Lỏng lẻo quy trình quản lý nông sản ra thị trường
Câu chuyện rau chợ thành rau VietGAP và được bán ở một số siêu thị bị lộ diện đang cho thấy sự bất cập trong khâu quản lý và các quy định pháp luật. Nếu không được tháo gỡ kịp thời, quá trình sản xuất của HTX sẽ gặp nhiều bất lợi và ngành nông nghiệp cũng khó nâng cao được chất lượng.
Ông Lâm Tuấn Ngọc, Giám đốc HTX Tuấn Ngọc cho biết, vì đạt tiêu chuẩn VietGAP nên giá rau của HTX khi xuất ra thị trường có giá cao gấp đôi so với giá rau trồng thông thường. Tuy nhiên, trước thực trạng hiện nay rất cần các cơ quan quản lý vào cuộc để những HTX kinh doanh đúng quy trình có thể yên tâm đầu tư và cung ứng nông sản an toàn ra thị trường.
Quản lý nửa vời
Trước vấn đề trên, câu hỏi đặt ra là quy trình đưa rau vào siêu thị như thế nào, cơ quan nào có trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát việc đưa nông sản, thực phẩm ra thị trường?
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Nội, cho biết các HTX muốn đưa hàng vào siêu thị trước tiên cần phải có giấy phép đăng ký kinh doanh, hồ sơ công bố chất lượng, công bố kiểm nghiệm sản phẩm. Ngoài ra, siêu thị cũng tiến hành đánh giá chất lượng sản phẩm tại vùng canh tác, tại kho và tại quầy kệ siêu thị.
Đi cùng với đó, siêu thị còn khảo sát trực tiếp nơi sản xuất và kiểm nghiệm lưu động trực tiếp chất lượng nông sản tại vườn của HTX mà không báo trước.
Nhìn vào quy trình kiểm tra, kiểm soát của siêu thị trên, có thể thấy vẫn còn những kẽ hở khiến nông sản không bảo đảm chất lượng vẫn có thể đi vào siêu thị. Bởi mặc dù siêu thị yêu cầu rất chặt chẽ đối với các nhà cung cấp, tuy nhiên, khi số lượng rau không đủ đáp ứng thì hoàn toàn có thể xảy ra việc đơn vị cung cấp thu gom rau tại các nơi khác rồi dán nhãn rau an toàn. Trừ trường hợp những nhà cung cấp làm ăn chân chính, chú trọng xây dựng thương hiệu trên thị trường.
Ngoài vấn đề trên, hiện nay các quy định về chất lượng, yêu cầu sản xuất đang có những chồng chéo dẫn đến quy trình sản xuất, phân phối vẫn chưa được chặt chẽ.
Cụ thể là theo quy định tại Luật An toàn vệ sinh, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chỉ bắt buộc có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh, không yêu cầu có giấy chứng nhận VietGAP.
Theo các chuyên gia, điều này phải chăng đang tạo cơ hội cho những đơn vị làm ăn chộp giật tuồn nông sản không đạt chất lượng vào các siêu thị và sức khỏe người tiêu dùng ít được quan tâm hơn.
Về thẩm quyền quản lý, theo quy định, các cơ sở thương mại thực phẩm đều phải có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và chỉ được thương mại sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh. Vậy cơ quan nào kiểm soát việc này?
Nhiều HTX làm ăn chân chính đang bị vạ lây chuyện rau chợ giả rau VietGAP để vào các siêu thị. |
TS Nguyễn Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), cho biết Luật An toàn vệ sinh quy định Bộ NN&PTNT là đơn vị quản lý chợ đầu mối, Bộ Công Thương là đơn vị quản lý các siêu thị/trung tâm thương mại. Tuy nhiên, trong một buổi hội thảo về vấn đề quản lý an toàn vệ sinh tại chợ đầu mối gần đây, sở NN&PTNT TP. HCM lại cho rằng, Sở Công thương mới là đơn vị quản lý chợ đầu mối.
“Điều này cho thấy sự không rõ ràng, thiếu tính thống nhất trong quá trình làm việc của các cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm”, bà Minh nói.
Ngoài ra, vấn đề mà các HTX quan tâm hiện nay đó chính là đơn vị nào có thẩm quyền kiểm tra, đình chỉ cơ sở sản xuất, thương mại nông sản, thực phẩm khi bị vi phạm các quy định? Chia sẻ về điều này, bà Minh cho biết ở nhiều nước phát triển, đội ngũ thanh tra viên về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được đào tạo chuyên nghiệp. Trách nhiệm và thẩm quyền cá nhân của đơn vị này được quy định rõ ràng. Còn ở Việt Nam, cơ quan thanh tra vừa thiếu, vừa yếu do cơ chế tập thể nên họ hầu như không có thẩm quyền.
