Làm gì để hài hòa bài toán thuê môi trường rừng?

|

Nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã thuê môi trường rừng của người dân, HTX để trồng dược liệu, phát triển du lịch giúp nâng cao giá trị lâm nghiệp. Tuy nhiên, vì cơ chế pháp lý chưa rõ ràng, nhất là trong việc định giá cho thuê môi trường rừng chưa được cụ thể nên gây băn khoăn cho cả doanh nghiệp đầu tư và HTX, người dân cho thuê.

Để cho thuê môi trường rừng phục vụ nuôi trồng, phát triển dược liệu, điều khó khăn nhất vẫn là xác định giá cho thuê. Theo Thông tư 32/2018/TT-BNNPTNT quy định khung giá rừng, phương pháp định giá rừng, trong đó nguyên tắc định giá rừng theo quy định tại khoản 2, Điều 90 Luật Lâm nghiệp đó là phù hợp với lâm sản và giá trị dịch vụ môi trường rừng đang giao dịch trên thị trường tại thời điểm định giá; phù hợp với từng loại rừng gắn với quy định về quyền sử dụng rừng đảm bảo công khai, minh bạch.

Thiếu phương pháp định giá

Tuy nhiên, theo ông Linh Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Phố Cáo (Hà Giang), việc xác định giá thuê môi trường rừng vẫn rất khó khăn vì vừa tùy thuộc vào việc xác định giá trị tại từng địa phương vừa phụ thuộc vào thị trường từng thời điểm giao dịch nên không ổn định, gây khó cho đơn vị thuê trong việc hoạch định chiến lược đầu tư cũng như huy động vốn.

Có địa phương hiện nay định giá thuê rừng lại tính bằng giá trị gỗ, có địa phương lại định giá thuê bằng giá trị cảnh quan… Điều này là chưa tạo sự thống nhất, gây thắc mắc cho cộng đồng, thành viên. Bên cạnh đó, việc định giá hiện nay chủ yếu là do các cấp quản lý từ cấp huyện nên chưa tạo được sự tin tưởng, thống nhất với cấp xã, người dân, thành viên HTX .

Ông Đinh Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Slam Slẩu (Cao Bằng) cho biết thực tế, hầu hết người dân, thành viên HTX trồng rừng và có nhu cầu cho thuê môi trường rừng là đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là hộ nghèo. Nhưng có điều khi cho thuê, giá thuê chủ yếu do bên thuê làm việc với chính quyền địa phương, phía người cho thuê lại không có căn cứ nào để đàm phán về giá, vì vậy họ thường rơi vào tình trạng bị động và giá đó không phản ánh được giá trị thực tế của rừng cho thuê.

Theo các chuyên gia, do đang thiếu các quy định về việc định giá rừng cho thuê nên rất khó cho việc đảm bảo cơ sở pháp lý trong việc tính tiền thuê rừng. Hơn nữa rừng chưa được định giá hợp lý trước khi cho thuê cũng dẫn đến những khó khăn trong bồi thường thiệt hại khi cho bên thuê và bên cho thuê khi chẳng may rừng bị Nhà nước thu hồi.

Đặc biệt, việc quy định giá cho thuê môi trường rừng hiện chỉ được quy định thuê để phục vụ dịch vụ du lịch sinh thái tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP đó là: Do các bên tự thỏa thuận nhưng không thấp hơn 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê môi trường rừng, trong phạm vi diện tích thuê môi trường rừng. Quy định này còn rất chung chung, không rõ ràng.

-7893-1699007070.jpg

Cần tháo gỡ những khó khăn trong thuê môi trường rừng để vừa nâng cao được giá trị từ rừng vừa tạo thuận lợi trong quá trình thuê và cho thuê.

Tuy nhiên điều này vẫn được cho là hơn hẳn vấn đề cho thuê môi trường rừng để trồng dược liệu. Vì đến nay, Luật Lâm nghiệp cũng chưa có quy định nào về vấn đề cho thuê môi trường rừng để phát triển dược liệu nói chung và cây sâm nói riêng. Trong khi đây được coi là một hướng đi hiệu quả nên chỉ có một số địa phương tự đưa ra quy định thuê rừng phục vụ trồng dược liệu.

