Nhớ mùa lúa chét

|
Nghe hai chữ lúa chét, nếu không phải là dân sống ở ruộng đồng, nhiều người sẽ nghĩ đó là tên của một giống lúa lạ. Không phải vậy, lúa chét còn gọi lúa tái sinh, nghĩa là những nhánh lúa được mọc ra từ phần thân các cây rạ mà người ta đã gặt xong từ vụ mùa trước. Những nhánh lúa này qua một thời gian cũng làm đòng, trổ bông, cho hạt.

Giống như nhiều vùng đất khác của miền Trung mùa đông hay bị lụt nên ruộng ở quê tôi chỉ làm hai vụ: Xuân hè và hè thu. Hàng năm, vào giữa tháng 9 âm lịch, khi vụ hè thu vừa xong, lúa đã phơi khô, cho vào bồ cũng là lúc đông về, mưa xuống. Những thửa ruộng thấp giờ đây đầy nước, và từ những gốc rạ, lúa chét lên xanh, để rồi chừng hơn tháng sau, hạt của chúng bắt đầu chín. Dù lúa chét bông nhỏ, ít hạt, nhưng đối với những người dân quê nghèo khó, vào những ngày mưa gió có thêm ít thóc trong nhà là điều quý giá vô cùng. Nhớ ngày xưa, khi chúng tôi còn bé, cha tôi tham gia cách mạng, thoát ly đi xa, ở nhà mọi việc chỉ một mình mẹ lo liệu. Nhà đông con, ruộng ít, lại luôn gặp hạn hán, sâu bệnh hoành hành làm cho mùa màng thất thu, gia đình luôn thiếu ăn, nên mẹ và chị tôi hay đi nhặt lúa chét cùng những cô, những thím trong xóm. Do lúa chét bông nhỏ, lại bông cao bông thấp, mọc lưa thưa, nên phải dùng tay để bứt, còn nếu dùng dao thì chỉ có thể cắt từng bông một. Vất vả vì phải bì bõm từng bước giữa những đám ruộng sâu cả buổi đã đành, nhiều khi còn bị đỉa cắn nữa. Vào những hôm mưa gió càng khổ hơn, vì thời đó, người quê tôi đa phần dùng áo tơi chằm bằng lá nên lội ruộng không khéo rất dễ bị nhào. Tôi nhớ có buổi chiều, mẹ về, do bị ngã, người run vì lạnh, chúng tôi đứa nào cũng lo. Nhưng đặt cái thúng đựng đầy những bông lúa chét xuống đất, mẹ cười, giọng cố tỏ ra vui vẻ để chúng tôi yên lòng: Mưa gió này sá gì, mẹ còn khỏe chán!

Để giúp gia đình, nhiều bữa cho trâu ra đồng, thả chúng tự đi ăn, tôi và mấy đứa nhỏ trong xóm cũng thi nhau đi bứt lúa chét, dồn lại thành bó, đến cuối buổi đặt trên lưng trâu mang về. Đang thời chiến tranh nên có lần chúng tôi bứt lúa chét giữa đồng thì bất ngờ có một chiếc trực thăng của Mỹ bay tới, bắn loạn xạ, thế là cả đám hoảng hốt, vứt lúa chạy. Có một kỷ niệm mà tôi chẳng bao giờ quên mỗi khi nhớ về cánh đồng lúa chét. Một bữa chị tôi bảo, từ nay lúa chét em nhặt về chị sẽ nói mẹ để riêng. Khi nào được nhiều, mình sẽ mang đổi cho bà Bình bán bún, lấy cho nhà mình mỗi người một tô. Bún bà Bình nước nhân chỉ làm bằng thịt heo mỡ có tao nghệ, mỗi tô chỉ có vài lát thịt mỏng màu vàng nổi lên. Nhưng ngày ấy thiếu thốn trăm bề nên đối với bọn trẻ chúng tôi luôn là điều ao ước khi nghĩ tới. Vì vậy, khi nghe chị bảo, tất nhiên tôi đồng ý ngay, và từ đó, hễ cho trâu ra đồng tôi lại dành hết thời gian để đi nhặt lúa. Kết quả cuối cùng đã tới. Một buổi trưa, khi bà Bình gánh bún bán dạo đi ngang, chị tôi liền gọi vào để đổi lúa. Đó là tô bún ngon nhất đối với tôi cho đến tận bây giờ.


Thời dĩ vãng cơ cực đã lùi xa. Trên các cánh đồng giờ đây cũng không còn mấy người đi nhặt lúa chét. Nhưng mấy ai đã trải qua lại không nhớ về một thời ký ức đong đầy… 

Theo Báo Khánh Hòa Online.