân phối và người tiêu dùng biết đến. Trong khi đó, các hộ sản xuất, HTX, DN còn khó khăn và loay hoay tìm đầu ra cho nông sản sạch.

Cho nên, để giúp nông dân làm nông sản sạch thì yêu cầu đặt ra là cần thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ, phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn, thúc đẩy việc áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất theo chuỗi, hệ thống phân phối an toàn.

Đặc biệt là cần có giải pháp đồng bộ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là lĩnh vực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, kết nối tiêu thụ nông sản.

Tại Hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng” tổ chức ở Tp.HCM ngày 18/10, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh các DN phải tiên phong dấn thân, hướng dẫn, đặt hàng với nông dân để làm nông sản sạch.

Theo ông Hoan, bước đầu DN có thể làm việc với nông dân ở quy mô nhỏ, sau đó mở rộng dần khi tất cả đã vào guồng. DN và nông dân cũng nên hợp tác bằng tư duy tạo ra chuỗi giá trị chung thay vì chỉ mua đứt bán đoạn.

Thời gian đầu, DN cần tiếp cận trực tiếp nông dân, hiểu tâm tư và hướng họ sản xuất theo chuỗi giá trị, sau cùng mới đàm phán giá. Khi mọi thứ đã theo quy trình và cả hai đều hướng tới người tiêu dùng, sản phẩm làm ra dù giá cao vẫn được đón nhận.

Ông Hoan lưu ý việc cần làm ở đây là thay đổi tư duy sản xuất cho người nông dân, không chỉ trong mùa vụ này mà dần dần thay đổi cả tập quán canh tác, từ đó sản phẩm dần đảm bảo chất lượng. DN luôn có điều kiện hơn người nông dân, cần đồng hành cùng người nông dân.

Thực tế cho thấy, có không ít mô hình hợp tác làm nông sản sạch giữa DN và nông dân chỉ thành công trong giai đoạn đầu, sau đó dễ dàng tan vỡ khi cả nông dân và DN đều có thể “bẻ kèo”. 

Do đó, để làm nông sản sạch thật sự hiệu quả bền lâu thì ngành nông nghiệp rất cần tiếp tục nghiên cứu những cơ chế để có thể bảo đảm người nông dân, HTX và DN có thể giao kết và thực hiện hợp đồng một cách trung thực, tận tâm, thiện chí hơn nữa.

Theo VN Business