Mở Hợp tác xã truyền nghề giúp phụ nữ đồng bào

|
PNO - Bà Kén là một phụ nữ người Kinh lên vùng cao lập nghiệp. Những năm qua, hợp tác xã của bà đã giúp hàng ngàn phụ nữ người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu ở vùng đại ngàn Trường Sơn thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế có thu nhập ổn định.

Học nghề và truyền nghề

Qua giới thiệu của chị Hồ Thị Sương - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã A Ngo, huyện A Lưới - chúng tôi tìm gặp bà Hoàng Thị Kén, 64 tuổi. Bà Kén hiện là chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) sản xuất chổi đót và gia công mỹ nghệ Hoàng Thiện tại xã A Ngo. Từ một nông dân, bà Kén đã trở thành giáo viên dạy nghề làm chổi đót cho hàng ngàn chị em phụ nữ dân tộc ở huyện A Lưới.

Bà Kén nhớ, năm 1982, do cuộc sống khó khăn nên bà rời vùng quê chiêm trũng Quảng Điền để lên huyện miền núi A Lưới làm kinh tế mới. Đến đầu những năm 2000, nhận thấy trên địa bàn huyện có rất nhiều đót, cứ vào tháng Hai, Ba là đót trổ bông, bông đót là nguyên liệu để làm chổi quét nhà được thị trường rất ưa chuộng. Thế là bà quyết định xuống thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) học nghề làm chổi đót. Đầu tuần bà lên xe đò xuôi về thị xã để học nghề, cuối tuần lại trở lại vùng cao chăm sóc gia đình, vườn tược.

Hơn 20 năm làm nghề chổi đót bà Kén đã giúp hàng trăm hộ gia đình ở huyện A Lưới có thu nhập và ổn định cuộc sống
Hơn 20 năm làm nghề chổi đót bà Kén đã giúp hàng trăm hộ gia đình ở huyện A Lưới có thu nhập và ổn định cuộc sống
 

Học xong nghề, bà Kén trở lại A Lưới thu mua đót của nhiều người rồi tự tay làm chổi để bán. Ban đầu, bà mang bán sản phẩm cho các đại lý và khách lẻ. Sau đó, bà mạnh dạn mở tổ hợp sản xuất rồi thành lập HTX. Hiện tại, cơ sở của bà Kén có khoảng 50 lao động làm việc bán thời gian với mức lương dao động từ 2,5-4 triệu đồng/người. Bà Kén nói: “Nghề này vừa dễ làm vừa tranh thủ được thời gian nhàn rỗi. Để có một cây chổi đẹp, mỗi người đảm nhận một công đoạn, từ mua đót, cân đót, phơi đót, phân loại, gia công cán chổi... Mỗi người làm một phần việc, vừa nhanh vừa chất lượng”. 

Điểm tựa vững chắc cho người nghèo

Nhờ HTX của bà mà hàng ngàn phụ nữ người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu ở vùng ngàn Trường Sơn đã có thu nhập ổn định. Như bao phụ nữ khác tại địa phương, bà Kăn Thơm (50 tuổi, xã A Ngo) cũng đến HTX Hoàng Thiện nhận hàng về nhà gia công và rất vui với công việc của mình: “Người ta làm phụ chứ với mẹ đây là công việc chính. Mùa cao điểm, mỗi ngày mẹ kiếm được hơn 100.000 đồng. Đây là nguồn thu nhập đáng kể của một người cao tuổi như mẹ”. Trường hợp khác là chị Quyên: “Nếu yêu nghề, gắn bó thì nghề không phụ. Nghề chổi đót cho mình có cơ hội tham gia chương trình “Vượt lên chính mình”, được cấp vốn trả nợ ngân hàng và mở ra một cuộc sống mới. Giờ mình đã nuôi con ăn học nên người, kinh tế gia đình ổn định”.

Qua sự kết nối của bà Kén, những tổ chức, cá nhân thiện nguyện đã tìm đến xã A Ngo để tặng quà cho trẻ em,  phụ nữ nghèo
Qua sự kết nối của bà Kén, những tổ chức, cá nhân thiện nguyện đã tìm đến xã A Ngo để tặng quà cho trẻ em, phụ nữ nghèo

Hơn 20 năm thăng trầm theo nghề chổi đót, bà Kén bảo rằng, làm chổi cần sự tỉ mỉ, siêng năng. Một cây chổi làm ra phải đẹp và bền mới đáp ứng nhu cầu khách hàng. Để hoàn tất những đơn hàng lớn, bà phân chia nhiều công đoạn, người giỏi việc nào sẽ đảm nhận công việc đó, nhờ vậy mà năng suất và chất lượng mới đảm bảo, sản phẩm giao đúng hẹn. Như chị Quyên, mỗi ngày làm 30-50 lọn đót đều đặn, chổi nhìn đều răm rắp khiến khách hàng hài lòng.

Bình quân mỗi tháng, HTX Hoàng Thiện của bà Kén sản xuất được khoảng 1.000 cây chổi. Chổi đót của bà làm ra không chỉ bán trong tỉnh mà còn được đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình… Có nhiều thời điểm chổi của bà Kén làm ra không đủ bán, khách hàng phải chờ đợi. Vào các dịp tổ chức hội chợ thương mại hoặc giới thiệu sản phẩm nông nghiệp nông thôn, đông đảo lao động lại tập trung tại nhà bà Kén để làm việc đến 20 giờ với tinh thần sôi nổi, rộn ràng.

Từ năm 2008 đến nay, bà chủ HTX Hoàng Thiện còn thường xuyên được Trung tâm Dạy nghề huyện A Lưới mời đến dạy các nghề thủ công cho hàng ngàn phụ nữ dân tộc tại các xã trong huyện, giúp họ biết tận dụng nguồn nguyên liệu phong phú của núi rừng để phát triển sản suất, tăng thêm thu nhập cho cuộc sống gia đình. Nhiều học viên sau khi được dạy nghề đã nhận nguyên liệu của HTX về gia công và nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ làm chổi đót. 

Không chỉ làm đót, bà Kén còn sáng tạo ra những mẫu mã từ nghề đan lát làng quê, trồng nấm bào ngư… để tăng thêm thu nhập, tạo thêm việc làm cho nhiều người. 

Bà Kén quan niệm, đã sản xuất kinh doanh thì phải có trách nhiệm với cộng đồng. Vì vậy mà trong bản, trong xã có gia đình nào khó khăn, có người mắc bệnh hiểm nghèo, bà đều hỗ trợ tiền thuốc thang trên tinh thần “của ít lòng nhiều”. Nhiều trường hợp mắc bệnh nan y, phải về TP Huế điều trị dài ngày, qua sự quen biết của mình, bà kết nối các nhà hảo tâm đến tận nơi để giúp đỡ. “Hơn 3 năm nay, thấy gia cảnh anh Hồ Văn P. khốn khó, mình đã nhận luôn đứa con bị khiếm thính của anh về nhà làm con nuôi. Bữa ăn gia đình giờ có thêm cái chén, đôi đũa, cũng vui lắm cháu ạ. Ở đây bà con còn khổ quá, mình chỉ mong trời thương cho sức khỏe để còn giúp bà con xóa đói, giảm nghèo” - bà Kén nói.

Theo Báo Phụ nữ