Phát triển hợp tác xã trong bối cảnh hội nhập quốc tế

|
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hợp tác xã (HTX) là một trong những mô hình ưu việt để tận dụng cơ hội, khắc phục khó khăn khi hội nhập quốc tế và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX, để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô và tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức KTTT, HTX.
Phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam là phù hợp với xu thế chung của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, hiện đại. 
 

KINH NGHIỆM QUỐC TẾ

Báo cáo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phiên họp 76 tháng 7/2021 và Nghị quyết 74/119 tháng 1/2020 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khẳng định mô hình HTX lấy con người làm trung tâm, là công cụ mạnh mẽ để phục hồi xã hội một cách toàn diện và bền vững sau cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19, đồng thời thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; mô hình HTX là giải pháp quan trọng trong phục hồi sau đại dịch và sự phát triển bền vững trong tương lai, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khuyến khích các quốc gia trên thế giới xem xét lại các quy định của pháp luật nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn, thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của các HTX bằng cách cải thiện các luật và quy định hiện hành hoặc ban hành những cơ chế, chính sách mới, đặc biệt là trong việc tiếp cận vốn, quyền tự chủ, khả năng cạnh tranh và đánh thuế công bằng, bảo đảm tài sản không phân chia.

Qua xem xét sự phát triển của phong trào HTX, trong bối cảnh toàn cầu hóa, có thể rút ra một số kinh nghiệm :

Thứ nhất, HTX có vai trò rất quan trọng trong việc gia tăng giá trị sản phẩm, gắn kết theo chuỗi giá trị, đảm bảo ổn định việc làm, đời sống cho nông dân.

Tại Hàn Quốc, Liên đoàn quốc gia HTX nông nghiệp nước này hỗ trợ gia tăng thu nhập của người nông dân đạt mức 50 triệu won vào năm 2020(1) thông qua việc tăng cường nâng cao năng suất, tăng giá nông sản, hạ thấp chi phí quản lý nông nghiệp, tăng cường giá trị gia tăng hàng nông sản, tìm kiếm và đa dạng hóa các nguồn thu nhập không từ hoạt động canh tác và gián tiếp hỗ trợ thu nhập của người nông dân.

Tại Hà Lan, Liên đoàn HTX Friesland Campina hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ để đưa ra các sản phẩm sữa đảm bảo chất lượng tốt nhất như các viện nghiên cứu thực phẩm, trạm nghiên cứu chăn nuôi, ủy ban kiểm soát sữa Hà Lan, cơ quan dịch vụ thú y... và phải được một số cơ quan chứng thực gồm: Nghị viện và Hội đồng châu Âu thì ban hành luật và bộ luật của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đảm bảo an toàn chất lượng các sản phẩm sữa và áp dụng cho tất cả các nước thành viên của EU kể cả Hà Lan.

Thứ hai, HTX chú trọng trong việc thu hút nguồn nhân lực trẻ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đặc biệt trong ứng dụng khoa học công nghệ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tại Hà Lan, Liên đoàn HTX Friesland Campina (Liên đoàn) sử dụng nhiều chính sách thu hút sự tham gia của thanh niên có trình độ, tri thức cao làm việc tại các HTX thành viên và tại các văn phòng đại diện trên khắp thế giới. Liên đoàn có 5 thanh niên trong Ban Giám đốc, 21 thanh niên trong Ủy ban thanh niên, 105 thanh niên trong Hội đồng thanh niên và hiện nay có tổng số trên 4.000 cán bộ trẻ làm việc trong Liên đoàn.

Tại Nhật Bản, Luật HTX nông nghiệp quy định tất cả các HTX phải dành 5% tổng lợi nhuận hàng năm cho việc đào tạo các thành viên và cán bộ của HTX. Năm 1996, 38,1% HTX có quỹ riêng dành cho giáo dục đào tạo, 59% HTX có lập kế hoạch đào tạo hàng năm cho HTX, 58% HTX có hoạt động khuyến khích các thành viên và cán bộ tham gia các lớp tập huấn đào tạo ngoài HTX, kinh phí do HTX chi trả, 47,7% HTX cấp giấy khen hàng năm cho các thành viên và cán bộ tích cực tham gia tập huấn đào tạo(2).

