Nâng cao năng lực chuyển đổi số cho HTX

|

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao giúp ổn định sản xuất và là chìa khóa để HTX tạo sự đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Nhưng để làm được điều này, một trong những vấn đề trọng tâm trước mắt là cần giúp nông dân, thành viên HTX nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh... từ đó chủ động ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia cao cấp Viện lúa gạo quốc tế, cho biết trong dự án phát triển 1 triệu ha lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, để vừa nâng cao chất lượng, vừa nâng cao sản lượng lúa, bảo đảm phát thải thấp thì công nghệ số sẽ hỗ trợ rất mạnh những mục tiêu này.

HTX chưa tiếp cận được công nghệ

Hiện, nhiều doanh nghiệp, viện, trường đã tham gia vào nghiên cứu nhưng thực tế ngoài đồng ruộng, người nông dân, thành viên HTX chưa tiếp cận được các công nghệ.

Đúng như lời ông Nguyễn Văn Hùng nói, nhiều HTX đang gặp bất cập đó là khi vào vụ, HTX có thể thu hoạch hàng ngàn tấn nông sản nhưng hết vụ lại không có hàng để xuất bán, nhất là vào thời gian ngắt quãng để gieo trồng vụ khác. Chính vì vậy, nhiều HTX mong muốn được đào tạo, hỗ trợ để áp dụng làm nông nghiệp 4.0 vào sản xuất và quản lý, đồng thời liên kết doanh nghiệp để nâng cao năng lực quản lý trang web, vận hành hệ thống dữ liệu, chuyển đổi số hiệu quả.

Ông Ngô Văn Duẩn, Giám đốc HTX vịt biển Đông Xuyên (Thái Bình) dù đã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và ký kết được những hợp đồng lớn, nhưng đặc điểm của trứng vịt là dễ bị vỡ, còn vịt biển cần quy trình bảo quản nghiêm ngặt để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm nên HTX đang lúng túng tìm giải pháp, công nghệ phù hợp cho việc bảo đảm nguyên vẹn chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng. “Chính vì điều này mà HTX chưa thể đáp ứng được các đơn hàng nhỏ lẻ ở những nơi HTX không có đại lý hoặc cửa hàng bán sản phẩm”, ông Duẩn chia sẻ.

Theo các chuyên gia, ở nước ta, nông nghiệp cũng như kinh tế tập thể là lĩnh vực kinh tế quan trọng và thu hút lượng lao động lớn nhưng lại có mức độ ứng dụng công nghệ thấp so với thế giới. Trong khi chuyển đổi số được xác định là hướng đi tất yếu của nông nghiệp và các HTX nhưng tốc độ ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp và HTX trên thực tế chưa cao.

-7940-1687341533.jpg

Muốn chuyển đổi số hiệu quả, cần có công nghệ phù hợp với "ngôn ngữ" của nông dân, thành viên HTX.

Thống kê cho thấy, đến 31/12/2022, cả nước có 29.021 HTX, thu hút 6,94 triệu thành viên là hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn. Nhưng trong số HTX nông nghiệp nói trên, mới chỉ có khoảng 2.000 HTX ứng dụng công nghệ, 300 HTX sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh.

Nhiều thành viên HTX vẫn còn mơ hồ về khái niệm chuyển đổi số và gặp nhiều khó khăn khi bắt tay vào ứng dụng công nghệ. Những điều này dường như khiến nhiều thành viên HTX chưa sẵn sàng chuyển đổi số trong điều kiện hiện tại.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều HTX, mô hình nông nghiệp đang chuyển đổi số khá hiệu quả nhờ có cách nhìn linh hoạt và cách tiếp cận công nghệ phù hợp. Theo đó, để chuyển đổi số được, thành viên HTX có thể thực hiện từng bước, từ những khâu đơn giản tới phức tạp, từ những bước nhỏ tới toàn diện và đồng bộ.

