Phụ nữ tạo lập vị thế trong môi trường kinh tế tập thể
Khởi nghiệp sáng tạo hay tham gia mô hình kinh tế tập thể đang giúp nhiều phụ nữ Việt Nam khẳng định vai trò của mình trong xã hội và nền kinh tế thị trường.
Cả nước hiện có gần 100 triệu người, 26,9 triệu hộ gia đình; 60 triệu người đang ở độ tuổi lao động, trong đó có hơn 50% là lao động nữ.
Nỗ lực khởi nghiệp từ HTX
Tài sản chính của các hộ gia đình là nhà cửa, ruộng đất, nghề truyền thống và sức lao động. Và phần lớn phụ nữ hiện nay đều có nhu cầu liên kết, hợp tác để tương trợ nhau cùng phát triển kinh tế. Đây cũng là xu hướng và cũng là nhu cầu từ thực tiễn, khách quan đã được chứng minh trong nhiều năm qua.
Chính vì vậy, tham gia hoặc khởi nghiệp sáng tạo từ mô hình kinh tế tập thể (KTTT) với nòng cốt là các HTX được coi là lựa chọn phù hợp với nhu cầu, trình độ, năng lực quản lý, điều hành của phần đông phụ nữ.
Đặc biệt, bản chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam là cần cù, chịu khó, linh hoạt trong hợp tác, thương yêu, giúp đỡ nhau trong sản xuất kinh doanh và đời sống hàng ngày. Điều này cũng phù hợp với đặc điểm nổi bật của mô hình HTX đó là “phát triển vì lợi ích của thành viên”.
Nhiều phụ nữ đã khẳng định được vị thế nhờ khởi nghiệp từ mô hình HTX. |
Nhiều phụ nữ đã và đang nhận ra được những giá trị tích cực, tính ưu việt của mô hình KTTT từ khi tham gia HTX hoặc lựa chọn HTX là nơi để khởi nghiệp sáng tạo. Bà Nguyễn Thị Sâm, Giám đốc HTX tiểu thủ công nghiệp Toàn Thắng (Hậu Lộc, Thanh Hóa) là một ví đụ điển hình.
Bắt đầu với vô vàn khó khăn do kinh nghiệm kinh doanh chưa có, lao động mới tuyển tay nghề yếu, thiếu vốn đầu tư..., nhưng với tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sai đâu sửa đấy, bà đã cùng các thành viên cho ra những sản phẩm túi siêu thị xuất khẩu đạt yêu cầu.
Đến thời điểm hiện tại, HTX Toàn Thắng xuất 10.000 - 15.000 sản phẩm/ngày, doanh thu mỗi năm đạt hàng tỷ đồng và đang giải quyết việc làm trực tiếp tại xưởng cho gần 30 công nhân với mức lương từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, còn có hơn 200 lao động ở các xã trong huyện nhận nguyên liệu của HTX về làm tại nhà sau khi được tham gia các lớp dạy nghề, với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.
Bà Sâm tâm sự về hành trình đưa HTX vượt qua khó khăn: “Nếu như nhiều người khởi nghiệp với mô hình HTX từ con số 0 thì tôi khởi nghiệp từ con số âm". Bởi lẽ, trước khi khởi nghiệp, bà đã ở tuổi lục tuần với nhiều lo toan bốn bề của gia đình.
Với những đóng góp không nhỏ về kinh tế và xã hội, bà Nguyễn Thị Sâm là một trong 3 phụ nữ được tặng giấy khen Vì cộng đồng trong cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021, với dự án may gia công công nghiệp túi siêu thị xuất khẩu…
Không chỉ bà Nguyễn Thị Sâm mà đến nay đã có không ít phụ nữ khẳng định được vị thế của mình trong xã hội nhờ điểm tựa từ mô hình HTX. Và không ít HTX hoạt động hiệu quả là nhờ sự tâm huyết của những người phụ nữ.
Tiêu biểu như HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (Đồng Nai) đang hoạt động hiệu quả nhờ giám đốc Đặng Thị Thúy Nga, HTX Mường Hoa (Lào Cai) phát triển ổn định nhờ Giám đốc Sùng Thị lan hay Liên hiệp HTX nông nghiệp an toàn Sơn La do bà Phan Diệu Vân làm Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc điều hành…
Theo thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, trong 5 năm gần đây, mỗi năm có trung bình 2.150 HTX; 16 liên hiệp HTX mới được thành lập. Trong số các HTX, liên hiệp HTX mới được thành lập có rất nhiều phụ nữ tham gia sáng lập viên, tham gia quản lý, điều hành và làm việc thường xuyên tại các HTX, liên hiệp HTX.
Còn theo Bộ NN&PTN, hiện nay, tổng số lao động nữ làm việc trong ngành nông nghiệp chiếm 47,4%. Riêng số lao động nữ làm việc trong khu vực KTTT, HTX chiếm đến 80% .