Tại Hàn Quốc, Viện Công nghệ sinh học Nongwoo Bio (Viện) thành lập năm 2014, nghiên cứu các sản phẩm giống nông nghiệp của Hàn Quốc và quốc tế. Các sản phẩm của Viện được xuất khẩu tại hơn 80 nước trên thế giới và hiện có pháp nhân ở 6 nước: Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Myanma, Indonesia. Thị trường giống của Viện tăng trưởng 8% mỗi năm.

Thứ ba, HTX phát triển mạnh, đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, những ngành nghề KTTT có lợi thế về số lượng thành viên.

Thống kê 300 HTX lớn nhất thế giới cho thấy, các HTX có quy mô lớn đều là các HTX hoạt động trên các lĩnh vực có số đông thành viên, hoạt động tương hỗ nhau tích cực, hiệu quả. Trong đó 34% các HTX đứng đầu danh sách đều hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, như: Ngân hàng HTX Groupe Crédit Agricole từ Pháp (114,55 tỷ USD), Tập đoàn Ngân hàng HTX Groupe BPCE từ Pháp (63,32 tỷ USD), Nhà bán lẻ REWE Group từ Đức (61,98 tỷ USD). Tiếp theo là Mạng lưới Tài chính Hợp tác xã Đức - BVR với 56,29 tỷ USD. 300 tổ chức hợp tác xã lớn nhất thế giới có tổng doanh thu là 2,18 tỷ USD vào năm 2019, tăng từ 2,14 tỷ USD vào năm 2018(3).

Thứ tư, xu hướng tăng chất lượng thay vì số lượng HTX, tăng quy mô HTX, phát huy lợi thế theo quy mô, tăng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.

Tại Đức, năm 1950, cả nước có 23.750 HTX với tổng doanh thu 2,5 tỷ Euro. Đến năm 2020, số lượng HTX giảm xuống còn 1.766, nhưng tổng doanh thu lại tăng đạt 64,2 tỷ Euro, quy mô theo doanh thu của các HTX theo đó tăng 350 lần(4). Xu hướng này liên tục được duy trì theo hướng giảm HTX, nhưng tăng quy mô từng HTX, đem lại hiệu quả chung cho toàn bộ các HTX và nền kinh tế, thể hiện qua tổng doanh thu của toàn bộ khu vực HTX liên tục. Nhờ lợi thế về quy mô, các HTX nông nghiệp tại CHLB Đức cung cấp 90% sản lượng nông sản tại nước này.

Tại Hà Lan, Liên đoàn HTX Friesland Campina có cơ sở hoạt động tại 34 nước, trên 20.000 nông dân thành viên sở hữu các công ty chế biến, cung cấp gần 30.000 tấn sữa trên toàn thế giới mỗi ngày, 90% nông dân có thu nhập từ sản phẩm sữa thu mua 75% tổng lượng sữa tại Hà Lan (7 tỷ kg sữa/năm) và thu mua từ thành viên trong 365 ngày/năm, có 50 nhà máy chế biến và yêu cầu các thành viên phải bán 100% sản lượng sữa cho HTX tại mọi thời điểm(5).

Tại Hàn Quốc, hệ thống HTX nông nghiệp có 2,2 triệu thành viên đầu tư góp vốn vào 1.131 HTX (trung bình mỗi HTX có 2.000 thành viên, gấp 6 lần Việt Nam) trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn  nuôi và nhân sâm(6). 

Thứ năm, các quốc gia tận dụng mô hình HTX, Liên minh HTX để duy trì hỗ trợ, trợ cấp cho nông dân, người lao động mà không vi phạm các nguyên tắc của WTO, các quy định trong FTA thế hệ mới.

Khi gia nhập WTO nói chung và các hiệp định FTA thế hệ mới nói riêng, các nước phải tuân thủ các nguyên tắc về việc không được trợ giá hàng xuất khẩu, việc này sẽ gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu, đặc biệt là người nông dân. Tuy nhiên, các nước đã hỗ trợ gián tiếp cho nông dân thông qua các HTX, Liên minh HTX như: hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị, hỗ trợ thu mua sản phẩm, hỗ trợ cho phép HTX thực hiện các dự án nhà nước theo hình thức chỉ định thầu, hỗ trợ về chính sách ưu đãi về thuế...

Chính phủ Nhật Bản coi HTX nông nghiệp là một trong những hình thức phục vụ xã hội tốt nhất và yêu cầu các cấp, các ngành phải giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho tổ chức này; các ngành tài chính, thương nghiệp giúp đỡ về vốn, kỹ thuật, tư liệu sản xuất... 

