Nông nghiệp xanh trên nền công nghệ hiện đại
Mặc dù giá cả các mặt hàng đầu vào phục vụ nông nghiệp thời gian qua liên tục tăng cao, đầu ra của nông sản chưa ổn định đã ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân, nhưng huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) vẫn tích cực hỗ trợ người dân liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ để thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Huyện Hiệp Hòa xác định gắn kết hoạt động sản xuất với ứng dụng khoa học và công nghệ sẽ giúp nông nghiệp phát triển được nhiều mô hình sản xuất phong phú. Đây là cơ hội để các HTX thu hút các doanh nghiệp liên kết nhằm hình thành các chuỗi giá trị hàng hóa bền vững.
Hiệu quả vượt trội
Chính vì vậy mà huyện đã luôn khuyến khích và tạo điều kiện để người dân, HTX đổi mới sản xuất, chủ động liên kết với các ban ngành để ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đến nay, đã có nhiều tiến bộ khoa học được người dân, HTX áp dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế cao như thụ tinh nhân tạo cho gà, trồng rau trong nhà màng, nuôi lợn công nghệ sinh học, trồng hoa công nghệ cao…
Từ đó, huyện đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tạo ra chuỗi giá trị như: Vùng lúa chất lượng cao 5.100ha tại các xã Danh Thắng, Mai Trung, Xuân Cẩm, Ngọc Sơn, Châu Minh, Đoan Bái... Vùng rau quả thực phẩm, rau quả chế biến 997 ha tại các xã Đông Lỗ, Hoàng Lương, Đoan Bái, Quang Minh, Hợp Thịnh…
Nhờ ứng dụng công nghệ nên năng suất cây trồng, vật nuôi tại các vùng này tăng 10-15%, giá bán bình quân tăng 20-30%. Theo thống kê từ ngành nông nghiệp, giá trị kinh tế từ các mô hình này đạt bình quân 2 tỷ đồng/ha. 100% sản phẩm sản xuất tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mô hình công nghệ cao đều được các doanh nghiệp, HTX ký hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm nên đầu ra thuận lợi.
Mô hình trồng nho công nghệ cao của HTX Đồng Tâm 3 đang mang lại hiệu quả cao về kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. |
Điển hình như mô hình trồng nho hạ đen, sản xuất rau an toàn của HTX nông nghiệp Đồng Tâm 3 (xã Thường Thắng) có quy mô 14 ha, nhờ đầu tư sản xuất theo hướng công nghệ cao, ứng dụng nhiều giống cây mới… đã giúp mang lại tổng thu 4 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 700 triệu đồng/năm.
Còn mô hình nuôi lợn thảo dược bằng công nghệ lên men thức ăn của HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh (xã Danh Thắng) đã tạo việc làm cho hàng chục lao động và cho doanh thu hơn 25 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, nhờ đầu tư theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến theo mô hình khép kín, mô hình sản xuất của HTX Bình Minh không chỉ giải quyết được những khó khăn trong việc bảo đảm môi trường sản xuất mà còn cung cấp cho thị trường nguồn thịt lợn sạch, an toàn, chất lượng.
Xây dựng nông nghiệp xanh
Điểm thuận lợi của Hiệp Hòa là có hạ tầng giao thông tương đối phát triển, kết nối với các vùng. Huyện cũng xây dựng quy hoạch phù hợp cho người dân, HTX và doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Theo đại diện của các HTX, hiện nay, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp bởi quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng thực phẩm ngày càng tăng cao, đặc biệt là nông sản sạch, an toàn.
Mặt khác, tình trạng đất đai ngày càng bị thoái hóa do sử dụng và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật kèm theo sự tác động của biến đổi khí hậu. Những điều này tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và khiến người dân, HTX tốn khá nhiều chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, việc áp dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào sản xuất đang giúp nông dân, thành viên HTX thuận lợi trong giám sát cây trồng, vật nuôi, hạn chế nguồn chất thải…
Một số HTX trên địa bàn huyện đang áp dụng các giải pháp hiệu quả từ gieo sạ, rải phân, phun thuốc băng máy bay không người lái. HTX Đồng Tâm 3, HTX công nghệ cao Quang Minh… đã ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp giúp thành viên HTX có thể dự đoán, phỏng đoán các điều kiện canh tác, tình trạng sâu bệnh hại theo thời gian thực. Từ đó, giúp HTX có giải pháp phòng trừ bệnh kịp thời nhanh chóng, hạn chế thiệt hại và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên đất, nước, đồng thời bảo vệ môi trường đất, nước do hạn chế tối đa chất thải, thuốc bảo vệ thực vật gây ra.
Ông Nguyễn Văn Nghiệp, Giám đốc HTX Đồng Tâm 3 cho biết, khoa học công nghệ hiện đại không chỉ giúp nhà nông tiết kiệm nước, chi phí mà còn làm cho nông nghiệp xanh hơn, giảm đáng kể việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón và tiền thuê nhân công.
Khoa học công nghệ cũng giúp hiệu suất làm việc tăng gấp 18-20 lần so với phương pháp thủ công trước đây. Các sản phẩm được thu hoạch sạch hơn, chất lượng hơn và năng suất cao hơn so với các phương pháp nông nghiệp truyền thống.
Để nâng cao giá trị nông sản, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, UBND huyện Hiệp Hòa chú trọng hỗ trợ các hộ dân, HTX xây dựng nhãn hiệu hàng hóa đối với nhóm sản phẩm chủ lực của huyện như: Lạc giống (xã Danh Thắng, xã Ngọc Sơn); rau cần (xã Hoàng Lương), nếp cái hoa vàng (xã Thái Sơn); bánh chưng Vân, trám đen (xã Hoàng Vân)...
Đồng thời, huyện xây dựng dự án quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc và xúc tiến thương mại để giúp người dân, HTX, doanh nghiệp phát triển vùng tập trung quy mô lớn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương.
Theo VN Business
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [06/11/2024] HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI GIỮA LÃNH ĐẠO UBND TỈNH VỚI CÁC HTX TRÊN ĐỊA BÀN NĂM 2024
- [04/11/2024] Phát triển du lịch nông nghiệp tại Cam Lâm
- [07/03/2023] SỬA ĐỔI LUẬT CẦN TẠO RA HÀNH LANG PHÁP LÝ “ĐỦ THÔNG THOÁNG” ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, NÒNG CỐT LÀ CÁC HỢP TÁC XÃ
- [07/03/2023] Ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp
- [07/03/2023] Xã Ninh Vân: Gặp khó trong duy trì các tiêu chí
- [06/03/2023] Nông thôn mới thời công nghệ số
- [06/03/2023] Hoàn thành việc xây dựng Báo cáo góp ý Luật Đất đai (sửa đổi) của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam