Phát huy vai trò của các hợp tác xã trong bao tiêu nông sản cho người dân
Mũi nhọn nông nghiệp – cây ăn quả ôn đới
Giai đoạn giữa tháng 7, một số loại quả ôn đới trên địa bàn huyện Si Ma Cai vào vụ thu hoạch. Những năm trước, phần lớn sản lượng các loại quả ôn đới trên địa bàn huyện được tiêu thụ qua kênh khách du lịch ghé thăm Si Ma Cai. Nhưng những năm gần đây, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng khách du lịch cũng như các tiểu thương thu mua tại Si Ma Cai hạn chế dẫn đến tiêu thụ mận và lê gặp khó.
Mùa này, lê ở Si Ma Cai bắt đầu chín rộ.
Huyện Si Ma Cai xác định mũi nhọn nông nghiệp địa phương là phát triển cây ăn quả ôn đới, được canh tác theo phương pháp hữu cơ, bảo đảm sản phẩm sạch và bền vững. Huyện Si Ma Cai phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản - thủy sản Lào Cai và Công ty cổ phần nông nghiệp CNC Thiên Trường, thành phố Hà Nội để quy hoạch vùng sản xuất lê VH6 (lê tai nung) theo tiêu chuẩn VietGap tại Lùng Thẩn, nhằm đưa ra thị trường sản phẩm lê quả tươi chất lượng cao.
Si Ma Cai hiện có 432 ha mận Tả Van, trong đó 178 ha cho thu hoạch, năng suất trung bình ước đạt 46,7 tạ/ha, sản lượng ước đạt 830 tấn, tăng 450 tấn so với năm 2020. Đối với cây lê VH6, diện tích hiện có là 495 ha, trong đó 112 ha cho thu hoạch, năng suất trung bình ước đạt 29,5 tạ/ha. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách du lịch cũng như các tiểu thương thu mua tại Si Ma Cai giảm mạnh dẫn đến tiêu thụ mận và lê gặp khó. Giá bán các loại quả ôn đới trên địa bàn huyện cũng giảm 20 - 30% so với năm trước, ước khoảng 30.000 - 60.000 đồng/kg.
Những cây lê quả đeo trĩu cành.
Cây lê VH6 có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc) được di thực về Lào Cai, trồng nhiều ở bốn huyện vùng cao là Si Ma Cai, Bắc Hà, Bát Xát và Mường Khương, với tổng diện tích khoảng hơn 800 ha. Trong đó, các xã vùng cao của Si Ma Cai nằm trên độ cao hơn 1.600 m so với mực nước biển, thuộc vùng đất giàu kẽm và ô-xít sắt, có khí hậu ôn đới, biên độ chênh lệnh nhiệt độ ngày và đêm cao, nên thích hợp để phát triển cây ăn quả ôn đới như lê VH6, mận Tả Van.
Nhiều lợi ích khi tham gia HTX
Trao đổi với phóng viên Cổng thông tin điện tử VCA, Anh Tráng Seo Xà (thôn Lao Chải, xã Quan Hồ Thẩn) cho biết, năm nay anh thu hoạch được 2,5 ha lê tai nung. Theo anh Xà, năm nay ít khách du lịch nên việc tiêu thụ lê bị ảnh hưởng lớn, giá cả không ổn định, nhiều nông dân hái lê bán lẻ ngoài thị trường với giá rất rẻ ngay từ đầu mùa.
“Sản lượng lê của Si Ma Cai không nhiều, thị trường tiêu thụ rất lớn nên người dân có thể kết nối với các đơn vị thu mua và bán lẻ với giá cao hơn, tránh việc mất giá. Tôi đã kết nối với các siêu thị, cửa hàng, thông qua các hội, nhóm và câu lạc bộ khởi nghiệp để tiêu thụ lê của gia đình và một số hộ xung quanh. Việc tiêu thụ lê khá thuận lợi”, anh Tráng Seo Xà cho biết.
Trước tình hình đó, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn đã tìm nhiều biện pháp để kết nối tiêu thụ cho người dân. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các kênh thông tin, phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Huyện Si Ma Cai khuyến khích phát huy vai trò của các hợp tác xã (HTX) trong bao tiêu nông sản cho người dân; vận động người dân tham gia các hợp tác xã, thực hiện phân loại sản phẩm, cam kết bán hàng theo đúng giá, đảm bảo chất lượng và giữ uy tín với khách hàng.
Mục tiêu hoạt động của HTX kiểu mới hiện nay (theo Luật HTX năm 2012) là mang lại lợi ích cho thành viên, phân phối của HTX chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ và công sức lao động của thành viên, phần còn lại chia theo vốn góp. Bởi vậy, hộ nông dân sẽ đóng vai trò chủ chốt trong hoạt động của HTX. Bên cạnh đó, việc tham gia vào HTX sẽ là điều kiện thuận lợi cho hộ nông dân có nhiều cơ hội tiếp cận với những lớp đào tạo kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến. Có thể là lớp học trực tiếp của HTX mở để tập huấn hoặc cho hội nông dân tổ chức, góp phần nâng cao trình độ sản xuất cho các hộ dân tham gia HTX, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Hiện nay, các sản phẩm mận Tả Van, lê tai nung của Si Ma Cai đã chính thức xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử. Giá mận Tả Van trên sàn giao dịch đang ở mức 20.000 - 50.000 đồng/kg, lê tai nung có giá 30.000 - 50.000 đồng/kg. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Si Ma Cai cũng đã nhận những đơn hàng đầu tiên từ cuối tháng 6. Tính đến hết tháng 6, hơn 22 tấn lê, mận của Si Ma Cai được tiêu thụ thông qua các hình thức liên kết.
Theo ông Nguyễn Đình Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Si Ma Cai, Trung tâm đã thực hiện các biên bản ghi nhớ, các hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; cung cấp thông tin về đặc sản mận Tả Van, lê tai nung Si Ma Cai cho các sàn giao dịch điện tử. Các sản phẩm mận Tả Van, lê tai nung sẽ được mở bán trên các sàn thương mại điện tử như PostMart, Lazada, Sendo. Trung tâm cũng phối hợp với các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân quảng bá sản phẩm, tổ chức bán hàng trên internet, các trang thương mại điện tử và mạng xã hội.
“Chúng tôi nỗ lực kết nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con, đảm bảo giá trị kinh tế từ các loại cây ăn quả ôn đới trong vụ thu hoạch năm nay”, ông Nguyễn Đình Khánh nói.
Theo Liên minh HTX Việt Nam.
- [26/11/2024] Khởi nghiệp trên đất quê hương
- [26/11/2024] 11 sản phẩm được đề nghị công nhận 4 sao OCOP
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [19/07/2021] Giãn nợ, cơ cấu lại nợ, tiếp tục cho các HTX vay vốn sản xuất vượt qua khó khăn dịch Covid-19
- [19/07/2021] Hà Nội sẽ hình thành chuỗi giá trị nông sản trên cơ sở liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác
- [19/07/2021] Phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi các sản phẩm
- [18/07/2021] Giải pháp hữu hiệu cho các hợp tác xã vận tải
- [18/07/2021] Khánh Hòa hỗ trợ người lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch Covid-19