Nghiệm thu đề án khuyến công tại Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước
Sáng 02-10-2018, Sở Công Thương tổ chức nghiệm thu Đề án khuyến công: “Ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ mây tre đan phục vụ xuất khẩu và du lịch” tại Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước (phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa).
Tổng vốn đầu tư hệ thống máy móc thiết bị gần 3,5 tỷ đồng, trong đó phần vốn đầu tư để được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công là hơn 500 triệu đồng. Đề án đã tạo thêm việc làm cho 50 lao động trong tổng số 200 lao động đang làm việc tại Hợp tác xã và hơn 1.000 lao động nhàn rỗi trên địa bàn; góp phần tăng năng suất sản phẩm, tăng lương của người lao động thêm 300.000 đồng/người/tháng và tổng thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động là 5 triệu đồng.
Người lao động tại Hợp tác xã Vĩnh Phước
Hội đồng căn cứ vào mức đầu tư, thống nhất nghiệm thu đề án, với mức ngân sách tỉnh hỗ trợ 106,8 triệu đồng.
Được biết, Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước nguyên thủy là từ một tổ sản xuất nhỏ, qua năm tháng Hợp tác xã không ngừng phát triển lớn mạnh, tạo việc làm cho hàng nghìn người lao động tại chỗ và tại nhà, với các sản phẩm mỹ nghệ nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Sản phẩm của Hợp tác xã lấy từ các vật liệu chính mang tính truyền thống như tre, nứa, mây và các vật liệu tết bện như rơm rạ, bẹ chuối, cói, lục bình… Kết hợp với công nghệ xử lý hiện đại, với bàn tay đan lát thủ công khéo léo của người thợ đã cho ra sản phẩm mây tre đan đáp ứng được đòi hỏi khắt khe của thị trường (như Pháp, Thụy Điển, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha, Canada, Nhật và những nước Tây Á). Năm 2017, doanh thu của Hợp tác xã đạt trên 54 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 1,2 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động là 3,5 triệu đồng/tháng.
Hợp tác xã đang thực hiện liên kết với 7 hợp tác xã nông nghiệp khác trên địa bàn, thu hút hơn 4.000 người tham gia gia công, đáp ứng kịp thời yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng của các đơn đặt hàng. Người tham gia lao động ở đây, ngoài thu nhập ngày càng nâng cao, còn được Hợp tác xã thực hiện đầy đủ các chính sách phúc lợi như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động...
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghệ cao, Hợp tác xã chủ động thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo chuyên môn bài bản ở các công đoạn sản xuất phức tạp, cần sử dụng đến máy móc, như bóc tách, sơ chế nguyên liệu… Bên cạnh đó, Hợp tác xã đã không ngừng cải tiến cả về quy trình công nghệ chế tạo lẫn áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật tiến tiến trên thế giới. Chất lượng và mẫu mã hàng hóa của Hợp tác xã liên tục được thay đổi, mang lại niềm tin cho nhiều đối tượng khách hàng. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã đã không ngừng lớn mạnh. Doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước.
Ngọc Hạnh (tổng hợp từ nguồn: baokhanhhoa.vn và thoibaokinhdoanh.vn)
- [02/05/2025] Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tìm hiểu mô hình hợp tác xã du lịch nông nghiệp tại Khánh Hòa
- [02/05/2025] 15 tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên tham gia xúc tiến thương mại, kết nối giao thương khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã
- [13/03/2025] Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng xã Khánh Hiệp: Hướng đến phát triển nông nghiệp xanh
- [13/03/2025] “Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Vạn Ninh ra đời góp phần thực hiện Quyết định số 231/QĐ-TTg, ngày 24/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa, là cơ sở quan trọng để thành viên thay đổi phương thức sản xuất từ nuôi biển truyền thống sang nuôi công nghệ cao, gắn với bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, kết hợp phát triển du lịch sinh thái”
- [08/03/2025] HỘI NGHỊ KÝ GIAO ƯỚC THI ĐUA KHỐI CÁC HỢP TÁC XÃ NĂM 2025
- [28/09/2018] Thủy sản gặp khó trên sân nhà
- [28/09/2018] Khánh Hòa "nắn" luồng du khách nước ngoài
- [21/09/2018] Muối lại mất mùa diêm dân lao đao
- [16/09/2018] Các nữ quản lý HTX tại Chung khảo Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2018.
- [16/08/2018] Xây dựng HTX phát triển gắn với chuỗi giá trị là thật sự cần thiết