Nhập nhằng xuất xứ nông sản khiến HTX lao đao

|

Không hiếm mặt hàng nông sản của các HTX bị giả mạo xuất xứ với một số nông sản cùng loại nhưng có nguồn gốc từ nước ngoài. Điều này không chỉ khiến các HTX thiệt hại về kinh tế, mất lòng tin với người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến cả thương hiệu của các ngành hàng nông sản.

Mới đây, một số HTX trồng rau hữu cơ ở Kim Bôi (Hòa Bình) đã phải lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng trước thực trạng có một số trang mạng giả mạo dưa chuột nếp hữu cơ PGS. Bởi loại nông sản này dù đã hết vụ từ giữa tháng 4 (dưa chuột nếp mỗi năm có 2 vụ ngắn, mỗi vụ kéo dài khoảng 15-20 ngày) nhưng đến gần giữa tháng 5 vẫn còn một số trang mạng rao bán với giá 35.000 đồng/kg.

Khó kiểm soát nếu xuất qua trung gian

Tình trạng trên được cho là vì nhiều người đã nhập nhằng thương hiệu để bán nông sản Trung Quốc với giá ngang bằng hoặc chỉ thấp hơn một ít so với nông sản cùng loại của người dân, HTX trong nước. Và thực trạng này không chỉ diễn ra đối với quả dưa chuột nếp của các HTX trồng rau hữu cơ ở Kim Bôi mà còn với nhiều loại nông sản khác như thanh trà, dâu tây, khoai tây…

Đối với người tiêu dùng, rất ít người có thể "thông thái" để nhận biết, phân biệt được xuất xứ của các loại nông sản cùng loại. Tình trạng này vô tình khiến việc giả mạo thương hiệu, nguồn gốc nông sản nội và ngoài tiếp tục diễn ra.

Theo các chuyên gia, điều này được cho là từ chính sách mở cửa cho nông sản của các nước ASEAN dẫn đến thị trường trái cây nhiệt đới thêm sôi động, nhưng qua đó cũng có những vấn đề xảy ra nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Đặc biệt, dù nhiều loại nông sản của Việt Nam gắn với các địa danh cụ thể như dâu tây Mộc Châu, rau Đà Lạt,… nhưng vẫn khó cạnh tranh với nông sản cùng loại của Trung Quốc. Nguyên nhân là vì Trung Quốc vốn là nước rất nhanh nhạy về thị trường. Họ thấy bất kỳ sản phẩm nào được người tiêu dùng ưa chuộng, có ưu thế ở Việt Nam đều có kế hoạch sản xuất, trồng trọt cụ thể như: xoài, sầu riêng, thanh long, chanh leo…

-8252-1684490457.jpg

Dâu tây Mộc Châu đang gặp nhiều khó khăn trước sự xuất hiện của dâu tây Trung Quốc.

Ông Nguyễn Duy Phú, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc), cho biết dù đang nhập sầu riêng từ một số nước như Thái Lan, Malaysia, Việt Nam nhưng Trung Quốc vẫn chủ động trồng sầu riêng ở đảo Hải Nam với diện tích gần 100ha và bắt đầu cho thu hoạch từ năm nay. Ngoài ra, nước này còn trồng vải thiều với sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn/năm, xoài trên 200.000 tấn/năm…

Những bước đi của Trung Quốc được các nhà phân tích cho rằng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến việc sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Đặc biệt nếu không làm tốt các khâu quản lý từ sản xuất đến đưa nông sản ra thị trường, việc bị mạo danh, giả mạo nông sản sẽ khó chấm dứt.

Bà Hoàng Thị Nguyên, thành viên HTX Nông nghiệp Hữu cơ Trại Sơn (Hòa Bình) cho biết, đối với những HTX liên kết được với các doanh nghiệp, đưa nông sản vào siêu thị có thể tạm yên tâm về chất lượng và nguồn gốc nông sản khi đến tay người tiêu dùng.

Bởi nông sản khi vào các siêu thị phải bảo đảm các yêu cầu về chất lượng quả và đóng gói, dán tem mác đầy đủ. Còn nếu xuất cho thương lái, các hộ thu mua nhỏ lẻ thì rất khó quản lý vì không thể biết sau khi mua, họ sẽ chế biến tiếp hay thay đổi bao bì, mẫu mã, tem nhãn của nông sản cùng loại nhưng xuất xứ ở nơi khác.

Còn ông Mai Quang Vinh, Chủ tịch Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam, cho rằng dù nhiều nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu nhưng chủ yếu xuất khẩu qua trung gian nên rất khó quản lý đường đi của nông sản đến người tiêu dùng cuối cùng. Có thể nông sản được các nước nhập về sau đó sơ chế, chế biến và dán tem của họ nên thương hiệu, nông sản Việt khó khẳng định được trên thị trường.

Tận dụng dư địa

Từ thực trạng bị mạo danh xuất xứ nguồn gốc nông sản của các HTX đến việc làm sao để hạn chế tình trạng này và đưa nông sản thành công ra nhiều thị trường trên thế giới, theo các chuyên gia, cần thấy rằng Trung Quốc dù chủ động trong sản xuất nhiều mặt hàng trùng với nông sản ưu thế của Việt Nam nhưng mỗi năm, quốc gia này vẫn nhập khoảng 14 tỷ USD trái cây. Trong khi đó, Trung Quốc chủ yếu xuất siêu sang các nước trong ASEAN về linh kiện, máy móc.

Điều này cho thấy, dư địa để Việt Nam xuất khẩu nông sản sang thị trường này là rất lớn và việc hạn chế nhập nhằng xuất xứ nông sản vẫn có thể được giảm thiểu nếu người dân, HTX, doanh nghiệp trong nước giữ tốt chất lượng, làm chặt chẽ trong quy trình sản xuất, xuất khẩu.

Đặc biệt, muốn không bị pha trộn nguồn gốc nông sản, cần phải chú trọng kiểm soát vùng trồng. Điều này cũng giống như Trung Quốc đang đặt ra những yêu cầu đối với các nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang nước này.

Nếu các HTX không giữ tốt chất lượng, bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, sâu bệnh, sơ chế, đóng gói, mã số vùng trồng… thì cho thấy khâu sản xuất không theo quy trình, không chặt chẽ để đưa nông sản ra thị trường. Như vậy sẽ càng khiến nông sản khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại nhưng được nhập khẩu từ nước khác, và phía Trung Quốc cũng sẵn sàng loại bỏ những vùng trồng này.

Bên cạnh đó, cần phải có sự liên kết trong sản xuất giữa nông dân, HTX với doanh nghiệp để tăng tính chặt chẽ cho quy trình sản xuất và đưa nông sản ra thị trường. Từ đó, hạn chế tình trạng giả mạo thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản cho những người trực tiếp sản xuất.

Hiện, việc trao đổi hàng hóa chủ yếu diễn ra theo hình thức thủ công, sử dụng bằng tiền mặt với rất nhiều khâu trung gian khiến nông sản đến tay người tiêu dùng vòng qua rất nhiều công đoạn mà không được quản lý.

Tuy nhiên, muốn làm tốt hơn những điều này, cần sự vào cuộc từ tổng lực, chứ nếu đơn thuần chỉ dừng lại ở nông dân, HTX thì cũng khó mang lại hiệu quả lâu dài.

Theo VN Business