Những con số này đã chứng minh rằng phụ nữ đã và đang có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội nói chung và khu vực KTTT, HTX nói riêng. Đến nay, không ít HTX, liên hiệp HTX đang hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, trong đó chủ yếu là phụ nữ.
Tạo điều kiện khẳng định vị thế
Nếu xét về độ tuổi, khu vực KTTT, HTX sử dụng lao động nữ linh hoạt hơn so với các khu vực kinh tế khác nên góp phần giảm bớt gánh nặng về kinh tế xã hội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là dù đang chiếm hơn 50% lực lượng lao động của xã hội và 80% lao động trong khu vực KTTT nhưng trong quá trình khởi nghiệp kinh doanh thông qua HTX, nhiều phụ nữ vẫn gặp những rào cản nhất định.
Bà Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX nông nghiệp Bản Dao Thống Nhất (Hòa Bình) cho biết, nhận thấy mô hình HTX khá hiệu quả nên bà muốn mở rộng nhằm tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động là phụ nữ. Tuy nhiên, HTX đang gặp khó khăn về vốn để mở rộng sản xuất, cũng như kinh phí quảng bá sản phẩm, tìm thị trường mới...
Chính vì vậy, bà mong muốn các cơ quan quản lý có giải pháp tạo cơ hội để bà và nhiều phụ nữ khác chủ động, sáng tạo tham gia khởi nghiệp, đặc biệt là giải pháp hỗ trợ các HTX tham gia chuỗi giá trị, hỗ trợ các sản phẩm của phụ nữ đạt tiêu chuẩn OCOP.
Không chỉ thiếu vốn, phụ nữ khởi nghiệp còn vướng nhiều rào cản, định kiến về giới nên quá trình sản xuất kinh doanh và phát triển bản thân cũng có phần bất lợi. Ngay như khảo sát của Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, tỷ lệ lao động nữ giữ các chức vụ quản lý, điều hành trong HTX khá thấp và đa phần chỉ giữ chức vụ từ cấp phó trở xuống.
Tỷ lệ lao động nữ không có tay nghề chiếm trên 60% tổng số lao động nữ làm việc trong HTX; chỉ có khoảng 20% lao động nữ được tham gia các khóa đào tạo nghề và hầu hết là các nghề đơn giản, thời gian đào tạo ngắn.
Nhiều HTX do phụ nữ làm chủ mong muốn nhận được sự hỗ trợ trong phát triển HTX, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm. |
Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do định kiến từ người thân, một phần là do định kiến xã hội. Điều này khiến không ít phụ nữ khởi nghiệp và tham gia mô hình HTX gặp khó khăn bởi họ vừa phải hoàn thành công việc gia đình vừa phải gánh vác và hoàn thành công việc trong mô hình HTX…
Theo các chuyên gia, phụ nữ đang góp phần không nhỏ trong việc đưa các nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể, HTX đến gần hơn với người dân. Chính vì vậy, việc thu hút và tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia và phát triển mô hình HTX là điều vô cùng cần thiết.
Để làm được điều này, rất cần có chính sách riêng cho phụ nữ khi tham gia hoạt động kinh tế, đặc biệt là KTTT, HTX. Bởi hiện nay, Nhà nước mới chỉ có những cơ chế chung trong phát triển KTTT, HTX, cũng như lồng ghép nhiều chính sách khác nhau trong việc hỗ trợ phụ nữ. Chính vì vậy, việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của HTX do phụ nữ làm lãnh đạo quản lý cũng rất khó khăn. Điều này khiến các HTX khó phát triển, mở rộng sản xuất và cũng khó cạnh tranh trên thị trường.
Bà Trần Thị Thu Hà, Phó trưởng ban Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho biết việc thành lập HTX là do cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý HTX.
Do đó, muốn thu hút nhiều phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo từ mô hình HTX, công tác tuyên truyền, hỗ trợ cần phù hợp, đúng đối tượng. Người đi tuyên truyền phải am hiểu sâu về bản chất của mô hình HTX cũng như kinh nghiệm trong quản trị, điều hành hoạt động của HTX theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có như vậy mới dễ thuyết phục và giúp loại bỏ định kiến về HTX cũng như định kiến về giới.
Theo VNBusiness
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [06/11/2024] HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI GIỮA LÃNH ĐẠO UBND TỈNH VỚI CÁC HTX TRÊN ĐỊA BÀN NĂM 2024
- [04/11/2024] Phát triển du lịch nông nghiệp tại Cam Lâm
- [20/10/2022] Nông thôn mới thêm sáng nhờ sức lan tỏa của ‘sao’ OCOP
- [20/10/2022] Làm gì để giúp nông dân làm nông sản sạch bền lâu?
- [20/10/2022] Kinh tế tập thể giúp giảm nghèo bền vững cho phụ nữ DTTS vùng biên
- [04/10/2022] Hỗ trợ chuyển đổi cây trồng năm 2022: Hướng đến vùng khó khăn
- [03/10/2022] Lỏng lẻo quy trình quản lý nông sản ra thị trường