Tại Tây Ban Nha, HTX được hưởng một mức thuế suất thuận lợi - chỉ phải trả 20% (thuế suất cho doanh nghiệp là 30%), với các hợp đồng được dán nhãn “được bảo vệ đặc biệt” thì mức thuế thậm chí còn thấp hơn 10%. “HTX được bảo vệ đặc biệt” bao gồm các HTX công nhân, HTX nông nghiệp và HTX tiêu dùng(7).

Tại Ý, một số thành phố chỉ chấp nhận giá thầu từ các HTX, nhất là các HTX có đông thành viên có hoàn cảnh khó khăn.

Thứ sáu, liên minh HTX (có nước là liên đoàn HTX) ở các nước là một hệ thống thống nhất và liên kết chặt chẽ theo ngành dọc từ trung ương đến địa phương, được điều chỉnh bởi luật chuyên ngành; chính phủ hỗ trợ về kinh phí hoạt động và giao nhiệm vụ cho Liên minh HTX thực hiện chính sách hỗ trợ HTX, thực hiện các dịch vụ công (thống kê, kiểm tra, giám sát, cấp chứng chỉ về an toàn thực phẩm, xuất xứ sản phẩm, tiêu chuẩn GlobalGAP, Fair Trade...). Chẳng hạn như:

Về mô hình, Liên minh HTX Thái Lan là tổ chức cao nhất cấp quốc gia, dưới Liên minh là các liên đoàn HTX theo ngành; Liên minh HTX quốc gia Ấn Độ (NCUI) có 212 liên đoàn thành viên; Liên minh HTX Nhật Bản (JCA) được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Ủy ban HTX Nhật Bản; Liên minh HTX Đức (DGRV) là tổ chức cao nhất đại diện của các HTX; Liên đoàn HTX cung tiêu toàn Trung Quốc (ACFSMC) là tổ chức cấp cao nhất, có 32 Liên đoàn cấp tỉnh, 342 liên đoàn cấp quận/huyện, 2.402 liên đoàn cấp xã và 30.281 HTX(8).

Về cơ chế đặc thù, tại Châu Âu, Ủy ban châu Âu tạo lập môi trường chính sách thuận lợi cho sự hình thành và phát triển Liên minh HTX. Tại Trung Quốc áp dụng chế độ tham chiếu cơ chế, chính sách cán bộ công tác, làm việc tại Liên minh HTX như cơ chế, chính sách cán bộ đối với công chức, viên chức.

Về tài chính, tại Malaysia, pháp luật quy định HTX phải đóng 3% lợi nhuận trước thuế cho Liên minh HTX; tại Hàn Quốc, Luật HTX quy định, Chính phủ dành các khoản trợ cấp cần thiết ngân sách hàng năm, chuyển giao Ngân hàng Nông nghiệp cho Liên minh HTX sở hữu để phục vụ HTX; tại Trung Quốc, Chính phủ hỗ trợ Liên đoàn (Liên minh) như các cơ quan quản lý nhà nước.

Về giao nhiệm vụ, tại Đức quy định HTX phải kiểm toán bắt buộc và giao cho Liên đoàn HTX tổ chức dịch vụ kiểm toán, thực hiện một số dự án kinh tế - xã hội cho HTX,...; tại Thái Lan, hoạt động của liên minh HTX chủ yếu từ các khoản hỗ trợ của Chính phủ, thông qua Liên minh HTX để cho các HTX vay vốn với lãi suất thấp, hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng(9).

MỘT SỐ HÀM Ý CHÍNH SÁCH VÀ GIÁ TRỊ THAM KHẢO ĐỐI VỚI VIỆT NAM

Một là, HTX tiếp tục là xu hướng tất yếu, đóng vai trò ngày càng quan trọng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; là mô hình hữu hiệu để ứng phó với các biến động lớn như Đại dịch COVID-19. HTX vẫn phát triển mạnh ở các nền kinh tế; nhiều quốc gia có trình độ phát triển càng cao, phong trào HTX phát triển càng mạnh như Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc,…

Hai là, cần tiếp tục lấy HTX làm trung tâm và nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, HTX: dù có nhiều hình thức phái sinh từ HTX như liên đoàn HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác (có nước là tổ nông dân, tổ tương hỗ...) nhưng các quốc gia đều xác định HTX là gốc, là nòng cốt và tập trung quy định các cơ chế, chính sách cho mô hình này. Phần lớn các nước đều có luật riêng và lấy tên luật là luật HTX (như Australia, Phillipine, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc....), có nước ngoài luật HTX chung, còn có các luật HTX chuyên ngành theo ngành nghề (như tại Nhật Bản, Hàn Quốc). Trong “luật Hợp tác xã”, các quốc gia quy định chi tiết HTX, nhưng vẫn đảm bảo bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đối với các tổ chức kinh tế tập thể, tổ chức phái sinh từ HTX.

