Lặng lẽ làng trầm

|
Làng nghề trầm hương Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) bao đời nay nức tiếng gần xa. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, ấy vậy mà bão dịch Covid-19 tràn đến, hàng trăm hộ dân nơi đây rơi vào cảnh lao đao. Tìm hướng đi để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh đang là câu chuyện thường nhật của người dân nơi đây.

Làm bán cho ai?


Trở lại làng trầm hương Vạn Thắng vào dịp cuối năm, chúng tôi không còn thấy cảnh tất bật, náo nhiệt trong các gia đình, ở những cơ sở sản xuất. Cũng không còn hình ảnh những đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến tìm hiểu, mua bán sản phẩm trầm hương. Đến một số địa chỉ quen biết, chúng tôi được đón tiếp thân tình nhưng xen lẫn trong câu chuyện là những tiếng thở dài, nụ cười gượng. “Tôi không ngờ có ngày tình hình sản xuất, bán buôn lại ảm đạm như thế này! Hàng hóa làm ra không có người mua nên bao nhiêu vốn liếng đều nằm trong đó hết. Là chủ cơ sở, tôi vẫn phải duy trì hoạt động để vừa giữ nghề, vừa tạo thu nhập cho người lao động”, ông Trần Nhật Trường - chủ cơ sở Trầm hương Trường Phát (thôn Phú Hội 1) cho biết.

Cơ sở của ông Lê Văn Vinh đã phải tạm dừng sản xuất.


Tới nhà ông Trần Văn Nhâm (thôn Phú Hội 1), chúng tôi được chiêm ngưỡng sản phẩm trầm cảnh mới hoàn thành. Bóc gỡ từng lớp ni lông bảo vệ sản phẩm, tất cả đều cảm nhận mùi hương trầm dịu nhẹ lan tỏa. Để có được sản phẩm với chiều cao 2,2m, đường kính 1,25m, nặng 130kg này, ông Nhâm cùng với 3 người thợ khác phải mất hơn 6 tháng liên tục làm mới xong. Trước đây, sản phẩm trầm cảnh này có giá khoảng 500 triệu đồng, nhưng hiện tại ông Nhâm chỉ mong bán được khoảng 350 triệu đồng là vừa huề vốn. “Tôi theo nghề trầm đã hơn 40 năm, nhưng chưa khi nào thấy tình cảnh lại hiu hắt như thế này. Ông bà xưa dạy “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” nhưng hiện tại nhiều người thợ trầm giỏi trong làng cũng rơi vào cảnh khó khăn. Như gia đình tôi, gần 2 năm nay cũng đành phải cho thợ nghỉ bớt vì dịch bệnh. Bây giờ, các sản phẩm chủ yếu là người trong nhà tự làm để lấy công làm lãi, nhưng cũng khó khăn lắm vì hàng làm ra không có người mua”, ông Nhâm chia sẻ.  

Sản phẩm trầm cảnh kích thước lớn của hộ ông Trần Văn Nhâm.

 

Hộ ông Lê Văn Vinh (thôn Phú Hội 1) đã phải tạm dừng hoạt động từ tháng 7-2021 vì dịch Covid-19 bùng phát ở địa phương. Vì thế, 6 nhân công làm việc cho cơ sở phải tạm nghỉ. Vừa ngồi xỉa trầm như một cách để đỡ nhớ nghề, ông Vinh tâm sự: “Đây là nghề truyền thống của gia đình tôi. Trước đây, sản phẩm của gia đình chủ yếu bán ở TP. Hồ Chí Minh. Do dịch bệnh, năm 2020, việc sản xuất, kinh doanh của gia đình đã khó khăn. Sang năm 2021, tình hình càng ảm đạm hơn buộc chúng tôi phải dừng hoạt động. Vẫn biết như vậy sau này sẽ gặp khó khăn khi kết nối lại với khách hàng hoặc tìm nhân công. Thế nhưng, tình cảnh hiện nay, càng làm càng lỗ nên đành phải nghỉ”.


Phải tìm lối đi mới


Qua tìm hiểu tại một số hộ gia đình, cơ sở sản xuất ở làng nghề trầm hương Vạn Thắng, do tác động của đại dịch Covid-19, doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trầm hương và các sản phẩm từ trầm hương đã sụt giảm khoảng 70-75% so với thời điểm năm 2019. Nhiều cơ sở, hộ gia đình phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí phải tạm dừng hoạt động. Hiện tại, ngoài sản phẩm trầm hương thiên nhiên nguyên khối, các cơ sở còn sản xuất nhiều sản phẩm khác như: Trầm cảnh, vòng tay, các mặt hàng mỹ nghệ, tinh dầu trầm, nhang trầm… để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.