Trước thực tế trên có thể thấy, vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm từ sản xuất-tiêu thụ đang theo kiểu nửa vời, không kiên quyết, rốt ráo, rõ ràng về trách nhiệm. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đang bị chồng chéo và lạc hậu so với các nước trên trên thế giới.
Ngay như Luật An toàn vệ sinh quy định không bắt buộc cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phải có chứng nhận VietGAP, trong khi hầu hết các nước nhập nông sản của Việt Nam lại yêu cầu nông sản xuất khẩu phải có nhiều loại giấy chứng nhận như GlobalGAP, HACCP…
Không những vậy, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay cũng đã có nhiều tiêu chí thực hiện kiểu hạ cấp để phù hợp với trình độ của doanh nghiệp/HTX Việt Nam.
Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Hoằng Đạt (Thanh Hóa), cho biết với những quy định như hiện nay, rất khó nâng tầm chất lượng nông sản để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là phục vụ xuất khẩu.
Quản lý phải chặt chẽ
Để tiêu thụ bền vững nông sản an toàn trong hệ thống phân phối, theo các chuyên gia, trước hết Nhà nước phải xem xét lại các luật, quy định liên quan đến sản xuất, nhập và tiêu thụ hàng hóa trên thị trường, nếu cần thiết phải sửa đổi để dễ quản lý và quản lý chặt chẽ hơn, nghiêm minh hơn.
Ngay như vấn đề truy xuất nguồn gốc điện tử hiện nay được coi là công cụ hữu hiệu để các HTX đưa thông tin, cập nhật thông tin để chứng minh quá trình sản xuất nông sản thực hiện đúng tiêu chuẩn an toàn đã được chứng nhận. Thông tin truy xuất nguồn gốc phải được thông suốt trong toàn chuỗi sản xuất-tiêu thụ.
Vậy nhưng Luật An toàn vệ sinh thực phẩm hiện không có quy định về truy xuất nguồn gốc điện tử, cũng không định nghĩa rõ thế nào là truy xuất nguồn gốc. Thế nên rất nhiều HTX vẫn còn loay hoay trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, cho biết nhiều HTX thực hiện dán mã QR lên sản phẩm và nói đây là truy xuất nguồn gốc. Nhưng khi truy cập mã QR thì không hề có thông tin về các tiêu chuẩn được chứng nhận trong quá trình sản xuất/thương mại.
Ngoài ra, nhiều cơ quan quản lý cấp tỉnh đầu tư cho truy xuất nguồn gốc nhưng lại chọn sai đơn vị thực hiện bởi họ cũng không biết rõ truy xuất nguồn gốc nhằm mục đích gì và thế nào là đúng.
Ông Chính cũng cho rằng trong lĩnh vực trồng trọt hiện nay có trên 40 tổ chức được cấp quyết định chứng nhận VietGAP cũng là kẽ hở trong việc quản lý việc tiêu thụ sản phẩm VietGAP.
Ngoài việc thay đổi, bổ sung các vấn đề trong văn bản quy phạm pháp luật, theo các chuyên gia, các nhà bán lẻ cũng phải xây dựng và nâng cao nội quy nội bộ, quy trình từ khi nhập sản phẩm đến khi bán ra, để sao cho bất cứ tình huống nào xảy ra cũng quy được trách nhiệm của từng công đoạn, từng cá nhân để xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Bên cạnh đó, việc hình thành và phát triển các sàn giao dịch nông sản công khai cũng được cho là cần thiết vì có thể giúp kiểm tra thường xuyên về chất lượng nông sản một cách minh bạch và phù hợp với thời đại công nghệ số.
Tuy nhiên, dù là giải pháp nào đi chăng nữa, điều các HTX mong muốn trong lúc này đó chính là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước. “Nếu các cơ quan quản lý không vào cuộc mạnh mẽ, xử lý mạnh tay thì người tiêu dùng sẽ không dùng hàng Việt nữa mà chuyển sang chọn hàng nhập khẩu. Đây không chỉ là bất lợi đối với các HTX mà còn với cả ngành nông nghiệp”, ông Lâm Tuấn Ngọc cho biết.
Theo Thời Báo Kinh Doanh
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [06/11/2024] HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI GIỮA LÃNH ĐẠO UBND TỈNH VỚI CÁC HTX TRÊN ĐỊA BÀN NĂM 2024
- [04/11/2024] Phát triển du lịch nông nghiệp tại Cam Lâm
- [03/10/2022] Vì sao HTX vẫn e dè đưa nông sản vào siêu thị?
- [03/10/2022] Vì sao HTX chưa thể bứt phá với nông nghiệp công nghệ cao?
- [03/10/2022] HTX tìm cách khai thác mỏ vàng livestream
- [03/10/2022] Khu vực hợp tác xã phục hồi và phát triển sản xuất – kinh doanh
- [30/09/2022] Thúc đẩy phát triển sản xuất từ liên kết Hợp tác xã