Ba là, trong phát triển HTX, cần ưu tiên tập trung phát triển về “chất”, thay vì phát triển về “lượng”, tập trung khuyến khích các mô hình HTX quy mô lớn, có số lượng thành viên đông, tận dụng lợi thế theo quy mô, cung cấp đa dạng các dịch vụ cho thành viên, đảm bảo vị thế, quyền lợi của HTX và của thành viên trong chuỗi giá trị.

Bốn là, cần quy định rõ chức năng nhiệm vụ và nâng cao vai trò hệ thống liên minh HTX, giao hệ thống liên minh HTX Việt Nam thực hiện một số nhiệm vụ: 1) Thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các tổ chức KTTT hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp; 2) Thực hiện công tác giám sát, tổng kết, đánh giá tình hình phát triển tổ chức KTTT trong lĩnh vực phi nông nghiệp; 3) Phối hợp với chính quyền địa phương trong giám sát, quản lý tài sản không chia hình thành từ nguồn hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước đối với các tổ chức KTTT, đặc biệt trong quá trình các tổ chức KTTT chuyển đổi hình thức kinh doanh khác hoặc giải thể, chia tách, sáp nhập, hợp nhất, phá sản.

Năm là, nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách mở rộng thành viên, tăng tính thu hút của HTX. Hiện nay, Luật HTX năm 2012 quy định thành viên HTX, HTX thành viên có nghĩa vụ sử dụng hàng hóa, dịch vụ của HTX, liên hiệp HTX theo hợp đồng dịch vụ; góp đủ, đúng thời hạn vốn góp đã cam kết theo quy định pháp luật và điều lệ HTX, liên hiệp HTX. Hiện nay có nhiều cá nhân, tổ chức tham gia góp vốn nhưng không sử dụng, cung ứng dịch vụ, sản phẩm cho HTX, liên hiệp HTX hoặc không tham gia góp vốn nhưng có sử dụng, cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho HTX, liên hiệp HTX nhưng không được hưởng một số quyền và lợi ích như đối với thành viên của HTX, liên hiệp HTX. Vì vậy, cần có quy định những đối tượng này là thành viên liên kết của các tổ chức KTTT nhằm mở rộng đối tượng tham gia thành viên HTX theo nguyên tắc kết nạp rộng rãi thành viên HTX.

Sáu là, nghiên cứu xem xét cho phép HTX, liên hiệp HTX tham gia cung cấp các dịch vụ tài chính, bảo hiểm. Điều này phù hợp với luật pháp và xu hướng quốc tế, đồng thời bảo đảm nguyên tắc KTTT, HTX được đối xử bình đẳng như các thành phần kinh tế khác. Đồng thời có thể tận dụng được thế mạnh của HTX, tăng độ phủ các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, góp phần ổn định an sinh xã hội: 1) HTX có mạng lưới rộng khắp, số lượng thành viên lớn, các thành viên có đặc điểm nhân khẩu học phù hợp và chính là đối tượng khách hàng của bảo hiểm vi mô; 2) HTX có thể thực hiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm trên tinh thần tương trợ với chi phí thấp, nhanh và tận tụy với người dân, điều mà các doanh nghiệp bảo hiểm khó thực hiện; 3) HTX thuận lợi trong nâng cao nhận thức về bảo hiểm cho các thành viên, đặc biệt các thành viên hộ nông dân; 4) HTX là kênh truyền dẫn, phân phối hiệu quả, có thể đưa nhiều sản phẩm dịch vụ, trong đó có tài chính vi mô, bảo hiểm vi mô tới tận tay người dân, đặc biệt người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hoạt động tài chính trong HTX góp phần tích cực xây dựng hệ thống tài chính bao trùm của nền kinh tế, bảo đảm cho tất cả những người nghèo và nhóm yếu thế có thể tiếp cận thuận tiện các dịch vụ tài chính, bảo hiểm./.

Theo vca.org.vn