Giúp HTX đến gần với công nghệ

TS. Nguyễn Trung Kiên, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), cho biết chuyển đổi số không chỉ dừng ở ứng dụng các công nghệ mà còn phải đến từ việc thay đổi cách thức, tư duy làm việc của nông dân, thành viên HTX. Điều này giúp họ dễ dàng đến gần với khoa học kỹ thuật tiên tiến, số hóa hoạt động sản xuất theo quy trình.

Bên cạnh đó, muốn chuyển đổi số hiệu quả trong nông nghiệp thì phải bắt đầu từ nông dân, và các công nghệ số phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, đặc điểm của người nông dân. Sản phẩm công nghệ số phải tiếp cận được với nông dân, phải phù hợp với “ngôn ngữ” của người nông dân, thành viên HTX.

Nhận thức rõ được điều này, nhiều địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ người dân, HTX nâng cao tư duy, năng lực chuyển đổi số cho các HTX, người dân. Như tại Trà Vinh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã phối hợp với Công ty Sorimachi hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, HTX thực hiện quá trình chuyển đổi số qua ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và phát triển bền vững. Trong đó, các chuyên gia đã có những hướng dẫn, phân tích và hỗ trợ một số HTX sử dụng phần mềm kế toán WACA. Phần mềm này được thiết kế phù hợp với trình độ công nghệ thông tin của HTX, giúp bộ phận kế toán dễ thực hành và ứng dụng trong thực tiễn của HTX. Điều này còn giúp HTX tiết kiệm thời gian, chi phí.

Là một trong những HTX được hỗ trợ ứng dụng công nghệ, cụ thể là sử dụng và quản lý phần mềm quản lý sản xuất facefarm, HTX nông nghiệp Rạch Lọp (Trà Vinh) đã bước đầu có những đổi thay tích cực trong việc quản lý khi mọi việc từ nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc đều được số hóa, thực hiện trên điện thoại thông minh. Ngoài ra, lãnh đạo HTX đã biết cách xây dựng định mức chi phí và giá thành sản phẩm, biết chẩn đoán được tình hình “sức khỏe” của HTX nhằm ngăn ngừa rủi ro và đề ra các giải pháp nhằm phát triển sản xuất kinh doanh tốt hơn…

Ông Takahashi Akihiko, Tổng giám đốc Công ty Sorimachi Việt Nam, cho biết với những công nghệ phù hợp với đặc thù của người làm nông nghiệp, mô hình HTX, việc hỗ trợ này giúp các HTX đến gần hơn với công nghệ số trong sản xuất để nâng cao thu nhập cho HTX và thành viên.

Ngoài việc đưa công nghệ phù hợp với năng lực của nông dân, HTX, một điều quan trọng hơn nữa được các chuyên gia lưu tâm đó là, để chuyển đổi số hiệu quả, cơ sở hạ tầng cũng phải phát triển song song. Nhưng có một điều là cơ sở hạ tầng hiện nay của Việt Nam để phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp chưa thực sự phát triển. Mạng internet tuy được đánh là mạnh hơn so với một số nước trong khu vực nhưng chưa phủ khắp các vùng nông thôn.

Bên cạnh đó, muốn chuyển đổi số hiệu quả thì cần số hóa toàn bộ nền nông nghiệp trước, tức là phải chuyển toàn bộ cơ sở dữ liệu, tích hợp được cơ sở dữ liệu về nông nghiệp nói chung cũng như về từng ngành trong lĩnh vực nông nghiệp. Dẫn chứng về điều này, ông Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia cao cấp Viện lúa gạo quốc tế cho biết, đối với cây, việc số hóa phải đến từ từng khâu như: cây lúa có những bệnh gì, cách giải quyết như thế nào, thời gian mùa vụ như thế nào, biến đổi khí hậu ảnh hưởng ra sao, máy móc ứng dụng như thế nào, thu hoạch như ra sao…  Tất cả đều cần được số hóa.

“Hiện nay, đã có một số dữ liệu của một vài khâu trong sản xuất nhưng chưa được số hóa theo quy trình nên hiệu quả chuyển đổi số chưa cao, từ đó chưa mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, HTX”, chuyên gia cao cấp Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Theo VN Business