Phát huy vai trò thông tin tuyên truyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã

|
(ĐCSVN) - Phát triển theo Nghị quyết 13, cùng với sự tuyên truyền, cổ vũ, tham góp của báo chí, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Ngày nay, báo chí tiếp tục đồng hành tích cực cùng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại một hội nghị về thông tin, tuyên truyền kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn mới (Ảnh: HNV)

Thực tiễn cho thấy, kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã, là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc các thành viên cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, kinh tế tập thể, hợp tác xã có vai trò lớn trong việc cải thiện và nâng cao đời sống người lao động, góp phần làm giảm sự phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội. Vì vậy, trong những năm qua, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã luôn là chủ trương lớn, được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng.

Báo chí đã trở thành công cụ, phương tiện sắc bén trong tuyên truyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã

Kể từ khi Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể ra đời, kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có được sự định hướng đúng đắn, tạo nhận thức thống nhất trong các cấp chính quyền, tạo hành lang pháp lý, xây dựng môi trường, cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho phát triển. Đến nay, sau 20 năm thực hiện nghị quyết, kinh tế tập thể đã có những bước chuyển mình cơ bản, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, trong đó phải kể đến sự thay đổi mô hình hợp tác xã kém hiệu quả sang mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và sự phát triển kinh tế của đất nước.

Theo Hội Nhà báo Việt Nam, xuyên suốt quá trình phát triển này, báo chí đã trở thành công cụ, phương tiện sắc bén đưa nghị quyết, cơ chế, chính sách về kinh tế tập thể từ Đảng, Chính phủ đến với các tầng lớp nhân dân, giúp người dân hiểu, ủng hộ và đoàn kết thực hiện nghị quyết có hiệu quả. Trong 20 năm qua, nhờ hàng trăm ngàn tin, bài phản ánh, phân tích, chương trình phát thanh, truyền hình từ các cơ quan báo chí chủ lực như Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và hàng trăm cơ quan báo, tạp chí chuyên ngành kinh tế, các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 13, cũng như các chủ trương, chính sách về kinh tế tập thể đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi. Nhận thức xã hội được nâng cao, nhiều bất cập được báo chí nhận diện, nhiều khó khăn được báo chí góp phần tham mưu tháo gỡ. Tìm kiếm trên công cụ Google với từ khóa “Kinh tế tập thể” và “Hợp tác xã” cho ra hàng trăm nghìn và hàng triệu kết quả. Điều đó phần nào cho thấy mức độ truyền thông mạnh mẽ của báo chí trong lĩnh vực quan trọng này.

Kinh tế tập thể, hợp tác xã được tuyên truyền sâu rộng nhờ báo chí (Ảnh: PV) 

Cũng theo Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm vụ chủ yếu đầu tiên mà báo chí góp phần thực hiện hiệu quả là tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tập thể trong các cơ quan quản lý, đồng thời thay đổi, nâng cao nhận thức của nhân dân, tạo sự thống nhất về quan điểm và hành động trong toàn Đảng, toàn dân về bản chất, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong xây dựng và phát triển đất nước. Hai thập kỷ trước đây, nhiều hạn chế, yếu kém của kinh tế tập thể đã bộc lộ do những thiếu sót, khuyết điểm của các cấp uỷ đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương; do nhận thức về vị trí, vai trò tính tất yếu khách quan của việc phát triển kinh tế tập thể chưa thống nhất; việc tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể và việc giải thích mô hình hợp tác xã kiểu mới chưa được quan tâm đúng mức; bộ máy quản lý của Nhà nước đối với hợp tác xã hầu như không còn; Nhà nước vừa lúng túng, vừa buông lỏng trong tổ chức chỉ đạo…

Tâm lý hoài nghi, mặc cảm với mô hình hợp tác xã kiểu cũ trong xã hội còn khá phổ biến. Báo chí đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, phân tích lợi ích của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển kinh tế xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tuyên truyền các mô hình hợp tác xã kiểu mới, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực vùng miền hiệu quả; phát hiện những cách làm hay, điển hình tiên tiến; tìm tòi, phổ biến kinh nghiệm, giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên thế giới và khu vực.

Báo chí đã trở thành một trong những kênh thông tin hữu hiệu nhất hiện nay trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, là cầu nối giữa hợp tác xã, doanh nghiệp và người tiêu dùng, giúp người dân – hợp tác xã – doanh nghiệp tìm đến với nhau, qua đó triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thông qua việc giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế rộng rãi, tham gia sâu vào các diễn đàn kinh tế đa phương, các hiệp định thương mại toàn cầu, báo chí có vai trò nổi bật trong việc cung cấp thông tin thị trường thế giới, làm rõ các vấn đề luật pháp quốc tế, phân tích ưu nhược điểm của các hiệp định thương mại, kết nối cung cầu, thúc đẩy xuất khẩu, giúp hàng hóa của hợp tác xã làm ra tiếp cận được các thị trường lớn. Nhờ thông tin báo chí, nhiều hợp tác xã đã bước đầu tận dụng được EVFTA và các FTA khác, mở ra con đường đưa sản phẩm Việt Nam đến EU và nhiều thị trường quan trọng của thế giới.

Không dừng lại ở việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, nhiều khó khăn, vướng mắc của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã được báo chí đi sâu, phản ánh trung thực, đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ. Từ những vấn đề lớn như nhận thức chung, hạ tầng pháp lý, nguồn nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện tài chính, chính sách tín dụng, chính sách ưu đãi về thuế, về đất đai, chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ… đến những bất cập cụ thể trong triển khai Luật Hợp tác xã, trong phát triển kinh tế hộ; vấn đề về điều kiện cấp vốn, khó khăn trong tiếp cận, xúc tiến thương mại, đầu tư, chương trình hỗ trợ; thiếu sót trong tổ chức, quản lý hợp tác xã; những vất vả, lo toan tìm đầu ra cho sản phẩm đều được báo chí thông tin, phân tích khách quan, trung thực, từ đó giúp các cấp, các ngành có thêm cơ sở nghiên cứu, giải quyết.

Với tinh thần xây dựng, báo chí không chỉ tuyên truyền chủ trương đúng đắn của kinh tế tập thể, phản ánh bất cập trong thực thi chính sách, mà còn lên tiếng đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận, đòi xóa bỏ mô hình kinh tế tập thể của các phần tử cơ hội chính trị, thế lực thù địch. Từ đó, vai trò của kinh tế tập thể được đánh giá đúng hơn, đầy đủ hơn, nhiều mô hình hợp tác xã mới ra đời, khu vực kinh tế tập thể ngày càng được nâng cao về quy mô và chất lượng.

Đến nay, nhận thức và hành động của chính quyền địa phương cũng như của người lao động về khu vực kinh tế tập thể đã có những thay đổi căn bản. Nhiều khó khăn được tháo gỡ, nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ vốn, hỗ trợ đầu tư, tiêu thụ cho hợp tác xã được các cơ quan chức năng triển khai. Nhà nước có chính sách thuế ưu đãi, chính sách hỗ trợ tín dụng với các hợp tác xã. Vai trò của Liên minh hợp tác xã đối với phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được phát huy hơn. Kinh tế tập thể, hợp tác xã từng bước được đổi mới, giải thể các hợp tác xã yếu kém kéo dài, tổ chức lại, chuyển đổi phương thức hoạt động nhiều hợp tác xã cũ, thành lập được nhiều hợp tác xã mới. Các hợp tác xã phối hợp, liên kết hoạt động sản xuất kinh doanh; tích tụ, tập trung đất đai của các hộ thành viên, hình thành vùng sản xuất có quy mô lớn; phát triển các sản phẩm đặc trưng, mang thương hiệu của địa phương; tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Lĩnh vực và phương thức hoạt động của các hợp tác xã trở nên đa dạng, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế. Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có khoảng 27.342 hợp tác xã, tăng 2,5 lần so với năm 2001; khu vực hợp tác xã thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho gần 1 triệu người lao động.

Mới đây, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Nghị quyết nêu rõ “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững”. Báo chí với vai trò là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, tuyên truyền, cổ vũ việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, sẵn sàng vào cuộc, tiếp tục phát huy sức mạnh định hướng, tuyên truyền, phổ biến các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời là diễn đàn phân tích, trao đổi, tiếp thu ý kiến rộng rãi trong nhân dân, góp phần sớm đưa nghị quyết phát huy hiệu quả trong đời sống.

Báo chí đồng hành cùng Nghị quyết 20 về kinh tế tập thể, hợp tác xã

Nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt của báo chí trong lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã là truyền thông, phân tích, làm rõ những nội dung quan trọng của Nghị quyết 20 về kinh tế tập thể, hợp tác xã (Ảnh: PV)

Theo Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt của báo chí trong lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã là truyền thông, phân tích, làm rõ những nội dung quan trọng của Nghị quyết 20, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, tuyên truyền nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Giúp công chúng hiểu rõ phát triển kinh tế tập thể là một trong những phương thức để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"; là cơ sở để "hợp tác" trở thành văn hoá, bản sắc trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; là một kênh quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển văn hoá, xã hội bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư.

Thứ hai, phổ biến, phân tích, làm rõ các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tập thể: Chính sách phát triển nguồn nhân lực, chính sách đất đai, chính sách tài chính, tín dụng, chính sách khoa học – công nghệ, chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường, chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chính sách bảo hiểm xã hội. Giúp các cơ quan chức năng có thêm thông tin trao đổi đa chiều, góp phần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh tế tập thể; sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Thứ ba, tuyên truyền về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, đặc biệt là vai trò nòng cốt thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Giúp các tầng lớp nhân dân, các cấp chính quyền hiểu và ủng hộ hoạt động của hệ thống Liên minh hợp tác xã và các tổ chức đại diện, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 Tuyên truyền, tăng cường ứng dụng số trong kinh tế tập thể, hợp tác xã (Ảnh: PV)

Với chức năng thông tin cơ bản của mình, báo chí có thể đi sâu tìm hiểu, tuyên truyền các mô hình, kinh nghiệm hoạt động tiên tiến của các nước, phản ánh những sáng kiến hay, cách làm sáng tạo, phù hợp để áp dụng trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta; phản ánh nhu cầu, thị hiếu của khách hàng quốc tế, xu hướng tiêu dùng mới nhất, hay những thuận lợi, khó khăn trong phát triển kinh tế tập thể mà các nước đang đối mặt, giúp khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta ngày một hoàn thiện, phát triển hơn, vươn ra ngoài biên giới quốc gia, lãnh thổ.

Bên cạnh đó, trong thời đại cách mạng công nghệ thông tin phát triển như vũ bão ngày nay, nhu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ, nhu cầu chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đang ngày càng mạnh mẽ. Đặc biệt, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đang trong quá trình thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sự liên kết, hợp tác thông qua các mô hình hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, hướng đến sự ra đời của các khu sản xuất tập trung, các vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn và các chuỗi liên kết sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng thành tựu khoa học – công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm… thì chuyển đổi số là hướng đi đúng đắn và cấp thiết. 

Tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022, với chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022”, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh “Chuyển đổi số sẽ là công cụ quan trọng để phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế hợp tác xã một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực; góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các hợp tác xã tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị.”

Do đó, báo chí với vai trò định hướng tư tưởng xã hội cần nỗ lực tuyên truyền để các hợp tác xã hiểu rõ hơn những khó khăn, thuận lợi, và trên hết là lợi ích mà chuyển đổi số mang lại trong sản xuất, kinh doanh, từ đó thay đổi nhận thức, tư duy, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Theo Báo ĐIện tử Đảng cộng sản Việt Nam