Nông sản của HTX 'khai phá' thị trường Nhật Bản

|

Việc chinh phục thị trường Nhật Bản là không dễ, tuy nhiên, nếu các HTX thay đổi cách tiếp cận, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm sạch, thân thiện môi trường, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, trước hết là phải chuẩn hóa được vùng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc, thì thành công sẽ đến.

Trung tuần tháng 2 vừa qua, 7,5 tấn đậu đũa ngâm muối của Lào Cai lần đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đây là sản phẩm chất lượng cao được HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Lục (xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng) thu mua tại vườn và chế biến.

Tiềm năng rất lớn

Về nguyên liệu, đậu đũa vụ chế biến được trồng thí điểm trên diện tích 1 ha, với 3 giống gồm đậu đũa cao sản số 04, đậu đũa cao sản số 09 của Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) và giống đậu đũa cao sản Đài Loan (Trung Quốc).

Người dân tham gia trồng thí điểm được Hội Nông dân huyện Bảo Thắng hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, với sự đồng hành của HTX và doanh nghiệp.

Sau khi được HTX Đồng Lục chế biến thành phẩm, đậu đũa ngâm muối được Công ty xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam kiểm nghiệm bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và không tồn dư hóa chất, sau đó đưa xuống cảng Hải Phòng để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Ông Trần Ngọc Huế, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Lục cho biết, mô hình trồng đậu đũa trái vụ từ tháng 9 - 11/2022 thành công, tạo tiền đề cho bà con nông dân thực hiện kế hoạch sản xuất trong năm 2023 với năng suất ước đạt 27 tấn/ha/vụ trong vòng 3,5 tháng (chính vụ dự kiến đạt 30 tấn/ha).

Trồng đậu đũa giúp nông dân có thể đạt được mức thu nhập cao, bình quân 160-180 triệu đồng/ha/vụ. Nếu được nhân rộng, đây sẽ là điểm tựa để nông dân giảm nghèo, làm giàu. Mô hình cũng sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Nông sản Việt Nam rất được lòng người tiêu dùng Nhật Bản (Ảnh: TL).

Đại diện UBND huyện Bảo Thắng cũng cho hay, việc xuất khẩu thành công lô hàng đậu đũa ngâm muối đầu tiên mở ra cơ hội lớn cho nông dân địa phương đưa các sản phẩm nông sản bản địa ra thị trường quốc tế.

Thời gian tới, huyện Bảo Thắng sẽ tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển theo mô hình hiện đại, bền vững.

Đồng thời, huyện sẽ triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nông dân, HTX trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tích cực mở rộng thị trường để thúc đẩy tiêu thụ nông sản và khẳng định thương hiệu sản phẩm đậu đũa ngâm muối, qua đó thúc đẩy mô hình thành "ngòi nổ" trong xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Thực tế, trong những năm qua, đã có không ít HTX thành công đưa sản phẩm sang Nhật Bản. Bên cạnh vai trò chế biến như HTX Đồng Lục, nhiều HTX trực tiếp liên kết với doanh nghiệp để xuất khẩu các sản phẩm.

Điển hình như HTX Thương mại dịch vụ Laba Phú Sơn (Lâm Hà, Lâm Đồng) đã xuất khẩu thành công hàng trăm tấn chuối chất lượng cao sang thị trường Nhật Bản kể từ năm 2018.

Hiện tại, HTX Thương mại dịch vụ Laba Phú Sơn có khoảng 200 ha chuối Laba, phân bố tại các xã trên địa bàn huyện Lâm Hà và xã Đạ K’Nàng (Đam Rông, Lâm Đồng), trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 100 ha và đều được hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.

Với giá bán ổn định 8.000 - 12.000 đồng/kg theo hợp đồng xuất khẩu sang Nhật Bản, ước tính 1ha chuối sẽ cho thu nhập 500 - 600 triệu đồng (sau khi đã trừ chi phí khoảng 200 triệu đồng/ha) trong một năm.

Cách nào mở rộng?

Được biết, để mở rộng quy mô hoạt động, trong năm 2021, HTX Thương mại dịch vụ LaBa Phú Sơn đã thành lập thêm 7 tổ hợp tác (THT) gồm THT nuôi bò, THT sản xuất rau quả, THT chăn nuôi gia súc, gia cầm, 2 THT trồng dâu nuôi tằm và 1 THT trồng chuối Laba.

Nhờ sản xuất hiệu quả, 100% thành viên, người lao động của HTX có mức thu nhập ổn định, nhiều hộ vươn lên làm giàu bền vững với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. 

Cũng có thể kể đến HTX chăn nuôi và phát triển giống thỏ New Zealand (Triệu Sơn, Thanh Hóa) xuất khẩu thành công sản phẩm thịt thỏ sang Nhật Bản để nghiên cứu và sản xuất dược phẩm.

Hiện, HTX đang thực hiện hợp đồng cung ứng sản phẩm cho Công ty Nippon Zoki khoảng 2.000 - 3.000 con thỏ/tháng, giá bán trung bình 178.000 đồng/con.

Mô hình HTX chăn nuôi và phát triển giống thỏ New Zealand đã giúp các thành viên có việc làm và thu nhập ổn định. Tham gia nuôi thỏ, lợi nhuận của mỗi thành viên trong HTX đều đạt từ 200 - 300 triệu đồng/năm. HTX có trách nhiệm chuyển giao kỹ thuật, con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm, nên việc chăn nuôi của thành viên khá ổn định.

Có thể thấy, nông sản của HTX hoàn toàn đủ sức chinh phục thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, để gia tăng sản lượng, giá trị, đồng thời khẳng định chỗ đứng vững chắc ở thị trường này, thì còn nhiều thách thức cần vượt qua.

Yếu tố quan trọng nhất, theo các chuyên gia, là chất lượng sản phẩm. Theo đó, các HTX cần theo đuổi quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hay Organic JAS - tiêu chuẩn hữu cơ nông nghiệp Nhật Bản, tạo ra những mặt hàng sạch, thân thiện môi trường.

Bà Ino Mayu, chuyên gia đến từ Nhật Bản cho rằng, để đáp ứng tiêu chuẩn JAS không quá khó. Nông dân chỉ cần tập trung làm bài bản, quy trình đồng bộ, tập trung nâng cao công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị cho nông sản.

Trong khi đó, ở góc độ của đơn vị xuất khẩu, ông Đoàn Văn Tài, Giám đốc HTX Tấn Đạt (Vĩnh Long) cho biết, đơn vị có chứng nhận quốc tế của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Trong đó, tiêu chuẩn của Nhật Bản là khó nhất.

Theo ông Tài, để đạt chứng nhận này vừa dễ mà cũng vừa khó. Muốn làm hữu cơ, trước hết phải tổ chức lại để các thành viên HTX tuân thủ quy trình sản xuất khoa học, theo tiêu chuẩn xanh, sạch, thân thiện môi trường. Cùng với đó, cần có một quy trình chuẩn để các hộ nông dân, HTX đưa vào áp dụng thống nhất.

Rõ ràng việc chinh phục thị trường Nhật Bản là không dễ, tuy nhiên, nếu các HTX thay đổi cách tiếp cận, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm sạch, thân thiện môi trường, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, trước hết là phải chuẩn hóa được vùng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc, thì thành công sẽ đến.

Bên cạnh sự nỗ lực của từng đơn vị, các HTX cũng đang mong đợi vào các chính sách hỗ trợ thiết thực hơn từ các cơ quan chức năng, địa phương, nhà khoa học. Điều này sẽ giúp con đường sang thị trường Nhật Bản của nông sản HTX nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung được rút ngắn.

Theo VN Business