Trong đó hoạt động cho thuê rừng trồng dược liệu kết hợp làm du lịch hiện mới chỉ thực hiện nhỏ lẻ thời gian cho thuê ngắn, chủ yếu là trong vòng 5 năm. Điều này chưa mang lại hiệu quả về kinh tế cho cả bên cho thuê và bên có nhu cầu thuê. Bởi theo quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu của Nhà nước đến năm 2020, định hướng 2030, chu kỳ cho mỗi loại dược liệu cơ bản là 2-3 năm nhưng riêng đối với sâm Ngọc Linh phải từ 5-7 năm. Như vậy, nếu thời gian thuê quá ngắn không tạo được giá trị bền vững.

Khuyến khích thuê và cho thuê

Mặc dù cho thuê rừng là một chủ trương đúng nhằm nâng cao giá trị rừng nhưng hiện nay, tỷ lệ rừng cho thuê vẫn còn thấp. Ngay khu vực phía Bắc hiện có 10 vườn quốc gia (Ba Bể, Ba Vì, Bái Tử Long, Cát Bà, Cúc Phương, Hoàng Liên, Tam Đảo, Xuân Sơn, Xuân Thủy, Phia Oắc-Phia Đén) nhưng mới chỉ có 3 vườn quốc gia là Ba Vì, Hoàng Liên, Tam Đảo là đã cho thuê môi trường rừng (thống kê từ các vườn quốc gia phía Bắc). Còn các vườn quốc gia khác chưa tiến hành hoạt động cho thuê môi trường rừng hoặc có vườn quốc gia chỉ liên doanh liên kết với các doanh nghiệp để kinh doanh dịch vụ du lịch như vườn quốc gia Cúc Phương, Cát Bà…

Còn riêng về cho thuê rừng để trồng dược liệu hiện chỉ thực hiện nhỏ lẻ và do tự các địa phương quyết định nên hiệu quả cũng chưa cao. Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, Giám đốc Trang trại đồng quê Ba Vì, cho biết trong bối cảnh hiện nay, pháp luật về lâm nghiệp hiện hành mới cho phép tổ chức cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí mà chưa có những quy định cụ thể về việc chủ rừng được cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng dược liệu.

Trong khi nuôi trồng dược liệu trong rừng cũng đang thu hút rất nhiều khách du lịch và trở thành mô hình, dịch vụ du lịch hiệu quả. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý, các bộ ngành cần chủ động xây dựng đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng dược liệu, từ đó tạo hành lang pháp lý để Nhà nước ban hành chính sách cho thuê môi trường rừng, để nuôi trồng dược liệu dưới hình thức hợp đồng cho thuê môi trường rừng nhằm tạo thuận lợi cho cả bên thuê và bên có nhu cầu cho thuê.

Bên cạnh đó, trong thực tiễn có nhiều loại dịch vụ môi trường rừng mới phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách nhưng chưa bắt kịp so với sự ra đời của các loại dịch vụ này. Ví dụ đã có doanh nghiệp dự định đầu tư xây dựng cáp treo tại vườn quốc gia Bến En nhưng Ban quản lý vườn quốc gia này lại chưa rõ phải tính phí thuê rừng dựa theo diện tích rừng hay theo dịch vụ cảnh quan, do đó các hoạt động cho thuê rừng đều chưa được triển khai.

GS.TS. Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, cho rằng quy định thời hạn thuê rừng phục vụ hoạt động du lịch là 30 năm là chưa phù hợp với thời gian thực hiện dự án trong Luật Đầu tư và thời gian thuê đất trong Luật Đất đai vì quá ngắn. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của doanh nghiệp cho thuê vì khi họ bỏ vốn đầu tư thì cần có sự đảm bảo về thời gian.

Trong khi các văn bản pháp luật cũng chỉ đề cập đến quy định phạt nhà đầu tư thuê môi trường rừng nếu vi phạm mà chưa có quy định khen thưởng những nhà đầu tư làm tốt nên chưa khuyến khích được doanh nghiệp thuê môi trường rừng.

Theo VN Business