Nông nghiệp 'sạch' đuổi cái nghèo ở Ngân Sơn
Chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp đã giúp huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) thúc đẩy nông nghiệp thích ứng với nhu cầu thị trường, từ đó hỗ trợ giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Sản phẩm bún khô, phở khô của HTX Quỳnh Niên vừa được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Ngân Sơn chấm nâng hạng sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao cấp huyện. Sản phẩm này cũng vừa được đánh giá đạt yêu cầu sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Sản xuất theo quy trình
Để làm được điều này, HTX đã chú trọng sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, tập trung nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Bà Lý Thị Niên, Giám đốc HTX bún phở Quỳnh Niên, cho biết người tiêu dùng và các nhà phân phối đều rất quan tâm đến chất lượng sản phẩm, chính vì vậy, HTX đã đầu tư sản xuất bún, phở theo chuỗi giá trị.
Cụ thể, HTX đã cung cấp phân bón trồng lúa, bao tiêu 100% sản phẩm lúa gạo của các thành viên với giá ổn định 14.000 đồng/kg, trung bình thu mua 4 - 5 tấn/tháng gạo bao thai để phục vụ chế biến bún, phở... HTX cũng hoàn thiện hệ thống máy móc hiện đại, đảm bảo năng suất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm sức lao động nặng nhọc.
Hiện, các sản phẩm bún, phở khô của HTX đã có đầy đủ tem nhãn, mã vạch để truy xuất nguồn gốc. HTX cũng đang có hệ thống xử lý nước thải đúng quy định, không có tình trạng xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường. Các loại nguyên liệu thừa, hỏng được thu gom, tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm hoặc xử lý vi sinh để làm phân bón.
Chính nhờ sản xuất khoa học, bún phở của HTX không chỉ là sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương mà còn chinh phục được nhiều khách hàng khó tính ở các tỉnh thành khác. Siêu thị Big C và tập đoàn Central Group Việt Nam, các nhà hàng trong và ngoài tỉnh cũng đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của HTX, từ đó giúp thành viên và người dân ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập. Trung bình người lao động của HTX có thu nhập, 4-6 triệu đồng/tháng, cao hơn so với việc tự làm nông nghiệp nhỏ lẻ theo mùa vụ.
Cũng chú trọng sản xuất sạch, bảo đảm vệ sinh, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt (xã Hiệp Lực) đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để sản xuất rau củ quả như dâu tây, dưa lưới, rau trái vụ, cà chua...
Trong đó, hệ thống nhà kính, công nghệ tưới, phun tự động, giếng khoan, đường đi… đã được đầu tư đồng bộ. Dự tính, thời gian tới, HTX sẽ nuôi thêm bò để gia tăng thu nhập và chủ động nguồn phân hữu cơ.
Trồng đào theo hướng hàng hóa, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đang là hướng giảm nghèo hiệu quả ở Ngân Sơn. |
Anh Nông Văn Thành, Giám đốc HTX Thành Đạt, cho biết nhiều sản phẩm của HTX được người tiêu dùng sử dụng trực tiếp nên vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được thành viên đặt lên hàng đầu. Việc bảo đảm quy trình , thường xuyên kiểm tra thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các thành viên luôn được HTX quan tâm nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
“Điều này không chỉ mang lại việc làm, nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên mà còn mở ra những triển vọng, hứa hẹn về một mô hình kinh tế phát triển bền vững tại địa phương”, anh Thành chia sẻ.
Hình thành tư duy sản xuất sạch
Thực tế cho thấy, việc sản xuất và quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị ở Ngân Sơn vốn gặp nhiều khó khăn do người dân phần đa là đồng bào dân tộc thiểu số, quen sản xuất theo kinh nghiệm. Tuy nhiên, việc huyện đã xây dựng và phát triển được các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn thực phẩm (theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ) thông qua HTX nhằm kiểm soát đầu vào và đầu ra trong sản xuất nông nghiệp được coi là một trong những giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm. Việc làm này cũng giúp chính người dân, thành viên HTX nâng cao sức khỏe, thay đổi tư duy và nâng cao thu nhập.
Tiêu biểu như tại HTX đào tiên Pác Ả (thị trấn Nà Phặc) nhờ đầu tư trồng đào và chế biến theo quy trình, bảo đảm an toàn thực phẩm, HTX đã đưa đào trở thành cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân. Chỉ tính riêng việc trồng đào tươi cũng giúp nhiều hộ có thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đó còn chưa tính đến nguồn thu từ việc phát triển du lịch trải nghiệm mùa hoa đào và mùa thu hái quả đào.
Còn theo Giám đốc HTX Hợp Phát, bà Bàn Thị Ngân (xã Đức Vân), việc chủ động học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ các mô hình thành công ở tỉnh Lạng Sơn đã giúp HTX thu được những hiệu quả khi trồng cây dẻ theo quy trình hữu cơ. Từ đây, các thành viên đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, có lợi cho sức khỏe, thân thiện với môi trường. Với giá bán buôn tại vườn là khoảng 100.000 đồng/kg, cây dẻ đang giúp nhiều thành viên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, HTX Hợp Phát còn duy trì khoảng từ 4.000 - 5.000 con gà và 60 con trâu nên nguồn thu nhập của thành viên đa dạng, không bị phụ thuộc vào thị trường.