Trong bối cảnh khó khăn do tình hình dịch bệnh, việc tìm ra hướng đi phù hợp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đang được người dân làng trầm hương Vạn Thắng quan tâm. Tuy nhiên, các cơ sở, người dân còn thụ động trong việc tìm kiếm khách hàng, đầu ra cho sản phẩm. Nhiều người trong làng nghề vẫn còn tâm lý “hữu xạ tự nhiên hương”, tiếng lành đồn xa nên họ chỉ quan tâm đến việc làm ra sản phẩm, rồi chờ khách hàng tìm đến mua. Bên cạnh đó, người dân nơi đây cũng chưa chú ý nhiều đến việc xây dựng thương hiệu của riêng mình nên tình trạng sản xuất theo kiểu gia công sản phẩm cho một số thương hiệu trầm hương ở trong và ngoài tỉnh vẫn còn phổ biến.

Người dân làng nghề trầm hương Vạn Thắng đang chế tác một sản phẩm trầm cảnh


“Từ cách đây hơn 30 năm, tôi đã buôn bán trầm hương với người Malaysia, Indonesia, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc. Tôi thấy họ rất chú trọng đến việc tạo dựng thương hiệu cho bản thân. Vậy nên, tôi cũng cố gắng mở 1 cửa hàng trầm hương ở quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) để bán những sản phẩm trầm hương do cơ sở của gia đình mình làm ra. Từ năm 2019 trở về trước, việc kinh doanh trầm hương của chúng tôi rất tốt. Nhưng năm nay, do diễn biến dịch ở TP. Hồ Chí Minh quá phức tạp nên cửa hàng của tôi phải dừng hoạt động”, ông Trần Văn Thông (thôn Phú Hội 1) cho biết.


Còn với ông Trần Nhật Trường, tình trạng đầu ra cho sản phẩm trầm hương gặp khó khăn đã thôi thúc ông phải tìm những cách thức bán hàng trực tuyến. Từ năm 2020, bên cạnh việc bán qua kênh truyền thống, ông Trường đã mày mò, thuê người lập website để bán online những sản phẩm như: Vòng tay, móc khóa, mặt dây chuyền… làm từ trầm. Ông cũng giới thiệu trên website và Zalo những sản phẩm có giá trị cao để khách hàng tìm hiểu. “Yếu tố quan trọng nhất trong việc kinh doanh trầm hương dù trực tiếp hay trực tuyến vẫn là chất lượng sản phẩm. Để giữ chữ tín với khách hàng, cơ sở luôn cố gắng tuyển chọn nhập nguyên liệu đầu vào có chất lượng tốt và công bố rõ ràng cho khách hàng biết về chủng loại, đặc tính chất lượng của sản phẩm mình làm ra”, ông Trường bộc bạch.


Theo ông Biện Quốc Dũng - Chủ tịch Hội Trầm hương Khánh Hòa, từ ngày diễn ra tình hình dịch bệnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân ở làng nghề trầm hương Vạn Thắng gặp quá nhiều khó khăn. Làng nghề hoạt động lay lắt, cầm chừng. Hội mong muốn chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh ngành nghề trầm hương để họ có thể phục hồi sau dịch. Còn những cơ sở sản xuất, kinh doanh trầm hương ở Vạn Thắng cần quan tâm đến việc đầu tư xây dựng thương hiệu riêng; sản xuất những sản phẩm có chất lượng tốt. Hội Trầm hương Khánh Hòa cũng đang cố gắng xây dựng bộ quy chuẩn chất lượng trầm hương Khánh Hòa để góp phần hạn chế tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường.


Người làng nghề trầm hương Vạn Thắng bao đời nay vẫn gắn bó với sản vật đặc trưng ở vùng đất mệnh danh là xứ Trầm hương. Dẫu hiện nay gặp nhiều khó khăn, họ vẫn cố gắng bám nghề, giữ nghề. Và mỗi người dân làm nghề trầm hương đều mong muốn được hỗ trợ để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Phạm Huệ - Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng cho biết: Toàn xã có khoảng 1.000 người gắn bó với nghề làm trầm hương, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Phú Hội 1 và Quảng Hội 1. Trong 2 năm nay, do tác động của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh của người dân bị ảnh hưởng. Sản phẩm trầm hương chủ yếu bán cho khách hàng ở địa phương khác, khách du lịch nên lượng tiêu thụ giảm mạnh. Nhiều cơ sở làm trầm hương phải cố gắng duy trì, cầm cự trong giai đoạn này, phải giảm nhân công, thu hẹp quy mô sản xuất. Trong việc hỗ trợ cho người lao động, địa phương đã thực hiện chi hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ, nhưng cũng chỉ những người bảo đảm các điều kiện theo quy định mới được nhận hỗ trợ.

Theo Báo Khánh Hòa Online.