Phát triển kinh tế tập thể từ mô hình nông nghiệp sinh thái

|

 Để thúc đẩy phát triển hiệu quả mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, Hà Nội đang dần hình thành hệ sinh thái đa dạng, tận dụng được thế mạnh diện tích đất nông nghiệp, cây xanh… để phát triển mô hình Hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm.

Phát triển kinh tế tập thể từ mô hình nông nghiệp sinh thái - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tiến Phong, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP. Hà Nội (bên trái) và anh Vũ Văn Lực, Giám đốc Hợp tác xã Nho và Dâu tây Vĩnh Ngọc tại vườn dâu tây của hợp tác xã. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Anh Vũ Văn Lực, Giám đốc Hợp tác xã Nho và Dâu tây Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh cho biết, hợp tác xã được thành lập từ năm 2019, với diện tích ban đầu là 1,5 ha. Đến nay sau 4 năm đi vào hoạt động, hợp tác xã đã mở rộng diện tích được gần 8 ha, với các loại sản phẩm đa dạng như: Dâu tây, cà chua vào mùa đông- xuân, các loại nho và dưa vào mùa hè... Trong đó, diện tích dâu tây có 2 ha và diện tích trồng nho có 3 ha. Ngoài ra, đơn vị cũng đang xây dựng khu vực để nuôi các loại gia súc, gia cầm và cá nước ngọt để làm phong phú sản phẩm trải nghiệm cho khách đến tham quan.

Hiện nay, tại hợp tác xã đang vào mùa dâu tây, kéo dài từ khoảng tháng 12 đến hết tháng 4 dương lịch. Trung bình một ngày, hợp tác xã đón khoảng 500-700 khách, ngày nhiều lên đến hàng nghìn khách, có ngày cao điểm lên đến khoảng 2.000. Với giá vé trải nghiệm 50 nghìn đồng/người, du khách được thưởng thức miễn phí các sản phẩm trái cây tại trang trại và một số các loại hình trải nghiệm khác. Bên cạnh đó, hợp tác xã cũng bán thêm các sản phẩm do đơn vị sản xuất cho du khách…

Cũng giống như các hợp tác xã, doanh nghiệp… khác, Hợp tác xã Nho và Dâu tây Vĩnh Ngọc cũng bị ảnh hưởng rất nhiều từ đại dịch COVID-19. Nhưng sau hai năm sau dịch, lượng khách quay trở lại hợp tác xã đã đông lên hơn nhiều, đây chính là tín hiệu tích cực, khả quan cho đơn vị cũng như địa phương để phục hồi, phát triển sau dịch bệnh.

Theo anh Lực, sau khi trừ tất cả chi phí lợi nhuận thu được khoảng từ 300-500 triệu đồng/ha. Hiện nay, Hợp tác xã có khoảng 30 lao động làm việc thường xuyên tại vườn, thu nhập bình quân mỗi người khoảng 6-7 triệu đồng/tháng, góp phần tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân của địa phương.

Sắp tới, hợp tác xã đang có dự định kết hợp với một số đơn vị trên địa bàn thành phố để nhân rộng thêm mô hình cho người dân Thủ đô có thêm không gian trải nghiệm, thưởng thức các loại trái cây sạch tại trang trại.

Phát triển kinh tế tập thể từ mô hình nông nghiệp sinh thái - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tiến Phong, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Thành phố, Hà Nội: Cần nhân rộng mô hình Hợp tác xã nông nghiệp sinh thái để phát triển hiệu quả. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Ông Nguyễn Tiến Phong, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP. Hà Nội cho biết, Hợp tác xã Nho và Dâu tây Vĩnh Ngọc là một mô hình rất hiệu quả, là sân chơi cho các cháu thiếu nhi đến tham quan, học tập. Đây cũng là xu hướng chung của thành phố Hà Nội đang hướng tới để phát triển mô hình kết hợp du lịch nông nghiệp với du lịch trải nghiệm. Các em nhỏ khi đến mô hình sẽ được trực tiếp trải nghiệm thực tế như: Hái dâu tây, nho, cà chua… hoặc cho gia súc, gia cầm ăn. Qua đó giúp các em có thêm chất liệu từ cuộc sống nông nghiệp, gắn bó và thêm yêu thiên nhiên, môi trường.

Thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã thành phố vẫn luôn quan tâm, tạo điều kiện để hỗ trợ cho Hợp tác xã, nhất là về mặt thông tin truyền thông hay tổ chức tập huấn về vệ sinh an toàn lao động và phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm. Thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã Thành phố cũng sẽ hướng tới xây dựng Trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP ngay trên hợp tác xã để người dân ngoài việc đến tham quan, trải nghiệm… có thể mua sắm được các sản phẩm OCOP chất lượng của Hà Nội.

Theo chủ trương của các cấp ủy Đảng và chính quyền Thành phố, Hà Nội sẽ tập trung cao cho tích tụ ruộng đất gắn với phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã để xây dựng các mô hình nông nghiệp đô thị trọng tâm. Theo đó, Thành phố đã xây dựng các chính sách hỗ trợ để hình thành các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, hỗ trợ từ giống, đầu tư hạ tầng và thiết bị công nghệ cao đến việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu. Nhất là xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói đến tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đồng thời xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Tính đến nay, Hà Nội đã xây dựng được 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 105 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi.

Theo Báo Điện tử Chính Phủ