Nông nghiệp thông minh cần cách tiếp cận thông minh

|

Tuy đã có những HTX vượt khó để làm nông nghiệp thông minh nhưng qua thực tiễn sản xuất kinh doanh của nhiều mô hình kinh tế tập thể cho thấy cách làm nông nghiệp thông minh vẫn còn thiếu đồng bộ, thiếu liên kết.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có khoảng 2.300 HTX nông nghiệp đã thành lập doanh nghiệp, trong đó 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, tiêu biểu như công nghệ blockchain trong sản xuất nông nghiệp.

Còn đó những lo ngại

Sự tiên phong của các HTX này cho thấy mô hình kinh tế tập thể (KTTT) luôn sẵn sàng trong xây dựng chuỗi liên kết, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng công nghệ 4.0, tiêu biểu như công nghệ blockchain giúp chuyển đổi số cải tiến ngành sản xuất kinh doanh.

Điển hình như HTX xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp) đã ứng dụng công nghệ blockchain vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ giúp người tiêu dùng biết được thông tin chính xác về trái xoài một cách nhanh chóng, từ đó giúp họ lựa chọn đúng sản phẩm, tránh mua nhầm sản phẩm khác.

Tuy nhiên, vấn đề truy xuất nguồn gốc trái xoài nói riêng, nông sản nói chung mới chỉ mang lại hiệu quả ở một mức độ nhất định nào đó. Bởi, dù một trong những lợi thế chính của blockchain là loại bỏ bên trung gian khi xác minh các giao dịch, nhưng hiện nay, các thành viên HTX vẫn phải nhập thông tin dữ liệu về quả xoài, quy trình sản xuất bằng tay vì chưa lắp đặt các thiết bị cảm biến Internet vạn vật (IoT).

Đầu tư đồng bộ cho nông nghiệp thông minh cần nguồn vốn lớn.

Theo các chuyên gia, đây có thể coi là một bất cập trong ứng dụng blockchain, vì chưa tối ưu hóa quy trình ứng dụng công nghệ. Do đó, người tiêu dùng, đối tác của HTX vẫn còn những nghi ngờ về tính chính xác của thông tin khi nhập thủ công lên hệ thống blockchain.

Thực tế, vẫn có những HTX ứng dụng hiệu quả blockchain trong sản xuất nông nghiệp khi kết hợp cùng các thiết bị cảm biến IoT như HTX rau sạch Chúc Sơn (Hà Nội), HTX An Tâm Farm (Hà Tĩnh)... Khi đó, các thiết bị này sẽ tự động thu thập dữ liệu về cây trồng, thời tiết, độ ẩm, ánh sáng, lượng nước sau đó chia sẻ dữ liệu, xử lý dữ liệu và đưa ra các khuyến nghị để HTX can thiệp vào quá trình sản xuất một cách phù hợp.

Nếu tất cả các dữ liệu đều được đo đếm chi tiết bằng thiết bị IoT thì việc ứng dụng hệ thống blockchain sẽ giúp các HTX hoàn thiện và đồng bộ quy trình công nghệ thông minh vào sản xuất. Tuy nhiên, số lượng HTX làm được như vậy còn rất nhỏ.

Ông Vũ Thành Tâm, Giám đốc HTX An Tâm Farm cho rằng, có thể tùy vào từng đối đối tượng cây trồng, vật nuôi mà mỗi HTX có thể áp dụng công nghệ thông minh một cách phù hợp.

Hiện, IoT hay blockchain được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp nhưng lại khá mới mẻ đối với các HTX, nhất là các HTX nông nghiệp. Điều này phần lớn là bởi đầu tư ban đầu cho các công nghệ thông minh cần nguồn vốn khá lớn. Chẳng hạn như trên diện tích 2.000m2, HTX phải đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng nhà lưới, và các thiết bị thông minh lắp đặt trên diện tích tương ứng cũng hết hàng trăm triệu đồng.

Chính vì vậy mà ứng dụng blockchain, IoT vào nông nghiệp hay không vẫn là điều khó khăn với không ít HTX. Bên cạnh đó, nhiều HTX còn nghi ngại vì đầu tư ứng dụng công nghệ thông minh đã khó, khi sản phẩm bán với giá cao hơn sản phẩm thông thường sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.

Gỡ vướng cho HTX

Ngoài ưu điểm đo đếm các yếu tố điều kiện tự nhiên và vật tư đầu vào, việc sử dụng thiết bị thông minh giúp các HTX tiết giảm chi phí, nhân công… Chẳng hạn như trên 1.000m2 cây trồng, trước đây HTX phải cần đến 10 lao động tưới phun hàng ngày, nhưng với công nghệ tưới tiêu tự động, HTX chỉ cần 1 người là có thể vận hành toàn bộ hệ thống mà không cần lo lắng đến diện tích.

Hiệu quả từ công nghệ thông minh đã rõ nhưng chi phí đầu tư đồng bộ cho mô hình nông nghiệp thông minh chính là trở ngại lớn nhất hiện nay đối với các HTX. Đi cùng đó là HTX chưa đủ nguồn nhân lực am hiểu sâu về công nghệ thông minh. Chính vì vậy, rất cần sự vào cuộc của doanh nghiệp, nhà công nghệ và nhà hoạch định chính sách để thúc đẩy HTX ứng dụng công nghệ thông minh.

Cụ thể là việc nghiên cứu các ứng dụng, công nghệ cần đơn giản và dễ sử dụng thì mới thu hút người dân, HTX. Đơn cử như nhiều người dân, HTX hiện nay sử dụng Zalo để phục vụ sản xuất kinh doanh bởi ứng dụng này vừa miễn phí, vừa dễ sử dụng với phần đông người Việt.

Do đó, cần thiết phải xây dựng cầu nối để HTX có thể tiếp thu công nghệ một cách có hệ thống, chọn lọc nhằm giảm bớt chi phí mà vẫn đảm bảo hiệu quả cuối cùng.

Ông Nguyễn Tiến Định, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, trung bình một HTX nông nghiệp chỉ có tổng số vốn, tài sản là 871 triệu đồng. Vốn thấp không chỉ gây nhiều khó khăn cho HTX trong việc ứng dụng công nghệ thông minh mà còn khiến HTX khó khăn trong tiếp cận nguồn hỗ trợ của Nhà nước và vốn tín dụng để đầu tư cho nông nghiệp thông minh.

Ngoài ra, nhiều HTX khó ứng dụng công nghệ hiện đại một phần do hạn chế, bất cập từ chính sách phát triển HTX nông nghiệp. Cụ thể là trong 4 năm (2017- 2020), ngân sách nhà nước đã bố trí kinh phí hỗ trợ cho kinh tế tập thể, HTX là 4.322 tỷ đồng, mặc dù đã gấp 2,8 lần giai đoạn 2003-2017, nhưng vẫn còn quá nhỏ bé nếu tính trung bình cho hơn 17.000 HTX nông nghiệp hiện nay.

Chính vì vậy, để khuyến khích HTX ứng dụng công nghệ thông minh một cách bài bản, theo hệ thống, cần có nguồn vốn riêng cho khu vực KTTT, HTX. Ngoài ra, các chương trình mục tiêu quốc gia cần quy định rõ ràng về hỗ trợ HTX nông nghiệp để các HTX dễ tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ hạ tầng phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại sản phẩm; vốn hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất; vốn hỗ trợ tham gia liên kết chuỗi giá trị…

Theo VN Business