Nông sản 'mùa Tết' đem về doanh thu trăm triệu đồng mỗi ngày cho HTX

|

Những ngày này, nhiều hợp tác xã, đơn vị sản xuất trên cả nước bước vào cao điểm sản xuất, phân phối thực phẩm, nông sản phục vụ thị trường Tết Quý Mão 2023. Bất chấp thị trường chịu ảnh hưởng khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhiều hợp tác xã vẫn tăng lượng hàng sản xuất, đạt doanh thu trăm triệu đồng/ngày.

Tham dự Hội chợ Xuân Quý Mão năm 2023 do Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức từ ngày 12/01 đến ngày 19/01/2023 (tức ngày 21 đến ngày 28 tháng Chạp năm Nhâm Dần), ông Trần Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) OCOP Việt Nam, hồ hởi chia sẻ với phóng viên VnBusiness, năm nay doanh thu mùa Tết của đơn vị chắc chắn cao hơn so với năm ngoái.

Tấp nập sản xuất, hoạt động hết công suất 

Ông Bình cho biết, HTX đang phân phối khoảng 30 mã hàng là các sản phẩm rau củ quả sạch, thực phẩm đông lạnh, hải sản… phục vụ người tiêu dùng trong nước đón Xuân. Mỗi ngày, HTX có thể đạt doanh thu trung bình 100 triệu đồng.

“Năm nay, nhu cầu của người tiêu dùng với các mặt hàng nông sản, thực phẩm trở nên đa dạng hơn. Vì vậy, chúng tôi cũng đang nỗ lực để cung ứng các sản phẩm thực phẩm với hương vị đặc sắc từ các vùng miền, mẫu mã phong phú hơn", ông Bình nói. 

Người tiêu dùng thủ đô tấp nập mua sắm tại Hội chợ Xuân Quý Mão 2023. 

Tương tự, những ngày ngày cận Tết, HTX Bún phở khô Khánh Linh (Hà Nam) cũng đang tất bật sản xuất với sản lượng khoảng 2 tấn/ngày (sản lượng ngày thường là 1,5 tấn). Bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX cho hay, sau hơn 4 năm xuất khẩu tới thị trường châu Âu, HTX đã quyết định quay trở lại thị trường nội địa hơn 1 năm nay. "Dịp Tết là cơ hội để chúng tôi quảng bá, giới thiệu tới người tiêu dùng trong nước về sản phẩm của mình", bà nói.

“Những ngày này, hơn 20 công nhân của HTX đang làm việc hết công suất để kịp đáp ứng đơn hàng của thị trường trong và ngoài nước”, bà Hoa cho hay năm nay HTX sản xuất thêm bánh bằng nguyên liệu từ rau củ quả hoàn toàn tự nhiên để phục vụ người tiêu dùng.

“Khi quay lại thị trường nội địa, tôi thấy rằng việc làm đầu tiên là phải nghiên cứu thị hiếu để thay đổi sản phẩm. Đơn cử, nếu người châu Âu ưa chuộng sản phẩm bún dày sợi thì người Việt cần sản phẩm mỏng hơn, chỉ một chi tiết đơn giản nhưng rất cần thiết để khách hàng biết và nhớ tới mình”, bà Hoa bật mí.

Được biết, Hội chợ Xuân Quý Mão năm 2023 với chủ đề “Nơi hội tụ hương vị Xuân đất Việt” có quy mô trên 100 gian hàng với các sản phẩm phẩm đến từ hơn 20 tỉnh thành trong cả nước: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Nghệ An, Quảng Nam, Hưng Yên, Hải Phòng, Yên Bái, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Cao Bằng, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Đắk Nông, Đà Nẵng, Thanh Hóa,…

Các sản phẩm tham gia Hội chợ đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uy tín được kiểm soát an toàn thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, Global Gap, các sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, chứng nhận OCOP như: măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương rừng Tây Bắc, bánh kẹo Richy, gạo séng cù Lào Cai, gạo ST25, nếp Tú Lệ, bánh chưng Bờ Đậu, chè Thái Nguyên, trà Shan tuyết cổ thụ, mật ong rừng, mật hoa dừa Sokfarm Trà Vinh, giò me Nghệ An, giò chả Ước Lễ, chả ram tôm đất Bình Định, chả cá Thát Lát Hậu Giang, chả mực giã tay Hạ Long, lợn mán, cá kho làng Vũ Đại, yến sào Nha Trang, bò một nắng Phú Yên, trâu gác bếp Điện Biên, vịt quay mắc mật, nem nướng Hữu Lũng, nước mắm Cát Hải, Tĩnh Gia, hải sản Phan Thiết, hành tỏi Lý Sơn, chuối ngự Đại Hoàng, cam sành Hàm Yên, táo Bàng La Hải Phòng, rau củ Mộc Châu, hạt tiêu Phú Quốc, hương nhang cổ truyền Bồ Đề Tâm…

Khẳng định thương hiệu nông sản Việt trên ‘sân nhà’

Hội chợ còn trưng bày nhiều sản phẩm từ thảo dược, trà linh chi tam thất, rượu sâm, mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa, tinh bột nghệ, tỏi đen, tam thất, hà thủ ô, đông trùng hạ thảo, táo đỏ, tinh dầu, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ sơn mài, sừng, gốm sứ, đồ đồng, tơ lụa, đồ gỗ nội thất cùng nhiều sản phẩm thời trang và gia dụng.

Để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, cho biết sẽ siết chặt quản lý đầu vào, yêu cầu các sản phẩm tham gia trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ phải đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uy tín, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn VietGap, Global Gap…; Sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, được chứng nhận hữu cơ, canh tác theo hướng hữu cơ và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP của địa phương.

Có thể thấy, dịp Tết là cơ hội để các HTX, cơ sở sản xuất tăng tốc sản xuất, định vị thương hiệu. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, nhấn mạnh đây là dịp đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn. Đồng thời khẳng định chất lượng nông sản ngày càng đảm bảo không chỉ phục vụ xuất khẩu mà còn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.

Theo báo cáo của các địa phương, sau đại dịch COVID-19, người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho mua sắm. Thị trường hàng hoá giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 được dự đoán sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu hàng hóa tăng cộng với việc Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên công tác dự trữ chuẩn bị đã được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai từ sớm.

Ước tính, dự trữ hàng hoá tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường... Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước. Nhu cầu sẽ tăng khoảng 8-10% so với cùng kỳ năm ngoái, các mặt hàng đặc sản vùng miền, hàng hoá chất lượng cao vẫn được người dân quan tâm mua sắm và tiêu dùng.

Theo VN Business