Ông Quách Đăng Quý, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, cho biết các hộ dân sau khi tham gia các HTX và được sản xuất theo quy trình an toàn, bền vững đều tăng thu nhập ít nhất từ 2-3 lần và có việc làm ổn định. Những mô hình này đang thúc đẩy hoạt động liên kết theo nhóm sản xuất, từ đó giúp huyện Ngân Sơn hình thành và phát triển thêm các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp, góp phần quan trọng phát triển các sản phẩm an toàn, thúc đẩy bảo vệ môi trường trong nông nghiệp. Đặc biệt, thông qua HTX phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, các sản phẩm chủ lực phát triển bền vững hơn, góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 3-4%/năm.
Một điều quan trọng hơn là từ các mô hình sản xuất của các HTX đã hình thành một nếp tư duy sản xuất xanh, sạch, bền vững cho người nông dân. Anh Nông Văn Thành cho biết, nhờ biết phát huy những kinh nghiệm sẵn có của nhà nông và được tham gia các lớp tập huấn về áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để áp dụng vào sản xuất, thành viên và các hộ dân tại địa phương đã dần bỏ được thói quen sản xuất theo cảm tính, bón phân và sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan.
Thúc đẩy giảm nghèo
Hiệu quả từ những mô hình HTX sản xuất bền vững, huyện Ngân Sơn cũng đang đẩy mạnh phát triển các tổ hợp tác, HTX, nhóm sinh kế về làm bún khô, trồng rau, củ, quả, mô hình trồng rau sạch...
Chỉ trong năm 2022, huyện đã phối hợp thành lập được 18 tổ hợp tác về trồng ngô ngọt, Khẩu Nua Lếch, trồng rau sạch; nuôi trâu, bò vỗ béo.... Đi liền với đó, huyện đã kết hợp với tỉnh tổ chức lớp tập huấn về quy trình sản xuất, chăn nuôi an toàn gắn với bảo vệ môi trường như: kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây ngô ngọt; trồng bí xanh; nuôi vịt; nuôi trâu… an toàn.
Đặc biệt, khi tham gia tổ hợp tác, HTX những hộ nghèo, hộ cận nghèo còn được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, nguồn quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển của tỉnh, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX… Bên cạnh đó, các hộ dân còn được hỗ trợ phát triển kinh tế thông qua việc được tiếp cận với các chương trình, dự án... được các tổ chức, trung tâm tổ chức trên địa bàn.
Để tiếp tục giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo hiệu quả, huyện Ngân Sơn đang tích cực tháo gỡ khó khăn để các HTX cũ tiếp tục phát triển, đồng thời thu hút thêm người dân tham gia thành lập các HTX, tổ hợp tác. Bởi đây sẽ là giải pháp khích lệ, động viên các hộ nông dân huyện Ngân Sơn tích cực lao động, vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, từng bước hình thành nhiều mô hình điển hình, góp phần giảm nghèo bền vững.
Theo Giám đốc HTX Hợp Phát, trồng dẻ theo quy trình hữu cơ không còn mới ở nhiều địa phương nhưng lại là phương pháp canh tác mới so với người dân ở Ngân Sơn. Vì thế, cây dẻ sau khi trồng mới vẫn dễ bị sâu bệnh, trong khi HTX chưa có giải pháp để phòng trừ sâu bệnh cho cây một cách hiệu quả nhất. HTX mong muốn được các ngành chức năng hỗ trợ tập huấn, áp dụng thêm khoa học kỹ thuật để vừa bảo đảm năng suất chất lượng, vừa không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Trước những thách thức và mong muốn của HTX, huyện Ngân Sơn đang tích cực xây dựng các chính sách hỗ trợ sản xuất, khuyến công, khuyến nông nhằm nâng cao số lượng và chất lượng các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về kiến thức trồng trọt, chăn nuôi cho người dân, thành viên và cán bộ HTX, tổ hợp tác. Huyện cũng đang tiếp tục hỗ trợ người dân, HTX đưa vào thử nghiệm và nhân rộng sản xuất cây trồng, vật nuôi đem lại thu nhập cao, mang tính đặc thù của địa phương.
Hy vọng rằng với những bước đi này, Ngân Sơn sẽ có thêm nhiều mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững, mang lại thu nhập cao cho người dân và giúp huyện hình thành những vùng chuyên canh quy mô lớn. Điều này sẽ giúp huyện từng bước hoàn thành kế hoạch giảm trung bình mỗi năm 3-4%, và kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 30% vào năm 2025 thay vì 47% như hiện nay.
Theo VN Business
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [06/11/2024] HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI GIỮA LÃNH ĐẠO UBND TỈNH VỚI CÁC HTX TRÊN ĐỊA BÀN NĂM 2024
- [04/11/2024] Phát triển du lịch nông nghiệp tại Cam Lâm
- [14/09/2023] Giảm nghèo bền vững từ đào tạo nghề cho lao động nông thôn
- [14/09/2023] 'Nâng trình' nông dân, thành viên HTX trong thời đại số
- [11/09/2023] Tìm lực đẩy cho HTX những tháng cuối năm
- [11/09/2023] HTX và bài học từ mô hình 'cây xoài nhà tôi'
- [01/09/2023] Phiên chợ triển lãm sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm