Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM bền vững

|

Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) đang là chiến lược phát triển du lịch của Thành phố Hà Nội. Đây được xem là định hướng đúng đắn, góp phần hoàn thành “mục tiêu kép” trong xây dựng NTM, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển.

Hiện nay, Hà Nội đã có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 4 HTX nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê, tiêu biểu như: Công viên nông nghiệp Long Việt (huyện Sóc Sơn), Trang trại đồng quê (huyện Ba Vì), Trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì), Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay (huyện Phúc Thọ)…

Hướng phát triển tất yếu 

Ngoài ra, một số điểm được du khách biết đến nhiều như: Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), làng gốm Bát Tràng, làng hoa giấy Phù Đổng (huyện Gia Lâm), làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín), hồ Đồng Đò, núi Hàm Lợn (huyện Sóc Sơn)... Đây là điều kiện thuận lợi để ngành Du lịch Thành phố khai thác thúc đẩy phát triển.

Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM đang là chiến lược phát triển du lịch của thành phố Hà Nội.

Hiện, toàn Thành phố đã có 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trên cơ sở đề nghị của các huyện, thị xã, đến nay, Hà Nội đã tổ chức đoàn thẩm định được 40 xã đủ điều kiện trình Hội đồng Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022. Đồng thời, tiến hành thẩm định 12 xã đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022. Đây là cơ sở để lựa chọn xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Ông Ngọ Văn Ngôn- Phó Chánh văn phòng chuyên trách Văn phòng điều phối NTM Thành phố chia sẻ, để gắn kết phát triển du lịch với chương trình xây dựng NTM, thời gian tới, Hà Nội cần phải thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch xây dựng NTM.

Đặc biệt, phát triển du lịch nông thôn cần gắn với đặc trưng sinh thái vùng, miền, chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa - lịch sử. Phát triển du lịch nông thôn ở Hà Nội hướng đến khai thác sự sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái để tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với thị trường.

Đồng thời, phát triển dịch vụ phụ trợ để hỗ trợ du lịch, gắn phát triển hạ tầng du lịch nông thôn với ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn.

Hà Nội đã có kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025. Thành phố đặt mục tiêu, giai đoạn này triển khai 1 - 3 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”. Phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

"Mỗi huyện, thị xã có tiềm năng xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể nông dân - HTX - hộ kinh doanh - doanh nghiệp", ông Ngọ Văn Ngôn cho hay.

Phát triển theo hướng xanh, bền vững

Có thể thấy rằng, việc xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch nông nghiệp tại thủ đô đã giúp thay đổi nhận thức của người dân. Đồng thời mang lại một diện mạo mới, giúp người dân nâng cao thu nhập từ những sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ họ cung cấp cho du khách.

Xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), nơi đã chuyển hướng từ một xã làm nông nghiệp thuần túy sang đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm bước đầu cho thấy hiệu quả, khi đem lại nguồn thu nhập ổn định hơn cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Tứ, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân, cho biết, từ khi áp dụng mô hình du lịch sinh thái, nơi đây có nhiều thay đổi tích cực trên các mặt kinh tế và đời sống xã hội. Đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp, làng nghề khi xây dựng được sản phẩm OCOP và có khai thác dịch vụ du lịch sẽ góp phần nâng cao giá trị trên 1 đơn vị đất canh tác.

Bên cạnh đó việc HTX Hồng Vân xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch theo chuỗi liên kết, mang tính đặc trưng của địa phương còn góp phần hoàn thiện các sản phẩm du lịch của xã, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Ngoài trà chùm ngây và mô hình sinh thái hoa cây cảnh được công nhận là sản phẩm OCOP, HTX Hồng Vân còn cho ra đời các sản phẩm thảo mộc như: trà trâu cổ, trà đinh lăng, trà kim ngân hoa, trà cỏ ngọt. HTX còn cung cấp các loại rượu hoa quả như: rượu trâu cổ (một loại rượu quý sẽ phấn đấu thành sản phẩm OCOP), rượu chanh đào, rượu sung, rượu gấc... Đây là điểm nhấn nâng cao giá trị kinh tế và thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm ở Hồng Vân.

Ông Nguyễn Văn Quyến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, giai đoạn 2022 - 2025, Thành phố sẽ tập trung xây dựng thí điểm các mô hình, gồm: du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề... theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.

Việc phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch sinh thái dù ở cấp độ nào cũng là tiền đề quan trọng để xây dựng các miền quê đáng sống. Đối với khu vực ven đô, việc phát triển nông nghiệp ngoài nâng cao đời sống, chất lượng sống cho chính người dân khu vực nông thôn, còn có nhiệm vụ quan trọng là “lá phổi xanh” của thủ đô.

“Xây dựng NTM nâng cao gắn với phát triển du lịch nông thôn đã có những hiệu quả ban đầu, cuộc sống của người nông dân ở các địa phương có sự khởi sắc, ngày càng nâng cao. Điều này chứng tỏ hướng đi này là hoàn toàn đúng đắn, các địa phương có tiềm năng và thế mạnh cần vận dụng và phát huy để thay đổi bộ mặt nông thôn, đáp ứng với sự phát triển chung của toàn Thành phố cũng như xã hội”, ông Nguyễn văn Quyến cho hay.

Theo VN Business